Ách tắc container hàng thực phẩm đông lạnh- vì sao?

Tính đến ngày 23/9, tổng số container thực phẩm đông lạnh chưa làm thủ tục hải quan tại các cảng ở TP.HCM còn tới hơn 200 chiếc, chỉ giảm được chút ít so với trước. Vì sao  tình trạng này vẫn kéo dài? 

Video: Hàng nghìn tấn thực phẩm đông lạnh vô chủ

Đến chiều qua (23/9), tại cảng Cát Lái, quận 2, thuộc phạm vi giám sát của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 vẫn còn 189 chiếc container, chiếm 92% tổng số container hàng thực phẩm đông lạnh chưa thông quan với khỏang 5.070 tấn thực phẩm đông lạnh, chủ yếu là cá, thịt gà, thịt bò, thịt trâu, nhập khẩu từ Australia và các  nước Nam Mỹ…

Tiếp cận với khu vực quản lý hàng đông lạnh của cảng Cát Lái, chúng tôi chứng kiến nhiều container đông lạnh để quá lâu ngày, thậm chí hơn một năm trời, chân đế container đã xanh rêu, như chiếc container 40 feet số vận đơn MWCU 668650 của hãng tàu Maersk Sealand ghi ngày nhập vào cảng là 16/7/2008… Ông Nguyễn Bá Định, Phó Trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 cho biết: Trước số lượng container chưa thông quan còn nhiều như hiện nay, chi cục Hải quan chúng tôi một mặt nhắc nhở doanh nghiệp, mặt khác tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp thông quan. Chỉ cần đủ giấy tờ cần thiết là chúng tôi giải phóng hàng nhanh…

Tại Cảng cạn ICD Phước Long (quận 9), hiện còn 14 container hàng thực phẩm đông lạnh chưa thông quan, trong đó 5 container đã quá thời hạn 30 ngày, có container nằm hơn 1 năm. Trong số này có 4 container có địa chỉ nơi nhận là  công ty Vinafood và 1 container  ghi địa chỉ nơi nhận là công ty Huỳnh Thảo. Tuy nhiên, hai công ty Vinafood và Hùynh Thảo đã  từ chối nhận hàng với lý do hàng gửi nhầm địa chỉ.

Hàng thực phẩm đông lạnh nhập về cảng trong thời gian chờ đợi thông quan phải được cơ quan cảng bảo quản. Trung bình chi phí cho 1 container mất gần 3 triệu đồng/ ngày. Việc doanh nghiệp chối bỏ không nhận hàng đã gây nhiều thiệt hại cho cơ quan cảng. Điều đang quan ngại là những ẩn hoạ về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm ngay giữa đầu mối giao thông thành phố. Ông Nguyễn Thanh Sử, Trưởng phòng dịch vụ đông lạnh Cảng ICD Phước Long cho biết: “Hàng container không thông quan tác động xấu đến cơ quan cảng, phải tốn kém chi phí bảo dưỡng, mất diện tích kho bãi. Chúng tôi đang tiếp tục kiến nghị và gửi công văn lên các cơ quan chức năng để giải quyết”.

Theo qui định, hàng đông lạnh nhập khẩu sẽ được thông quan ngay nếu doanh nghiệp nhận hàng đóng thuế đầy đủ hoặc có bảo lãnh của ngân hàng và giấy cho phép nhập khẩu của cơ quan thú y. Nếu quá thời hạn 180 ngày mà doanh nghiệp từ bỏ quyền sở hữu của mình, thì hàng hóa đó được coi là vô chủ và cơ quan cảng phải lập hội đồng xử lý bao gồm: đại diện các cơ quan chức năng như hải quan, thú y, chủ tàu…

Thực tế, các doanh nghiệp này biết rằng quy định xử lý hành vi bỏ hàng bằng cách không làm thủ tục thông quan, chưa rõ ràng; với mức phạt cao nhất cũng chỉ có 1 triệu đồng. Để giải quyết triệt để tình trạng này, Tổng cục Hải quan phải sớm ban hành quy định xử lý các doanh nghiệp cố ý không làm thủ tục hải quan cho số hàng nhập khẩu đã về cảng.

Hiện nay, việc nhập hàng thực phẩm về đã chững lại vì thị trường không còn hấp dẫn, bán ra không lãi. Ngoài ra, thủ tục để nhập hàng vào nội địa đang được cơ quan thú y siết chặt nhằm tránh hàng thực phẩm nhiễm vi sinh, hàng quá hạn sử dụng, làm hại đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Mai Văn Trí, Phó Trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 4 cho biết: “Chúng tôi đã thông báo và nhắc nhở doanh nghiệp nhập khẩu, quá thời hạn 30 ngày lập biên bản vi phạm và gửi hồ sơ lên các cấp thẩm quyền giải quyết. Hải quan có nhiệm vụ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thông quan, các vấn đề khác do cơ quan cảng có trách nhiệm xử lý”. Để chấn chỉnh thị trường hàng đông lạnh nhập khẩu, ngoài việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị định 154 của Chính phủ về thông quan hàng hóa và điều 15 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng như lệnh cấm nhập khẩu nội tạng động vật có nguy cơ nhiễm khuẩn cao vào Việt Nam của Cục Thú y, các cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ để kiểm soát chặt chẽ danh mục hàng hóa, hãng tàu chuyên chở cũng như doanh nghiệp nhập khẩu hàng thực phẩm. Chỉ khi doanh nghiệp nhập khẩu và hãng tàu xác nhận cam kết sản phẩm và số lượng hàng nhập, địa chỉ giao nhận xuất nhập khẩu rõ ràng mới cho hàng cập cảng; Cần có chế tài và xử lý doanh nghiệp nhập khẩu vi phạm, tránh cho cơ quan chức năng  tốn kém thời gian xử lý cũng như tránh cho cảng bị thiệt hại do không thu chi phí phí kho bãi, bảo quản hoặc gây ùn tắc trong khâu lưu thông hàng hóa. Dư luận đang chờ các cơ quan hữu trách sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên