36% người sinh con một bề bị trêu ghẹo, xúc phạm

Đó là con số vừa được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) công bố sau đợt khảo sát tình hình thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về dân số.

Chị Trần Thị Ngọc Bích, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu các yếu tố liên quan đến việc quyết định sinh con thứ 3 của các cặp vợ chồng” nói: “Theo kết quả phỏng vấn sâu, các đối tượng phàn nàn, con một bề thường bị trêu ghẹo, đôi khi là sự xúc phạm”. Đáng buồn là nhiều khi sự xúc phạm lại đến từ chính những thành viên trong gia đình.

Hành vi thường xảy ra nhất là xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với người sinh toàn con trai hoặc toàn con gái (chiếm 36,21% ý kiến trả lời). Hành vi ép buộc mang thai, sinh sớm, sinh dày, sinh nhiều con, sinh con trai, sinh con gái có tới 30,44% thừa nhận. Hành vi xâm phạm thân thể người khác, bắt họ phải sử dụng biện pháp tránh thai hoặc ngừng sử dụng biện pháp tránh thai, ép buộc người có toàn con trai hoặc toàn con gái phải sinh thêm con xảy ra với 23,07%.

Đối với nhóm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, những việc thường xảy ra trong thực tế là siêu âm để xác định giới tính thai nhi (24,67%); bắt mạch, qua bói toán để xác định giới tính khoảng 18%. Hành vi nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu để tuyên truyền giới tính thai nhi cũng xảy ra với hơn 16% số người được hỏi.

Cũng theo khảo sát của Tổng cục DS-KHHGĐ, chưa có địa phương nào tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về dân số mặc dù trong thực tế có vi phạm xảy ra. Mới đây, dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số có quy định các hành vi: có lời nói, hành động thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sử dụng biện pháp tránh thai, người chỉ sinh con một bề; đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người khác phải sử dụng biện pháp tránh thai, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, mê tín dị đoan nhằm cản trở việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, ép phải mang thai, sinh nhiều con, buộc chỉ sinh con trai hay con gái... Nhưng cho dù các văn bản pháp luật được ban hành việc áp dụng vào cuộc sống rất khó. Vì để thu thập được chứng cứ về hành vi vi phạm rất khó khăn, “lời nói gió… bay”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên