“Án oan” nhiễm “ết”

Do sơ suất trong việc xét nghiệm của bệnh viện, chị Nguyễn Thị Thuận bị nhận “bản án” nhiễm HIV. Từ đó chị và gia đình bị mọi người xa lánh, hắt hủi…

“Án tử hình” treo trên đầu

Vợ chồng chị Thuận, anh Trọng ở xóm Đồng Chúi, xã Tân Vinh (Lương Sơn – Hoà Bình) kể lại: Cách đây hơn một tháng, chị Thuận cảm thấy mình bị đau bụng khi mang thai đứa thứ 2. Anh đưa chị ra Bệnh viện Đa khoa huyện Lương Sơn (BVĐKLS) khám, các bác sĩ kết luận chị chửa ngoài dạ con. Sau ca phẫu thuật chị đã tỉnh và cảm thấy yên tâm phần nào.

Tuy nhiên, sau vài giờ phẫu thuật, bác sĩ Hoàng Văn Cứu, Giám đốc BVĐKLS đã gọi chồng chị lên thông báo: Vợ anh đã dương tính với virus HIV. Quá bàng hoàng trước thông tin này, anh Trọng đã rất nhanh trí bảo với bác sĩ: “Vợ tôi vừa mổ xong, mong bác sĩ đừng cho mọi người biết chuyện. Đợi đến khi vợ tôi xuất viện nói cũng chưa muộn”. Không những không tư vấn cho anh Trọng, bác sĩ Cứu còn bảo: “Trong ca mổ có rất nhiều người biết, tôi nghĩ khó lòng giữ bí mật được”.

Chưa đầy một giờ sau, bạn bè và cả cơ quan của anh Trọng đều biết thông tin này. Chỉ có chị Thuận là chưa biết gì về bệnh “ết” mà bệnh viện đã xác định. Mỗi lần đi dạo ở hành lang bệnh viện, mọi người thường nhìn chị với thái độ e dè và bàn tán xôn xao. Dự cảm có chuyện chẳng lành, một tuần sau chị mới được biết về sự thực đó. Khi biết tin mình bị nhiễm HIV, mọi thứ trước mặt chị như tối sầm lại. Chị không thể đứng vững được trên đôi chân của mình. Và những bi kịch trong gia đình cũng bắt đầu nảy sinh từ đây.

Đầu tiên là anh Hoàng Vĩnh Trọng đến cơ quan ai cũng xa lánh. Ngay cả chén, cốc, trong cơ quan cũng không ai muốn uống cùng. Mỗi lần đi ăn cỗ cưới người thân, anh cũng phải gửi mừng, vì nếu anh đến thì mọi người mất vui.

Còn chị ở nhà, hàng xóm láng giềng không dám bén mảng đến gần. Mỗi khi chị gửi tiền nhờ họ đi chợ mua thịt, mua rau giúp thì họ chỉ quăng qua bờ rào chứ không dám đưa tận tay. Đứa con gái 4 tuổi của anh chị cũng bị bạn bè xa lánh mỗi khi đến lớp. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn không muốn cho con mình đến lớp, khiến lớp học vắng gần một nửa. Những hôm khoẻ trở lại, chị đưa cháu đến trường học thì các bậc phụ huynh khác không dám đến gần và không bắt chuyện. Hai mẹ con lặng lẽ khóc rồi đi về nhà.

Hàng xóm xa lánh, dư luận đồn thổi khắp nơi, ngay cả quê nội của chồng cũng có tin đồn này. Mọi thứ cứ đổ dồn lên đầu anh chị. Chị Thuận nhớ lại: Từ hôm biết tin mình bị nhiễm HIV, chị ăn không ngon, ngủ không yên. Tinh thần suy sụp. Người bị sút cân nhanh chóng. Chị nghĩ đời mình đã duyên phận muộn màng, giờ lại xảy ra chuyện này.

Tự “giải oan”

Từ ngày biết chuyện, anh Trọng luôn phải an ủi, động viên chị Thuận vượt qua khó khăn. Suy đi nghĩ lại nát cả óc, anh vẫn không tìm ra nguyên cớ khiến vợ mình có thể mắc bệnh “ết”, vì anh vẫn tin người vợ mình luôn chung thuỷ và ngay cả anh cũng vậy.

Vì thế, sau hơn chục ngày xuất viện, anh thuê một chuyến xe ô tô đưa cả nhà lên Bệnh viện Hoà Bình xét nghiệm HIV lại cho vợ. Họ bảo đợi 10 ngày sau mới có kết quả. Mười ngày đó là những ngày chị Thuận sống trong đau khổ và hy vọng. Rồi ngày lên lấy kết quả xét nghiệm lại cũng đến, anh Trọng mừng như bắt được vàng. Cả ba mẫu máu của anh, chị và con gái đều âm tính với HIV. Như người được hồi sinh từ cõi chết trở về, cầm tờ giấy xét nghiệm trong tay anh vừa hét toáng lên: “Thế là vợ mình được minh oan rồi!”.

Bao nhiêu tủi hờn, bao nhiêu cay đắng mà anh chị phải chịu đựng trong thời gian dài giờ đã được cởi bỏ. Cầm trong tay tờ giấy xét nghiệm, chị Thuận cũng vui mừng khôn xiết vì vừa thoát khỏi án “tử hình”. Chị đến ngay nơi mình làm việc, rồi nơi con gái học tập với mong muốn mọi người hiểu và đừng xa lánh con mình nữa.

Bệnh viện “phủi” trách nhiệm?

Từ hôm anh chị tự “minh oan” cho mình đến nay, BVĐKLS cũng chưa có một lời xin lỗi chính thức nào. Trong khi đó, bản xét nghiệm sai của bệnh viện đã khiến gia đình anh chị phải chịu bao nỗi tủi hờn. Buồn nhất là chuyện mẹ anh Trọng khi nghe tin con dâu bị mắc “ết” bà quá thương con lại suy nghĩ nhiều đến nỗi bị xuất huyết não. Hiện tại, bà đã bị liệt nửa người và đang nằm viện.

Cuối tháng 11/2008, chúng tôi đã liên hệ với ông Hoàng Văn Cứu, Giám đốc BVĐKLS. Tuy nhiên, khi nhắc tới vụ việc, ông lại phủ định sạch trơn rằng: “Cơ quan không hề đưa thông tin chị Thuận bị nhiễm HIV ra ngoài. Chúng tôi cũng không hề biết chị Thuận bị nhiễm HIV và cũng không hề nói cho anh Trọng biết về chuyện này”.

Cũng may câu chuyện của chị Thuận còn có một kết thúc có hậu. Nhưng sự vô trách nhiệm của BVĐKLS cần được xử lý thích đáng. Giá như họ bình tĩnh và sáng suốt hơn thì gia đình chị Thuận đâu phải trải qua một nỗi đau và mất mát lớn như vậy.

Buồn hơn nữa là chuyện một số cơ quan ở huyện lại rất ấu trĩ về việc này. Vốn là những cán bộ, đáng lẽ ra họ phải tuyên truyền cho dân hiểu và không nên xa lánh, hắt hủi những người bị mắc bệnh “ết”. Nhưng chính họ lại là những người kỳ thị và xa lánh đầu tiên. Điều này cho thấy việc tuyên truyền đến bà con nhân dân về cách phòng tránh căn bệnh thế kỷ HIV vẫn chưa có hiệu quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên