Ban Cảnh báo khẩn cấp

Tối 2/9, khi anh Nguyễn Văn Thành (34 tuổi) đang đi xe máy trên đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thì bất ngờ một dây cáp điện (to bằng đốt ngón tay), bị võng xuống đường, siết vào cổ.

Anh Thành ngã vật ra đường, không kêu được tiếng nào. Ngay sau đó, anh Thành được đưa đi cấp cứu trong tình trạng vùng cổ bị tổn thương nặng; khí quản bị đứt, tụt; thanh quản bị vỡ vụn, thực quản bị tổn thương. Hôm 8/9/2010, bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương đã tiến hành ca phẫu thuật để cứu được anh Thành. May mà anh được đưa đi viện, mở khí quản, cấp cứu kịp thời, nếu không có thể tử vong chỉ ít phút sau khi tai nạn xảy ra.

Anh Thành đã giữ được tính mạng, nhưng việc điều trị tiếp tục cho anh rất phức tạp, tốn kém cả về thời gian và kinh phí. Bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật nhiều lần để nối, phục hồi khí quản, thanh quản, nối các dây thần kinh vùng cổ... Đây là những ca mổ rất khó, đòi hỏi các bác sĩ phải có tay nghề, trình độ chuyên môn cao mới thực hiện được; tuy vậy, bệnh nhân khó mà hồi phục hoàn toàn. Họ sẽ phải chịu những di chứng nặng nề, như mất giọng, khàn tiếng, hẹp đường thở...

Trường hợp của anh Thành với lý do tương tự không phải là hiếm gặp. Nằm ngay cạnh giường bệnh của anh Thành, bệnh nhân Đinh Ngọc Đức (25 tuổi) cũng bị dây điện thòng xuống siết cổ khi đang đi xe máy ở Nghệ An.

Cách đây không lâu, trên mạng có đưa tin về một người chết do đi xe máy qua vũng nước. Tưởng vũng nước nông, không ngờ đó thực ra là một hố đào sâu 2 m. Không có một cảnh báo nào của những người đào. Không rõ sau đó có ai chịu trách nhiệm không. Điều đau lòng là một người đã bị cướp đi sinh mạng.

Hàng ngày ra đường, ta thấy một số hố ga không nắp, chẳng khác gì cái bẫy. Người dân gần đó có khi dùng cành cây, tấm gỗ, dựng nên để cảnh báo một cách tự phát. Cách này cũng cứu được khá nhiều người.

(ảnh minh họa: xahoimang.com)

Có vô số những hiểm họa có thể xảy ra. Như bất ngờ một trận lở đất xuống đường sắt, hoặc một trận lũ cuốn đường sắt trôi đi hay một chiếc xe container chết máy trên đường sắt chẳng hạn... Chỉ có dân ở đó biết, chỉ có trẻ chăn trâu biết, nhưng báo thế nào cho nhanh lại là cả một vấn đề.

Nhiều người dân đều muốn thông báo những tình huống khẩn cấp như thế này. Nhưng báo cho ai thì vẫn còn chưa rõ địa chỉ.

Báo cho Công an thì cũng được. Nhưng nhiệm vụ của Công an rất rộng, họ có thể giải quyết hết những trường hợp này không?

Báo cho Giao thông công chính, hay báo cho ngành Điện? Vấn đề là từ khi nhận được tin báo của dân cho đến khi được giải quyết là bao lâu?

Báo cho đường dây nóng của báo chí thì phụ thuộc vào việc in ấn. Ngay cả trên báo điện tử thì cũng chỉ là thông báo, không có nghĩa là cơ quan chức năng nhất đính sẽ đọc được và xử lý kịp thời.

Mà cơ quan chức năng có chuẩn bị kế hoạch khắc phục thì cũng cần thời gian. Nhưng nguy hiểm thì luôn rình rập. Trước khi sự cố được khắc phục hoàn toàn thì rất cần tiến hành các biện pháp cảnh báo, cách ly tại hiện trường. Đơn giản nhất là có biển cảnh báo để người dân biết mà chuyển hướng lưu thông.

Người dân không phải ai cũng đủ trình độ để phân loại các cơ quan chức năng. Vì vậy, rất cần một tổ chức chuyên trách, có chức năng riêng nhận thông báo của dân để ngay lập tức có mặt tại hiện trường, lập hàng rào ngăn mọi người vào chỗ nguy hiểm. Ban này có thể đặt tên là "Ban Cảnh báo khẩn cấp" chẳng hạn. Ban này cần có quyền lực, có trang web, đường dây nóng dễ thuộc như điện thoại cấp cứu. Ngay khi được tin báo, ban này có thể lập tức thông báo trên VOV Giao thông, trên trang web, thông báo với các cơ quan hữu trách; đồng thời ngay lập tức cử người tới hiện trường. Tại hiện trường, ban này sẽ đánh giá tình hình, phân loại xem cơ quan nào có trách nhiệm thì phải đến ngay khắc phục. Nếu các cơ quan gây sự cố chậm trễ, Ban này có quyền kiện, phạt. Biên chế của cơ quan này cần phải có mặt rộng khắp 64 tỉnh thành đến từng xã thôn. Có thể ở xã phường thì cán bộ xã phải kiêm nhiệm. Nhưng ở cấp tỉnh thì nên có cán bộ chuyên trách.

Khi xảy ra bất kỳ sự cố gì thì câu cửa miệng của các cơ quan hữu trách là "cần có sự phối hợp đồng bộ". Vậy ai có trách nhiệm yêu cầu phối hợp đồng bộ ? chính là một Ban Cảnh báo khẩn cấp như vậy. Không rõ cơ quan tìm kiếm cứu nạn của ta có chức năng này không, nhưng điều cốt yếu là không phải để khi tai nạn xảy ra rồi mới ứng cứu. Nhiệm vụ quan trọng là ngăn chặn. Ngăn chặn thì phải nhanh. Khi cảnh báo không kịp thì cơ quan tìm kiếm cứu nạn mới phải ra tay.

Bằng cách ấy, có thể ngăn chặn được những cái chết bất ngờ, vô lý./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên