Các tỉnh miền Trung đối phó với áp thấp nhiệt đới

Thực hiện Công điện của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, chiều tối qua (3/9), các địa phương ven biển miền Trung đã triển khai các phương án phòng chống mưa lũ.

Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ, chiều và tối qua, trên địa bàn các tỉnh thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi có mưa vừa đến mưa to.

Tại tỉnh Quảng Nam, lượng mưa ở thành phố Tam Kỳ đạt xấp xỉ 250mm, làm ngập cục bộ nhiều khu dân cư. Chiều tối qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp với các sở ban ngành, địa phương triển khai phương án phòng chống mưa lũ. Trong đó tỉnh yêu cầu tập trung kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Hiện tỉnh Quảng Nam còn 97 tàu với  hơn 1.770 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó, khu vực nguy hiểm có 67 tàu, với hơn 1.600 lao động. Nhưng đến đêm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam mới liên lạc được 1 tàu, các tàu khác chưa liên lạc được. Các huyện miền núi đã chủ động triển khai phương án phòng chống lũ quét. Ông Đào Bội Thuyên, Chủ tịch UBND huyện miền núi Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Sau khi có chỉ đạo của tỉnh, huyện đã triển khai các phương án phòng chống lũ quét, các xã miền núi dễ sạt lở như Quế Thọ, Phước Gia chủ động sơ tán dân khi cần thiết”.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, lượng mưa đo được ở Châu Ổ đạt 270mm, trên đất liền đã có gió cấp 6, cấp7. Chiều tối qua, tàu của ông Phan Văn Thái, sinh năm 1978, ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, trên tàu có 4 lao động, bị lốc phá nước gây chìm tàu, 4 lao động đã được cứu bằng tàu QNg 94197 TS vào bờ an toàn. Hiện tỉnh Quảng Ngãi còn 1.200 tàu, với hơn 9.500 lao động đang hoạt động trên biển. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã liên lạc được hầu hết với tất cả tàu thuyền xa bờ, tổ chức sắp xếp đưa tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn.

Các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng đã có công điện gửi cho Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện, thị xã, các Sở ban ngành trong tỉnh để thông báo về diễn biến của áp thấp nhiệt đới; phối hợp với Bộ đội biên phòng và các huyện vùng ven biển tổ chức liên lạc, thông báo thường xuyên và liên tục đến các chủ tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của áp thấp, để chủ động di chuyển thoát ra vùng nguy hiểm hoặc vào nơi trú ẩn; đồng thời kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền và phương tiện, hướng dẫn và sắp xếp các tàu vào nơi trú ẩn an toàn.

Tại thành phố Đà Nẵng đêm qua mưa lớn kết hợp triều cường đã làm một số đoạn thấp trũng của các tuyến đường khu vực nội thành như Quang Trung, Đống Đa, Hải Phòng, Nguyễn Văn Linh bị ngập sâu, gây trở ngại cho người tham gia giao thông. Đến chiều qua, 328 tàu đánh cá với hơn 1.550 ngư dân Đà Nẵng vẫn hoạt động trên biển. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng đã thông báo cho số tàu thuyền này chủ động tìm nơi trú ẩn.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng phối hợp với Cơ quan đăng kiểm Quốc tế xác định độ an toàn, đồng thời lai dắt tàu Hòa Bình chở 437 khách và 400 thủy thủ rời Cảng nước sâu Tiên Sa an toàn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên