Kinh nghiệm giảm thiểu tai nạn giao thông tại Pháp:

Bài 3: Mô hình các điểm nghỉ trên đường quốc lộ

Tại Pháp, những điểm nghỉ chân đều được chú trọng đầu tư xây dựng. Các lái xe đường dài đều cảm nhận được sự tiện ích của các trạm dừng chân này

Một trong những điều kiện để giúp giảm thiểu tai nạn giao thông trên các tuyến đường quốc lộ là sự tỉnh táo của người lái xe. Trong đó, yếu tố quan trọng giúp cho lái xe minh mẫn, tránh mệt mỏi là ăn nghỉ hợp lý. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu về những trạm dừng bên đường (Aires) dành cho người lái xe trên các tuyến đường quốc lộ ở Pháp.

Tại Pháp, bên cạnh các phương tiện giao thông công cộng hiệu quả để thực hiện các chuyến đi liên tỉnh như máy bay và tàu cao tốc, các hộ gia đình cũng thường sử dụng ô tô cho cả nhà để tiết kiệm chi phí. Đường quốc lộ nối các tỉnh tại Pháp cũng là con đường quen thuộc của giới lái xe tải đường dài. Nhìn chung, các tuyến đường cao tốc ở Pháp rất tốt, vận tốc tối đa là 130km/giờ nên thời gian đi lại giữa các tỉnh được rút ngắn.

Một trạm nghỉ dịch vụ ở Pháp

Đi trên các tuyến đường quốc lộ của Pháp, nhiều người Việt Nam sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy dọc bên đường quốc lộ gần như không tồn tại một ngôi nhà hay cửa hàng nào của người dân. Dọc các tuyến đường chỉ là những cánh đồng dài bất tận, đôi khi là những cánh rừng và thỉnh thoảng, xa xa là một ngôi làng nhỏ, tránh xa tiếng ồn ào của đường quốc lộ.

Không có nhà dân, nhưng các lái xe ô tô không gặp khó khăn gì khi tìm chỗ nghỉ chân. Dọc đường quốc lộ của Pháp, có hai loại trạm nghỉ phổ biến, một là trạm nghỉ ngơi (Aires de Repos), hai là trạm dịch vụ (Aires de Service). Các trạm nghỉ ngơi thường nằm ở môi trường yên tĩnh, có chỗ đỗ xe thoải mái, chỗ đi vệ sinh và nằm cách nhau từ 15 - 30 km tùy tuyến đường. Các trạm dịch vụ nằm cách nhau từ 40 - 60 km, trong đó có nhiều dịch vụ khác nhau, từ đổ nhiên liệu, nơi vệ sinh, khách sạn, nhà hàng, các cửa hàng bán sản phẩm địa phương và hàng tiêu dùng...

Không phải ngẫu nhiên mà tại Pháp, những điểm nghỉ dừng chân lại được chú trọng xây dựng và đầu tư nhiều như vậy. Các thống kê ở Pháp chỉ ra rằng, sự mệt mỏi trên đường đi là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới tai nạn giao thông, chiếm tới 1/3 tổng số vụ tai nạn giao thông ở Pháp. Sự mệt mỏi kéo theo sự giảm thiểu khả năng quan sát, mất cảnh giác, đặc biệt là thời gian đầu giờ chiều, sau bữa ăn hoặc vào ban đêm. Vì thế, các lái xe được khuyến nghị nghỉ 2 giờ một lần và mỗi lần nghỉ ít nhất 15 phút.

Là một tài xế chuyên lái xe đường dài, mỗi tháng ở trên đường quốc lộ tới 15 ngày, anh Stéphane hiểu rất rõ những lợi ích của các trạm nghỉ chân. “Tôi thích dừng ở các trạm dịch vụ bởi sáng dậy, tôi có thể làm vệ sinh, tắm rửa và ăn uống. Không chỉ thuận lợi mà các trạm nghỉ chân còn an toàn vì thường xuyên có lực lượng hiến binh đi tuần, đề phòng trộm cắp hàng hóa cho các chủ xe”, anh Stéphane cho biết.

Không chỉ giới lái xe chuyên nghiệp mới cảm thấy sự cần thiết của các trạm nghỉ, mà cả các lái xe cá nhân cũng cảm thấy điều này. Nếu đi chơi cả gia đình, các bà mẹ có con nhỏ không phải lo vì các trạm nghỉ dịch vụ đều có phòng riêng, miễn phí cho việc vệ sinh trẻ con và có khu vực để trẻ em vui chơi. Hầu hết các trạm nghỉ chân cũng được trang bị tốt nhất để người khuyết tật có thể thoải mái...

Một điểm khá đặc biệt khác của các trạm nghỉ chân trên đường quốc lộ là hệ thống bảng biển thông báo rất rõ ràng. Ít nhất 20 km trước một trạm nghỉ, sẽ có một biển báo trong đó có ký hiệu về những loại dịch vụ có tại trạm nghỉ này. Trước những trạm nghỉ có bán xăng dầu, còn có cả những biển so sánh về giá xăng của các trạm nghỉ sau đó. Nhìn vào đó, người lái xe có thể tùy vào điều kiện và ý muốn của mình để tìm nơi nghỉ phù hợp. 

Tại Pháp, các trạm nghỉ chân hoặc trạm nghỉ dịch vụ do đơn vị quản lý đoạn đường hoặc do một cơ quan quản lý đường bộ của Pháp phụ trách. Đối với những trạm nghỉ có bán xăng dầu, các công ty phân phối xăng dầu hoặc nhà hàng tư nhân có mặt trên các trạm nghỉ sẽ có trách nhiệm cùng quản lý và bảo trì các cơ sở hạ tầng. Một số trạm còn dành không gian cho địa phương bày bán và quảng bá các đặc sản của địa phương. Người bán hàng thì bán được hàng, cơ quan quản lý đường bộ có lợi khi giảm thiểu được các vụ tai nạn giao thông đôi khi khiến cơ sở hạ tầng bị tổn hại, còn người đi đường có lợi khi được nghỉ ngơi tốt, giảm sức ép, sự buồn ngủ và an toàn trong mỗi chuyến đi.

Cái lợi của các trạm nghỉ chân hoặc trạm dịch vụ là rất rõ ràng, nhưng với điều kiện sống và văn hóa khác biệt, việc áp dụng nó không phải dễ dàng. Mặc dù vậy, vì sự thuận tiện và thoải mái cho người đi đường, cũng như vì an toàn giao thông, mô hình các trạm nghỉ chân trên đường quốc lộ là một mô hình đáng nghiên cứu, học tập và áp dụng một cách linh hoạt ở Việt Nam./.

Bài cuối: Để không có “xe điên” xuất hiện

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên