Bao giờ Hà Nội hết loay hoay với cảnh sau mưa lại ngập?

VOV.VN - Mặc dù đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng thực trạng “sau mưa lại ngập” vẫn xảy ra khắp nội thành Hà Nội.

Không phải tại các quận nội thành cũ như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, mà tại địa bàn các quận mới Nam Từ Liêm, Hà Đông tình trạng ngập sau mỗi trận mưa cũng đang trở thành mối lo. Nhiều tuyến đường bị nhấn chìm, khu đô thị thành “ốc đảo” là thực trạng xảy ra tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao này.

Đơn cử như cuối tháng 5 vừa qua, sau trận mưa lớn, tòa chung cư HH2 - khu Spark Dương Nội (quận Hà Đông) đã bị nước bủa vây, cô lập 2 ngày. Cùng chung cảnh ngộ là người dân sống tại Khu đô thị Resco (Cổ Nhuế, quận Nam Từ Liêm), phố Trần Bình, tuyến đường Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi, khu vực Bến xe Yên Nghĩa…

Đường Nguyễn Trãi ngập sau cơn mưa lớn do ảnh hưởng bão số 3 vừa qua

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết: “Việc ngập úng tại khu đô thị Dương Nội là do tuyến đường Tố Hữu đi qua địa bàn quận Hà Đông, hệ thống thoát nước chung được đấu nối với đường vành đai 4. Trong khi đường vành đai 4 chưa được đầu tư nên hệ thống đấu nối thông ra sông La Khê chưa được hoàn chỉnh, nên xảy ra việc ngập úng”.

Theo các chuyên gia, sở dĩ Hà Nội “rơi” vào tình trạng “sau mưa lại ngập” là do đô thị hóa quá nhanh. Trong khi đó, số lượng ao hồ trên địa bàn thành phố lại giảm đáng kể, thay vào đó là nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà cao tầng mọc lên. Sau 10 năm, tổng diện tích mặt nước tại Hà Nội (không kể Hồ Tây) đã giảm hơn 64%.

Việc ngập úng nặng tại Hà Nội thời gian qua, ngoài nguyên nhân thời tiết thì việc quy hoạch xây dựng đô thị manh mún, thiếu quy hoạch tổng thể đã dẫn đến mâu thuẫn trong tiêu thoát nước giữa các tiểu khu. PGS.TS Nguyễn Mai Đăng, Đại học Thủy Lợi cho rằng, việc mất đi các vùng đất trũng và hồ điều hòa tác động lớn đến khả năng tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố.

“Hà Nội đô thị hóa quá nhanh, quá mạnh cho nên diện tích không thấm tăng lên, đặc biệt với những vùng đất trũng và hồ điều hòa trước đây bây giờ bị lấp, bị xâm chiếm không đảm bảo diện tích tự nhiên khoảng 5 - 7% đối với quy hoạch đô thị” – ông Đăng nói.

Khu vực phía Tây, Tây Nam Hà Nội như Hà Đông, Nam Từ Liêm…đang có tốc độ đô thị hóa cao, hình thành nhiều khu đô thị mới. Tuy nhiên, cốt nền tại các khu đô thị mới lại không đồng nhất, khu vực xây dựng sau thường cao hơn khu vực trước, thậm chí, nhiều tuyến đường mới cốt nền cao hơn nhà dân, gây tình trạng ngập cục bộ.

Việc thoát nước khu phía Tây, Tây Nam vẫn phụ thuộc vào hệ thống tưới tiêu nông nghiệp, đặc biệt là sông Nhuệ. Trong khi đó, Dự án thoát nước giai đoạn I, giai đoạn II, kinh phí hàng nghìn tỷ đồng mà Hà Nội triển chục năm nay chưa "với tới" các khu vực đô thị mới này.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án thoát nước Hà Nội cho rằng: “Các khu vực bên ngoài sông Tô Lịch như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm nằm ngoài phạm vi triển khai dự án thoát nước Hà Nội. Khu vực này trước đây chủ yếu là tiêu thoát nước cho nông nghiệp. Hiện nay, các tốc độ đô thị hóa tương đối nhanh, các công trình đầu mối chưa đáp ứng yêu cầu nên thường xảy ra úng ngập”.

Mặc dù Hà Nội đã có quy hoạch chung đến năm 2030 tầm nhìn 2050, nhưng chính việc phát triển đô thị tùy tiện, “thả phanh” cho các dự án, đặc biệt là các dự án cao ốc đang làm méo mó quy hoạch. Thực trạng “quy hoạch chạy theo dự án” đang là thách thức lớn đối với Hà Nội.

Thực tế cho thấy, rất nhiều dự án trên địa bàn thành phố chỉ đơn thuần là dự án, chủ đầu tư gần như “quên” các công trình phúc lợi, hạ tầng xã hội như giao thông, thoát nước đi kèm.

Ông Mai Bá Cầu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm giám đốc Công ty công nghệ dịch vụ và Tài nguyên môi trường cho rằng, việc quản lý quy hoạch kém là nguyên nhân của nhiều hệ lụy: “Năm 2009, Hà Nội có quy hoạch được Thủ tướng duyệt đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Quy hoạch này được quản lý kém cho nên rất lộn xộn, xây dựng không theo bài bản. Các dự án làm méo mó các quy hoạch tổng thể. Dự án chạy theo đồng tiền, xây dựng không quan tâm đến hệ thống thoát nước, giao thông, gây ùn tắc”.

Bao giờ Hà Nội hết cảnh những con đường bị nhấn chìm trong nước, khu đô thị không bị cô lập sau những trận mưa to? Vẫn là câu hỏi lớn trước thực trạng quản lý quy hoạch yếu kém như hiện nay./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hình ảnh: Đường phố Hà Nội ngập kinh hoàng do mưa bão số 3
Hình ảnh: Đường phố Hà Nội ngập kinh hoàng do mưa bão số 3

VOV.VN - Bão số 3 đã gây mưa lớn, ngập nhiều tuyến phố ở Hà Nội khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. 

Hình ảnh: Đường phố Hà Nội ngập kinh hoàng do mưa bão số 3

Hình ảnh: Đường phố Hà Nội ngập kinh hoàng do mưa bão số 3

VOV.VN - Bão số 3 đã gây mưa lớn, ngập nhiều tuyến phố ở Hà Nội khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. 

Hà Nội ngập lụt kinh hoàng sau trận mưa lớn trong đêm
Hà Nội ngập lụt kinh hoàng sau trận mưa lớn trong đêm

VOV.VN - Sau cơn mưa lớn đêm 24/5, rất nhiều tuyến phố của Hà Nội ngập lụt nghiêm trọng, sáng nay giao thông ùn tắc cục bộ

Hà Nội ngập lụt kinh hoàng sau trận mưa lớn trong đêm

Hà Nội ngập lụt kinh hoàng sau trận mưa lớn trong đêm

VOV.VN - Sau cơn mưa lớn đêm 24/5, rất nhiều tuyến phố của Hà Nội ngập lụt nghiêm trọng, sáng nay giao thông ùn tắc cục bộ