198 triệu USD cho 2 dự án nước tại TP HCM

Đây là một phần của chương trình đầu tư trị giá 2,8 tỷ USD và sẽ mang lại lợi ích cho hơn một nửa triệu cư dân TP HCM.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam đã ký hai hiệp định vay tổng trị giá 198 triệu USD nhằm cải thiện việc tiếp cận nước sạch cho người dân tại TP HCM và để hoàn thành dự án thủy lợi cho thành phố này và các tỉnh lân cận.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Giàu, đại điện cho Chính phủ và ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam đại diện cho ADB tham gia lễ ký kết thỏa thuận vay vốn.

Khoản vay 198 triệu USD là một phần của chương trình đầu tư trị giá 2,8 tỷ USD với sự tham gia của ADB, Chính phủ Việt Nam, các đối tác phát triển và các nhà tài trợ cho công ty nước bao gồm cả các tỉnh, thành và khu vực kinh tế tư nhân.

Tiểu dự án TP HCM sẽ mang lại lợi ích cho hơn một nửa triệu cư dân TP HCM, và lần đầu tiên nối đường ống dẫn nước tới gần 20.000 gia đình, góp phần cho mục tiêu nâng độ phủ nước máy của thành phố HCM từ 82% lên 90% vào năm 2025. Đồng thời, tiểu dự án này cũng hỗ trợ làm giảm tỷ lệ thất thoát nước từ 40% xuống còn 25% vào năm 2025, mà kết quả sẽ là tăng lượng nước sẵn có ở mức trên 64 triệu m3/năm trong thập kỷ tới.

“Độ phủ nước sạch yếu kém sẽ tác động nhiều nhất đến các gia đình nghèo và chương trình đầu tư này sẽ đem lại lợi ích nhiều nhất cho các gia đình này”, ông Konishi cho biết.

Khoản vay 60 triệu USD cấp tài trợ bổ sung cho Dự án Thủy lợi Phước Hòa được chuẩn bị từ năm 2003. Cùng với một khoản vay 25 triệu USD từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), khoản tài trợ bổ sung này sẽ hỗ trợ Chính phủ hoàn thành các hạng mục dự án theo thiết kế ban đầu bao gồm xây mới hai hệ thống thủy lợi cho phát triển nông nghiệp và thâm canh vào tháng 3/2014. Mục tiêu của dự án là cấp nước bổ sung tại các khu vực hạ lưu sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông cho sản xuất nông nghiệp và bổ sung thêm nguồn nước cung cấp hiện có cho TP HCM và các tỉnh lân cận.

Dự án sẽ cung cấp nước cho nông nghiệp, nước sử dụng cho sinh hoạt, công cộng và công nghiệp, và đồng thời xây dựng các kỹ năng quản lý tại các cơ quan quản lý nhà nước và các nhóm những người sử dụng nước trong cộng đồng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên