An toàn vệ sinh thực phẩm tại Hà Nội - Vẫn điệp khúc cũ

Lý giải về tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán tràn lan, đại diện các ban, ngành đều cho rằng do thiếu cơ chế xử phạt

Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 5.000 người phải nhập viện liên quan đến ngộ độc thực phẩm, hơn 50 trường hợp tử vong. Nếu 10 năm trước, các vụ ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật gây ra, thì đến năm 2010, hóa chất là nguyên nhân chính. Điều này đã trở thành nỗi lo thường trực của người tiêu dùng và làm đau đầu cơ quan quản lý.

“Đến hẹn lại lên”

Năm nào, ngành y tế cũng phát động “Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm” với sự tham gia rầm rộ của các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương. Dù các cơ quan chức năng rất cố gắng, nhưng tình hình vi phạm ATVSTP vẫn xảy ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.

Theo khảo sát, tại các chợ ở nội thành Hà Nội như chợ Mai Động, chợ Nghĩa Tân, chợ Ngã Tư Sở, nhiều cửa hàng, thực phẩm chín bày bán cạnh hàng thực phẩm tươi sống. Các loại gia vị thực phẩm có bao bì toàn bằng tiếng Trung Quốc, không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, đóng trong các túi ni lông, có giá từ 500 đồng đến vài chục nghìn đồng bày bán công khai. Thịt quay, giò, nem không có tủ kính che đậy. Một số người kinh doanh còn bày thịt gia súc, gia cầm vào những mẹt nhỏ, đặt ngay dưới nền đất. Nhiều nơi còn bày lòng lợn, dạ dày lợn phơi ra mặt phố mặc ôtô, xe máy qua lại, kệ cho khói xe, bụi... bám.

Tại các nhà hàng, quán ăn bình dân, tình trạng này cũng không khác là bao. Nhiều hàng bún, miến phở, bàn ăn dính mỡ nhầy nhụa, dưới chân bàn thì đầy giấy lau, thức ăn thừa. Người bán hàng không có tạp dề, không đeo khẩu trang, không găng tay, mũ khi bán hàng... Người chế biến thức ăn tay vừa sờ vào thịt sống để trộn, ướp, thấy khách gọi rau sống liền với sang rổ rau bên cạnh bốc... Phía sau là những chồng bát đĩa vứt chỏng chơ, thức ăn thừa vương vãi khắp nơi, mùi tanh nồng bốc lên đến rợn người.

Anh Trần Mạnh Hùng ở Cầu Giấy nhận xét: Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP” chỉ mang tính phong trào, nó được nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc mỗi năm nhưng kết quả thì còn quá khiêm tốn. Mặc dù các đoàn kiểm tra đã "ra quân" nhưng xem ra chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, nếu có phát hiện được vi phạm thì chỉ xử lý qua loa. Vì thế, hóa chất, phụ gia thực phẩm độc hại vẫn tồn tại tràn lan trên thị trường mà không kiểm soát được.

Có luật, liệu người tiêu dùng có hết lo?

Tổng kết tháng hành động vì chất lượng ATVSTP tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã kịp thời xử lý 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 31 người mắc. Ngành nông nghiệp đã xử lý 24 trường hợp vi phạm, tiêu hủy hơn 3,2 tấn gà bệnh, hơn 43kg sản phẩm động vật, 450 quả trứng. Các trạm thú y quận, huyện, thị xã đã tổ chức tiêu hủy 80 con gia cầm, 58kg thịt lợn, 47kg phủ tạng... không bảo đảm chất lượng ATVSTP. Sở Công thương đã phạt hành chính các cơ sở, cá nhân vi phạm trên 761 triệu đồng, trị giá hàng tiêu hủy là 965 triệu đồng.

Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP kết thúc nhưng thực trạng ATVSTP của thành phố Hà Nội hiện còn nhiều vấn đề. Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương thừa nhận: Thực trạng ATVSTP vẫn đáng báo động, các sản phẩm đồ hộp được xóa hạn dùng cũ, “bắn” hạn dùng mới còn phổ biến. Đồ đông lạnh kiểm tra tới đâu, phát hiện vi phạm tới đó. Chỉ trong thời gian ngắn, một chốt kiểm tra có thể phát hiện 4 xe hàng chở 15,5 tấn gia cầm không có nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín) tràn lan gia cầm nhập từ Trung Quốc. Nghiêm trọng hơn là cả các siêu thị lớn, cũng có nhiều vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

Nguyên nhân của tình trạng này, đại diện các ban, ngành đều cho rằng do thiếu cơ chế xử phạt. Đại diện Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố nêu: Hiện chưa có đủ hành lang pháp luật để xử lý các vi phạm. Cách đây ít lâu, cơ quan công an đã phát hiện nửa tấn mực tươi nhập khẩu quá hạn sử dụng, bốc mùi hôi thối đang trong tình trạng được “tút” lại đem bán ở chợ Long Biên. Vụ việc này gây bức xúc trong dư luận song cũng chỉ bị xử phạt hành chính, không thể đưa ra truy tố. Hiện nay, các đoàn kiểm tra liên ngành chưa có chế tài để xử lý mạnh, trong khi đó hầu hết các cơ quan quản lý cấp phường, xã lại buông lỏng quản lý ATVSTP, nhiều nơi còn thiếu cán bộ làm công tác này.

Từ 1/7, Luật An toàn thực phẩm sẽ có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc, và người tiêu dùng kỳ vọng Luật ATTP sẽ là hành lang pháp lý khắc phục những tồn tại trên, vấn đề ATVSTP sẽ được kiểm soát chặt theo chuỗi, từ gốc tới tay người tiêu dùng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên