Bàn tay vàng nghề gốm

Bằng tài năng, nghị lực và tâm huyết với nghề, Phạm Anh Đạo đã vượt lên khó khăn để làm nên những sản phẩm tinh xảo làm vẻ vang thương hiệu "gốm sứ Bát Tràng".

Niềm đam mê…

 Sinh ra trong một gia đình mấy đời làm gốm, Phạm Anh Đạo, sinh năm 1977, thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã thừa kế được những tinh hoa từ ông cha để lại.

Nghe mẹ kể lại, khi mới sinh hai anh em Đạo nhỏ lắm. Cân cả tã, mỗi người chỉ được khoảng cân sáu, cân bảy nên phải nằm viện mất 4-5 tháng. May sao cậu em khỏe mạnh cho đến khi trưởng thành, còn Đạo ốm quặt quẹo do bị viêm phổi. Đến hơn 5 tuổi, Đạo mới biết nói. Bố Đạo kể: “Ngày xưa nhìn con mà thương xót lắm. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhiều lúc cũng phó mặc cho số phận. Trời thương nên mới được như bây giờ”.

Dù sức khỏe yếu nhưng Phạm Anh Đạo lại có khối óc và đôi tay “vàng”. Bố Đạo kể lại, có lần, ông làm một chiếc bình gốm, do đất quá nhão nên làm xong, đất chảy xệ xuống làm cổ bình rụt lại. Lúc ấy, Đạo đứng xem tỏ ý không bằng lòng với sản phẩm của bố, nhưng do không biết nói nên Đạo chỉ lắc đầu và ra hiệu bằng cách rụt cổ lại. Ngay từ khi lên 5 tuổi, Đạo đã biết làm thế nào để có được một chiếc lọ đẹp.

Ngày xưa, hầu hết làng gốm Bát Tràng đều làm thủ công, tạo nên sản phẩm bằng cách vuốt tay, chứ không tạo mẫu khuôn làm công nghiệp như bây giờ. Chính vì vậy, những cục đất, mâm quay đã ngấm sâu vào trong tiềm thức Đạo. Ngoài giờ đi học, anh tranh thủ phụ giúp gia đình. Từ những cục đất sét, cái mâm quay, Đạo đã nặn nên những cái bát, bộ ấm chén… như có hồn riêng. Do kém tai, học hết lớp 6, Đạo phải nghỉ học ở nhà làm nghề gốm. Đến năm 17 tuổi, Đạo vào làm công nhân kỹ thuật cho Xí nghiệp Sứ Bát Tràng.

… Và đôi bàn tay “vàng”

Năm 2002, Đạo quyết định nghỉ việc ở xí nghiệp “vì ở đó mình chỉ được làm nhân viên kĩ thuật chứ không thật sự được làm nghề” - Đạo tâm sự. Trở về gia đình, bố mẹ đầu tư xây dựng cho anh một lò nung nhỏ với mong muốn con trai có thể thực hiện niềm đam mê với gốm.

Ba năm đầu, những sản phẩm anh làm ra cũng là lọ, bát, đĩa, ấm, chén… nhưng độc đáo hơn các cơ sở sản xuất khác là khâu tạo hình, đắp nặn, hoa văn trên sản phẩm đều được làm bằng tay.

Hiện giờ, ở làng gốm Bát Tràng chỉ có một mình Phạm Anh Đạo làm gốm vuốt bằng tay. Bởi vậy, các sản phẩm gốm anh làm thực sự khác biệt với những sản phẩm gốm được lên khung đúc sẵn. Các sản phẩm gốm làm bằng khuôn hầu hết đều giống nhau. Nhưng với các sản phẩm vuốt tay của anh thì dù là hai chiếc cốc làm cùng một mẫu nhưng vẫn có những nét riêng biệt, độc đáo.

Anh có thể làm gốm ngay trước mặt khách, cho khách lựa chọn hình dáng, chỉ cần khách mô tả sản phẩm theo ý thích của họ là Đạo có thể cho ra ngay sản phẩm đúng như mô tả.

Để duy trì được nghề gốm vuốt tay không phải là chuyện đơn giản, anh bảo: Muốn làm được gốm vuốt tay trước hết phải có sức khỏe, khoẻ để nặn đất, để vuốt đất thành hình và có sức khỏe để tạo ra những sản phẩm mình muốn. Nhưng quan trọng nhất là tài năng và niềm đam mê với nghề.

Hơn nữa, nếu là gốm đúc thì chỉ cần nhào đất đổ khuôn là xong, nhưng gốm vuốt bằng tay thì phải thêm rất nhiều công đoạn như đi lấy đất từ nhiều nơi về trộn, chế biến đất, men, nhào đất, tạo hình, trang trí và đưa vào lò, trong đó công đoạn quan trọng nhất là vuốt gốm.

Tỉ mỉ và độc đáo như vậy nên sản phẩm anh làm ra được khách hàng rất ưa chuộng. Nhiều khách hàng trong nước và ngoài nước tới tận nơi đặt hàng. Có những chiếc bình cỡ to anh làm bán được với giá hàng chục triệu đồng. Thu nhập bình quân hằng năm của anh đạt trên 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 7 lao động với mức lương bình quân từ 1,5 - 1,6 triệu đồng/người/tháng.

Với tài năng của mình, Phạm Anh Đạo được trao tặng rất nhiều phần thưởng, danh hiệu, như Bằng khen triển lãm gốm sứ truyền thống Bát Tràng chào mừng SEA Games 22; Giải nhì Hội thi Bàn tay vàng nghề gốm sứ năm 2004; Bằng khen Tài năng trẻ làng nghề gốm sứ thành phố Hà Nội năm 2004; Giải xuất sắc “Bàn tay vàng” nghề gốm sứ 2006; Thợ giỏi gốm sứ Bát Tràng năm 2008. Anh cũng vinh dự được là đại biểu đi dự Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc năm 2009.

Cảm phục tài năng và tâm huyết của anh với nghề gốm Bát Tràng, chị Nguyễn Mỹ Trinh, một người con gái làng bên đã quyết định đến với anh, chia sẻ hạnh phúc cùng anh. Chị bảo, có lẽ trong những thanh niên trẻ ở làng Bát Tràng này, chỉ có anh đắm say với nghề vuốt gốm đến thế. Chị Trinh nhớ lại: “Có lần, mình đang mang thai 5 tháng thì bị động thai nên anh Đạo phải đưa mình đi bệnh viện. Mình nhớ, năm đó trời rét lại mưa phùn nhưng khi đi qua một ngôi đình, thấy những người thợ đang vẽ rồng hai bên cổng đình, anh bèn đỗ xe lại đứng nhìn không chớp mắt. Thấy chồng mải mê quá mình không nỡ giục, cứ thế đứng chờ chồng. Có bà hàng nước bên cạnh thấy tội gọi mình vào đứng trong quán cho đỡ mưa rét”.

Tất cả các quy trình để cho ra lò sản phẩm như mong muốn đều do một tay anh thực hiện. Theo anh, tự làm thì mới nắm bắt được chất liệu, hiểu chất liệu mới có thể hoàn thành nốt những công đoạn khác. Mọi việc như pha màu, vẽ mẫu đều được anh thực hiện bằng tay. Với mỗi sản phẩm, anh đều nâng niu chăm chút, nhiều khi anh hì hụi làm suốt đêm để cho ra một sản phẩm thật ưng ý mới thôi.

Năm 2005, Đạo bắt tay vào thử nghiệm làm các sản phẩm kích cỡ to. Sản phẩm đầu tiên là chiếc bình sứ, Đạo làm toàn bộ bằng tay nhưng khâu vuốt, tạo hình, đắp nặn mất quá nhiều thời gian. Lượng men tráng vào chỉ chịu được hai ngày, mà sản phẩm này phải làm mất một tuần. Bởi vậy, sau khi ra lò, men của chiếc bình gốm bị vón cục. Bây giờ, sau khi đã thành công với các loại sản phẩm cỡ to, anh vẫn giữ chiếc bình đó làm kỉ niệm.

“Trong tương lai, mình muốn truyền lại nghề làm gốm vuốt tay cho cậu con trai nhỏ của mình để sau này cháu có thể lưu giữ, bảo tồn nghề truyền thống của cha ông”- Phạm Anh Đạo chia sẻ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên