Cần chế tài mạnh hơn với các đơn vị vi phạm an toàn lao động

(VOV) -Công trường xây dựng là nơi có thể xảy ra tai nạn lao động bất cứ lúc nào nếu không thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn

Do đặc thù lao động thời vụ chiếm phần lớn nên cả người sử dụng lao động và người lao động chưa làm tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. 

Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng Phú Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột có 200 lao động nhưng chỉ có 49 người đã ký hợp đồng, còn lại là lao động thời vụ.

Theo ông Trương Công Lưu, Giám đốc công ty, đây chính là yếu tố khiến cho việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động chưa nghiêm túc ở các công trường xây dựng của công ty: “Công nhân được sử dụng là những lao động mang tính thời vụ. Bởi vậy việc huấn luyện an toàn lao động không kịp thời. Thậm chí với nhiều người họ không muốn ký hợp đồng vì sợ ràng buộc. Đây là một thực tế nói chung, có nhiều nơi, người lao động không đem nặng an toàn lao động, trang bị mũ nhưng chưa chắc họ đã đội vì cho rằng vướng víu và nóng”.

Mỗi năm, công ty xây dựng Phú Xuân trang bị 100 bộ đồng phục, mũ nhựa, giày vải, khẩu trang, ủng. Nhưng đến thực tế công trường xây dựng trên đường Y Jút, thành phố Buôn Ma Thuột thì chỉ người quản lý có đồ bảo hộ lao động, còn lại phần lớn công nhân đội mũ vải, đi dép lê, thậm chí có công nhân đang làm việc ở độ cao hơn 20m mà không có dây bảo hộ. Người lao động cũng không quan tâm mình có được tập huấn, phố biến kiến thức về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ hay không.

Không chỉ công ty xây dựng Phú Xuân mà nhiều ty xây dựng ở Đắc Lắc đều trong tình trạng này. 

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Đắc Lắc, năm 2012 đã xảy ra 16 vụ tai nạn lao động, làm 4 người chết và 6 người bị thương nặng; riêng trong lĩnh vực xây dựng thì xảy ra một vụ làm một người chết. Tuy nhiên, theo cán bộ của Sở này thì con số này không phản ánh chính xác tình hình thực tế, bởi chỉ có 10 công ty trong hàng trăm công ty xây dựng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh gửi báo cáo về cho đơn vị tổng hợp.

Cùng với việc chưa làm tốt công tác đảm bảo an toàn lao động, các doanh nghiệp cũng chưa coi trọng đến việc khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp hàng năm cho người lao động.

Bác sĩ Y Kim Ly Niê, Phó chánh thanh tra Sở y tế Đắc Lắc cho biết: “Một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ về việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Có nhiều nguyên nhân, một số người lao động thì không chú trọng đến việc khám sức khỏe của mình, một số đơn vị cũng chưa phối hợp với cơ quan y tế để khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Đối với những đơn vị đó thì chúng tôi kiến nghị cần phối hợp với cơ quan y tế trên địa bàn để chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

Hàng năm, ngành chức năng tỉnh Đắc Lắc đều tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ. Nhưng đối với những đơn vị vi phạm, cũng mới chỉ nhắc nhở, đề nghị doanh nghiệp có biện pháp khắc phục. Gần như chưa có doanh nghiệp nào bị phạt khi không thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động.

Theo ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Đắc Lắc thì đây chính là nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.

Ông Nguyễn Quang Trường cho biết: “Có kiểm tra, nhắc nhở nhưng chế tài phạt rất ít. Tôi nghĩ cần có chế tài mạnh mẽ hơn, ràng buộc chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm”.

Cần một chế tài mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp thực sự quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, ngành chức năng của Đắc Lắc cũng cần đa dạng hóa các hình thức tuyên tuyền để người lao động có ý thức tự bảo vệ mình và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho bản thân mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên