Có một Hà Nội trong lòng Tây Nguyên:

Bài cuối: Gần lắm, Hà Nội ơi!

Dù cách xa Hà Nội hơn nghìn cây số, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên vẫn hướng về Thủ đô với tình cảm thiêng liêng, trìu mến. Mọi khoảng cách không gian, thời gian dẫu vời vợi vẫn không ngăn cách được lòng người

>> Bài 1: Hương Hà thành thắm sắc Bazan

>> Bài 2 : Thăng Long là của chúng ta

Ở khắp mọi nơi trên dải đất cao nguyên nhiều nắng gió, mỗi người con Tây Nguyên đang thầm lặng góp phần nhỏ bé của mình để mừng sự kiện Thủ đô yêu dấu sắp tròn 1.000 năm tuổi. Và với những người có may mắn được ra Hà Nội dịp này, đó là cả một niềm vui bất tận.    

Từ tiếng cồng chiêng Tây Nguyên…        

Mặc dù đang đầu vụ gieo trồng khi mùa mưa đến, nhưng không khí ở làng Mơ Nông Yố, xã Ia Ka, huyện Chư Pả, tỉnh Gia Lai trong những ngày này như mở hội. Dưới mái nhà Rông, đoàn nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang dân tộc Jarai đang luyện lại những tiết mục đặc sắc nhất để tham gia Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đêm Tây Nguyên (Ảnh minh hoạ:internet)

Từng đi biểu diễn nhiều nơi trong cả nước, và đã từng ra Hà Nội nhiều lần, nhưng lần này tâm trạng các nghệ nhân náo nức hơn, vì cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa của nhân loại sẽ tự hào vang vọng giữa Thủ đô ngàn năm tuổi.

“Đoàn đi Hà Nội có hai đội. Đội tôi có 35 người. Tôi thường đánh chiêng ở các lễ pơ-thi, mừng mùa, mừng nhà mới và đánh trong dịp cồng chiêng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa. Nhưng lần này ra Hà Nội, biểu diễn trong dịp nghìn năm Thăng Long, tôi vẫn thấy hồi hộp lắm”, nghệ nhân Rơ Châm Mút, đội chiêng Mơ Nông Yố, tâm sự.

Với nghệ sĩ Thảo Giang, người con của Tây Nguyên, thì chuyến ra Hà Nội sắp tới là một chuyến về nguồn đầy ắp kỷ niệm, vì ông đã có 23 năm sống ở miền Bắc. Ông trải lòng mình: “Tôi hình dung mọi thứ vẫn như xưa. Đường tàu điện trước đây từ Bờ Hồ đến Bạch Mai, Cầu Giấy, đường Bưởi… Mình vẫn còn nhớ hồi còn nhỏ là đi quanh Bờ Hồ hoặc đâu đó - vẫn còn như hôm qua. Vì mình ở Hà Nội lâu quá mà, tưởng tượng thế nhưng đã hơn 30 năm rồi”.

Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa Thăng Long- Hà Nội của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Thư viện tỉnh Gia Lai đã có chuyên đề sách về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh Gia Lai- Kon Tum) cũng đã tổ chức triển lãm chuyên đề này.

Trong chuỗi các hoạt động hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tỉnh Gia Lai tổ chức lễ hội “Làng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên” tại Đồng Mô (Hà Nội), với mong muốn đem đến hình ảnh một Tây Nguyên hùng vĩ, hiền hòa, đậm đà bản sắc dân tộc giữa thủ đô Hà Nội. Còn tại thành phố Pleiku, hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên cùng hàng nghìn khách mời và quần chúng nhân dân của Gia Lai sẽ kết nối với Thăng Long - Hà Nội qua cầu truyền hình trực tiếp với các chủ đề: “Thăng Long - Hồn thiêng sông núi”, “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên”.

Ông Phan Xuân Vũ - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Gia Lai, nói trong niềm vui rằng, tình cảm giữa Thủ đô Hà Nội với Gia Lai ngày càng được gắn bó hơn. Từ cuối năm ngoái, nhân dịp Festival Cồng chiêng Quốc tế, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã mở tuyến bay thẳng Hà Nội - Pleiku, với tần suất 4 chuyến/tuần, nên khoảng cách Gia Lai - Hà Hội như được xích gần nhau hơn. Cũng từ năm 2009, Công ty Cổ phần Du lịch Gia Lai đã xây dựng Chùa Một Cột, Đền Hùng tại công viên Đồng Xanh để những ai không có điều kiện ra Thủ đô, vẫn có thể chiêm ngưỡng Hà Nội, dự Đại lễ ngàn năm tại Gia Lai.

… tới cuốn sách về Thủ đô trên cao nguyên

“Hà Nội trong lòng Tây Nguyên” là cuốn sách đặc biệt của nghệ nhân Võ Văn Hải, chi hội Văn nghệ Dân gian, Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, sẽ được ra mắt công chúng trong Đại lễ 1.000 Thăng Long tại Hà Nội. Từ bìa sách, chất liệu, nội dung đều hàm chứa tâm đắc một đời của ông về nghệ thuật chơi đá cảnh, những khám phá về vẻ đẹp vô tận của ngoạn thạch Việt Nam và lòng yêu mến, tự hào của ông đối với văn hóa Việt cũng như Thủ đô ngàn năm văn hiến.

“Đá không quý vì chính bản thân đá”. Đá quý vì cách thưởng thức của con người và đá càng quý hơn, nếu nó được soi dưới ánh sáng văn hóa, được soi rọi bởi tấm lòng của những người con đất Việt hướng về cội nguồn dân tộc. Đó là tâm niệm của nghệ nhân Võ Văn Hải, cũng là của những người dân Tây Nguyên bấy lâu nay vẫn hướng về Hà Nội với tấm lòng đầy ắp ân tình

Cuốn sách gồm 88 bức tranh lạ, rực rỡ những sắc màu đỏ, xanh, vàng, trắng, được khám phá từ một viên đá Opal quý hiếm, tìm được dưới lòng đất Tây Nguyên. Hiệu ứng kỳ diệu của sắc màu cùng những đường nét tự nhiên ẩn giấu trong đá tạo thành các tác phẩm nghệ thuật sinh động, lung linh. Lật từng trang của cuốn sách, có thể thấy những vũ điệu Tây Nguyên, Lễ cầu mưa, Bình minh, Nắng mùa đông, Cơn lốc và cả những điều trừu tượng như Bóng thời gian, sự Chờ đợi, Đắc đạo. 88 bức ngoạn thạch vi ảnh in trên nền giấy trắng đã gây được nhiều tiếng vang tại Festival Cà phê Buôn Ma Thuột và Fesstival Huế 2008.

Đầu năm 2009, trong lần đầu tiên được về thăm thủ đô, thăm Lăng Bác, nghệ nhân Võ Văn Hải đã có những cảm nhận đặc biệt về lịch sử, văn hóa, thúc đẩy ông có những khám phá, sáng tạo sâu hơn trong lĩnh vực của mình. Ông tâm sự: “Lần đầu tiên được thăm Hà Nội, thăm Lăng Bác, thật không gì có thể nói lên niềm xúc động của mình. Trong đời tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày như thế. Nhưng thật sự đã thấy Bác nằm đó, cảm nhận được rằng, nếu không có Bác, chưa chắc Hà Nội hôm nay đã như thế, sau cuộc chiến tranh dài đằng đẵng mà vẫn đẹp vậy”.

Sau chuyến thăm Thủ đô, nghệ nhân Võ Văn Hải ấp ủ và âm thầm thực hiện ý tưởng nâng tầm văn hóa cho cuốn sách của mình để dâng lên Đại lễ ngàn năm Thăng Long-Hà Nội.

Để thể hiện chất Tây Nguyên, ông đã bỏ hàng tháng trời, tìm mua về những cây cà phê cổ thụ trồng từ thời Pháp thuộc để lấy chất liệu làm bìa sách. Loại cà phê này hầu như không còn khả năng cho trái, toàn thân xù xì như vỏ mít, người ta quen gọi khối xù xì đó đó là “nu” gỗ. Nu của bất kỳ loại cây nào cũng cho ra loại gỗ thượng hạng, vân thớ tuyệt đẹp. Gỗ nu cà phê màu vàng nhạt, mịn như ngà voi, vân dày xít như vảy ốc.

Từ hàng trăm cây cà phê mua về, ông đã bóc, tuyển ra những mảnh gỗ nu đẹp nhất. Mảnh lớn bằng bàn tay, mảnh nhỏ chỉ nhỉnh hơn bao diêm. Qua công đoạn luộc, sấy, tẩm, những mảnh gỗ này được ghép thành bìa sách.

Để thể hiện tấm lòng hướng về nguồn cội, nghệ nhân Võ Văn Hải nhờ người bồi giấy dó lên nền giấy rô-ki để in ảnh. Điều này vấp phải một trở ngại là mặt giấy xù xì, chất lượng ảnh in ra không cao, lại nhanh làm mòn thiết bị in ấn. Sau dăm bảy lần bồi đi bồi lại, in đi in lại, ông mới có được cuốn sách ưng ý và đặt tên là “Hà Nội trong lòng Tây Nguyên”.

Nghệ nhân Võ Văn Hải giải thích: Giấy dó là giấy cổ truyền từ xưa của dân tộc. Cây cà phê là đặc sản, là thế mạnh của Tây Nguyên. Khi cuốn sách lật ra, bên trong là giấy gió. Điều đó có ý nghĩa rằng: Tấm lòng người Tây Nguyên luôn hướng về Hà Nội. Những bức tranh về Hà Nội, về lịch sử nghìn năm đất Việt được ông trang trọng đặt ở trang đầu, từ “Truyền thuyết Thăng Long”, đến “Mở cõi” rồi “Thánh Gióng”.

Sách đã in xong, nhưng ông vẫn không ngừng khám phá, để rồi nhận ra trong bộ vi ảnh của mình có một Hồ Gươm lung linh sinh động, một Hà Nội xanh thắm hòa bình bên cạnh sông Hồng lịch sử; một trận Bạch Đằng đại chiến lửa đỏ khắp trời, quân thù tan tác, giáo gãy thuyền chìm; một Mẹ Suốt điềm nhiên đưa đò chở bộ đội qua sông dưới bão đạn mưa bom…

“Đá không quý vì chính bản thân đá”. Đá quý vì cách thưởng thức của con người và đá càng quý hơn, nếu nó được soi dưới ánh sáng văn hóa, được soi rọi bởi tấm lòng của những người con đất Việt hướng về cội nguồn dân tộc. Đó là tâm niệm của nghệ nhân Võ Văn Hải, cũng là của những người dân Tây Nguyên bấy lâu nay vẫn hướng về Hà Nội với tấm lòng đầy ắp ân tình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên