Bình Định: Nỗ lực khôi phục hệ thống thủy lợi sau lũ

Đợt bão lũ vừa qua đã làm vỡ và sạt lở hàng trăm km bờ đê sông, đê biển, kênh mương, gây sa bồi thủy phá nhiều diện tích đất canh tác ở các địa phương trong tỉnh Bình Định.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương đang tập trung mọi biện pháp để sửa chữa, khôi phục hệ thống thủy lợi (HTTL) nhằm kịp thời phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân (ĐX) 2009-2010…

Nhiều thiệt hại nghiêm trọng

Trong đợt bão lũ vừa qua, hệ thống đê sông, đê biển, kênh mương thủy lợi của các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Vân Canh, TP Quy Nhơn… đã bị thiệt hại nặng nề. Sau khi lũ rút, hình ảnh tan hoang của HTTL ở các địa phương bắt đầu hiện ra, nhiều người phải giật mình vì mức độ thiệt hại quá lớn. Một số nơi, tình trạng vỡ đê gây sa bồi thủy phá hàng trăm ha đất, ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp trong vụ ĐX của người dân địa phương.

Ông Nguyễn Bay, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) huyện Tuy Phước, cho biết: Trên địa bàn huyện có hàng chục điểm đê sông, đê biển dọc theo tuyến đê sông Hà Thanh, sông Côn… bị vỡ đứt hoàn toàn, khối lượng đất đá bị cuốn trôi hơn 156.000 m3. Nghiêm trọng hơn, tuyến đê Đông chạy qua thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa đã bị lũ làm vỡ nhiều đoạn, việc đi lại của người dân ở khu vực này rất khó khăn. Bên cạnh đó, do nhiều tuyến đê bị vỡ nên mỗi khi có mưa, nước các sông lên cao tràn vào đồng, gây ngập úng nặng nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với các công trình thủy lợi (CTTL) trên địa bàn huyện hơn 20 tỉ đồng.

Tuổi trẻ TP.Quy Nhơn giúp dân khắc phục hậu quả bão lụt.

Tại An Nhơn, từ trước đến nay chưa bao giờ người dân ở đây lại chứng kiến cảnh ngập nước cao kỷ lục và lên nhanh bất ngờ đến như vậy. Nguyên nhân là do nhiều đoạn đê sông Côn qua địa bàn huyện bị xuống cấp nặng, khi gặp lũ lớn bị vỡ đứt nhiều đoạn.

Ông Nguyễn Thành Minh, Trưởng Phòng Kinh tế huyện An Nhơn, cho biết: “Trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn huyện có 6 điểm đê sông bị vỡ với gần 600 m đê bị vỡ đứt hoàn toàn, gồm tuyến đê Phụ Quang, xã Nhơn Hòa vỡ 200 m, đê đội 5 khu vực Bằng Châu, thị trấn Đập Đá vỡ 50 m, đê Vạn Thuận xã Nhơn Thành vỡ 70 m, đê Thanh Liêm xã Nhơn An vỡ 30 m, đê Bờ Mọ thôn Trung Lý xã Nhơn Phong vỡ 120 m. Ngoài ra, còn có hơn 2,57 km đê kè; 6,9 km kênh mương bị sạt lở; nhiều cống, đập dâng, trạm bơm cũng bị nước lũ làm hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại khoảng 6 - 7 tỉ đồng”. 

HTTL ở các huyện Phù Cát, Vân Canh, TP Quy Nhơn… cũng đã bị thiệt hại nặng nề do bão lũ. Ông Nguyễn Trọng Phủ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định, cho biết: “Dù đơn vị đã chuẩn bị rất kỹ các phương án chống lũ nhưng trận lũ vừa qua quá lớn đã làm thiệt hại nghiêm trọng HTTL do đơn vị quản lý, với  gần 98.000 m3 đất đá của các CTTL bị sạt lở; nhiều tuyến đê, kênh mương bị bồi lấp rất nặng, cần nguồn kinh phí lớn để sửa chữa. Hiện nay, đơn vị đang tập trung mọi nỗ lực để khôi phục HTTL nhằm phục vụ sản xuất vụ ĐX sắp tới”.

Gia cố tạm để phục vụ sản xuất ĐX

Hậu quả của đợt lũ lụt vừa qua gây ra đối với HTTL trên địa bàn tỉnh Bình Định là rất nghiêm trọng, phải mất nhiều năm mới khắc phục hoàn chỉnh. Vừa qua, trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Chính phủ về kiểm tra khắc phục hậu quả bão lụt ở Bình Định, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh 500 tỉ đồng để khôi phục hệ thống đê sông, đê biển, kênh mương, hồ chứa nước, đảm bảo cung cấp nước tưới, tiêu thoát lũ an toàn.

Những ngày sau khi lũ rút, các địa phương đã tranh thủ sự giúp đỡ của các đơn vị bộ đội, công an và lực lượng thanh niên xung kích, dân quân tự vệ… nhanh chóng hàn gắn lại những tuyến đê sông, đê biển, kênh mương bị vỡ và sạt lở. Tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Vân Canh, TP Quy Nhơn hiện có hàng trăm chiến sĩ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Quân khu 5... về giúp địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt.

Bộ đội quân đoàn 3 giúp dân khắc phục nạn sa bồi thủy phá ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát.

Ông Lê Minh Toán, Phó Chủ tịch UBND huyện An Nhơn, cho biết thêm: “Sau khi lũ rút, Lữ đoàn 573 đã cử 200 cán bộ, chiến sĩ về giúp địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt, gia cố các tuyến kênh mương, đê điều. Đến nay, các đoạn đê bị vỡ trên địa bàn huyện đã cơ bản được hàn khẩu để có thể triển khai sản xuất vụ ĐX. Địa phương cũng đã nhanh chóng thống kê lại mức độ thiệt hại của từng tuyến đê, từng vùng sạt lở, lên kế hoạch tu sửa để báo cáo với tỉnh có biện pháp hỗ trợ kinh phí thực hiện”…

Hiện nay, Sở NN-PTNT Bình Định đang tập trung chỉ đạo các đơn vị quản lý thủy lợi phối hợp với các địa phương tổ chức gia cố, hàn khẩu các đoạn đê sông, kênh mương bị vỡ đứt, giúp người dân thuận lợi trong tưới tiêu vụ sản xuất ĐX. Tuy nhiên, do mức độ thiệt hại quá lớn, trong khi kinh phí thực hiện có hạn nên việc tu sửa, nâng cấp chỉ mới dừng lại ở mức độ gia cố tạm thời. Ngành Nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục tiến hành khảo sát thực trạng của toàn bộ HTTL, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh để kiến nghị UBND tỉnh và Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí để sữa chữa, nâng cấp hoàn chỉnh hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên