Bảo vệ trẻ em ở cơ sở - nhìn từ vụ bé Phi

Cơ quan chức năng nắm được sự việc khi bé Phi đã bị bạo hành dã man, điều này cảnh báo về công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em ở cơ sở.

Vụ việc cháu Nguyễn Thục Phi, 10 tuổi, ở Quãng Ngãi bị cha mẹ nuôi bạo hành dã man đang gây phẫn nộ trong dư luận. Phóng viên TNVN phỏng vấn bà Ninh Thị Hồng, ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam về vụ bạo hành này.

Bà Ninh Thị Hồng

** Bà nghĩ sao khi vụ cháu Nguyễn Thục Phi bị bạo hành, cũng như nhiều vụ bạo hành trẻ em trước đây, chỉ được đưa ra công luận khi các em đã chịu những tổn thương rất nặng nề?

** Sự việc cháu Phi ở Quảng Ngãi bị bạo hành hết sức dã man các cơ quan chức năng mới nắm được, một lần nữa cảnh báo chúng ta về tình trạng đạo đức xã hội, về công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em ở cơ sở.

Những người dân xung quanh, một là không hiểu biết pháp luật, hai là họ cũng thờ ơ, nên việc cháu bé bị bạo hành, đánh đập trước đó đã không được phản ánh và không được các cơ quan chức năng, các tổ chức nắm được để có biện pháp ngăn chặn. Đến khi các hành động vô cùng dã man xảy ra, mới phát hiện được thì các cháu đã bị tổn thương rất nặng nề.

** Bà có bình luận gì về vai trò của hội phụ nữ, đoàn thanh niên và cả hệ thống chính trị ở các địa phương có trẻ em bị bạo hành?

** Hiện nay, tôi thấy các hoạt động bề nổi như các hoạt động nhân ngày lễ, Tết cho các cháu… thì được các tổ chức, đoàn thể này quan tâm nhiều hơn; những hoạt động thường kỳ như nắm bắt tình hình từng hộ gia đình, đối với những trường hợp trẻ em không có bố mẹ hoặc sống trong những gia đình đạo đức xã hội không tốt, có nguy cơ bị bạo hành, các tổ chức xã hội thường chưa quan tâm đầy đủ. Chính vì vậy, các cháu sống trong các gia đình này vẫn bị bạo hành, chịu thiệt thòi.

Công an đang dẫn ông Mùi, bố nuôi bé Phi, ra khỏi phòng tạm giam để đưa đi xét hỏi (Ảnh: KT)

** Sau vụ việc này, Hội Bảo vệ quyền trẻ em sẽ có những hành động gì, thưa bà?

** Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam mới thành lập từ năm 2008 và chúng tôi thấy rằng, sứ mệnh của mình rất quan trọng trong việc có tiếng nói bảo vệ quyền trẻ em. Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới hội viên, chúng tôi muốn có những đợt truyền thông đến mọi người dân.

Ngay cả đối với trẻ em, hiện nay chúng tôi cũng quan tâm làm sao để trẻ em phải biết bảo vệ mình, khi bị bạo hành thì sẽ phải gặp ai, nói cho ai biết. Khi các vụ việc đã xảy ra, Hội cũng cần lên tiếng nói đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết.

Như vụ này, chúng tôi thấy ngoài việc xử lý người cha nuôi hành hạ cháu bé, chúng ta còn cần xem xét đạo đức của gia đình này. Không thể để cháu tiếp tục ở đấy mà phải tìm cho cháu một môi trường gia đình yên ấm hơn hoặc đưa cháu vào các trung tâm nuôi dưỡng của Bộ LĐ-TB&XH quản lý để đảm bảo an toàn cho cháu sau này.

** Xin cảm ơn bà!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên