Các tỉnh Bắc Trung Bộ đề phòng lũ quét, ngập lụt

Các tỉnh từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh đang tập trung việc tiêu úng để cứu lúa, thông báo cho dân phòng chống lũ ống, lũ quét...  

Do rãnh áp thấp có trục qua Trung Trung Bộ kết hợp với hoạt động mạnh của gió đông đến đông nam, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to.

Đến 10 giờ sáng 11/9, lượng mưa đã giảm, nhưng đề phòng lũ quét, ngập lụt, các tỉnh này vẫn tăng cường các phương án chủ động phòng chống nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Quốc lộ 1A qua thị trấn Cầu Giát (Nghệ An) nghập nặng (ảnh: Minh Huyền)

Tại Thanh Hóa, mưa tập trung chủ yếu ở các huyện rìa phía Nam trong 2 ngày 9 và 10, với lượng mưa phổ biến từ 200 đến 300 mm. Thậm chí tại huyện Tĩnh Gia có lúc trên 500 mm. Đặc biệt đêm 10/9, trên triền đê của sông Yên mực nước lên đến báo động cấp hai. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mực nước đã xuống dưới mức bão động hai. Dù chưa có con số thống kê mức thiệt hại nhưng theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, đến thời điểm này, huyện Tĩnh Gia có khoảng 4000 ha và huyện Nông Cống 300 ha lúa và hoa màu bị ngập.

Trước tình hình này, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã có công điện yêu cầu các huyện vùng phía Nam của Thanh Hóa: Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống, Triệu Sơn tập trung đảm bảo an toàn cho các hồ đập. Cắt cử lực lượng thường xuyên kiểm tra, xử lý ngay tại các hồ đập khi có xự cố xảy ra. Trước mắt, lợi dụng mực nước triều xuống thấp tập trung tiêu úng cho các vùng mưa lớn bị lụt nội đồng.

Ông Nguyễn Trọng Hải, Chánh văn phòng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tỉnh tập trung cho việc tiêu úng để cứu lúa bằng tiêu động lực, kể cả là tiêu tận dụng. Các hồ đập nào tràn tự do thì tiếp tục cho tràn, tràn nào mở cửa thì phải đóng lại để tiêu bớt nước nội đồng. Khi nào nước triều xuống thấp thì mới mở cửa. Song song với việc đó thì các vùng giao thông, đường bị ngập thì phải cắt cử lực lượng hướng dẫn cho phương tiện đi lại và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

** Liên tục từ ngày 8/9 đến nay, trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra mưa to đến rất to làm ngập úng hầu hết các huyện dọc trên tuyến quốc lộ 1A. Đặc biệt nhiều tuyến đường như Quốc lộ 48, quốc lộ 7 bị ngập nước và ách tắc giao thông.

Lúc 10h sáng 11/9, văn phòng chống bão lụt và trung tâm tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn gửi các địa phương về diễn biến thời tiết xấu trên địa bàn  như sau: Từ ngày 8-11/9, do ảnh hưởng của nhiều hình thái thời tiết phức tạp  nên ở Nghệ An đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa phổ biến trên địa bàn tỉnh Nghệ An đo được từ 150-250mm, một số vùng có lượng mưa lớn hơn như Quế Phong mưa 303 mm; Tây Hiếu 301,0 mm; Nam Đàn 288,0mm; Cửa Hội 307,0mm. Thời tiết còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Để chủ động đối phó với thời tiết. UBND tỉnh cảnh báo cho các hộ dân cư đang sinh sống ở khu vực cửa sông, ven biển, ven sông, suối và các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, hạ lưu hồ chứa nước biết để chủ động phòng tránh.

Nhiều nhà dân bị ngập nước gần tới thềm (ảnh: Minh Huyền)

 Để phòng tránh tai nạn, thiệt hại có thể xảy ra, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị , UBND các địa phương triển khai phương án thu hoạch hoa màu và  khơi thông dòng chảy, xả lũ tại các hồ đập có nguy cơ bị vỡ...    

** Tại Hà Tĩnh, lượng mưa đo được cao nhất là ở huyện Hương Khê với 282,6mm. Hiện mực nước trên các triền sông ở mức dưới báo động một.  Ông Bùi Lê Bắc, Chánh văn phòng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh nhận định: Tuy lượng mưa không to, nhưng do là đầu mùa mưa và cũng là lượng nước đệm đầu mùa nên nguy cơ xảy ra lũ quét là rất lớn. Nếu mưa tiếp tục kéo dài thì vùng Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê cần phải đặc biệt đề phòng ngập lụt, lũ quét. Bên cạnh đó là phải đảm bảo chống ngập úng cho vụ lúa hè thu và hoa màu này.

Ông Bùi Lê Bắc cho biết thêm: Hiện tỉnh triển khai các biện pháp là tổ chức thường trực 24/24h, các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, vùng có khả năng lũ quét cũng đã tổ chức thường trực để sẵn sàng ứng phó. Tỉnh có bộ phận tìm kiếm cứu nạn để triển khai, sẵn sàng ứng cứu cho các địa phương. Đặc biệt là chủ động sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ. Hiện mưa đang tiếp tục diễn biến và chúng tôi tiếp tục cập nhật thông tin để tổng hợp kịp thời tình hình mưa lũ và kịp thời tham mưu cho ban chỉ huy để triển khai các biện pháp ứng phó trên các địa bàn trọng yếu miền núi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên