Cảnh giác với các đường dây buôn bán người

Thời gian qua, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được coi là “nơi đi” của nạn nhân bị buôn bán làm mại dâm, hoặc làm vợ người nước ngoài.

Sáng 23/3 tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo về phòng chống tệ nạn mại dâm, chống buôn bán người ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long.     

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, do chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết, phụ nữ Đồng bằng sông Cửu Long đến thành phố lớn tìm việc làm, dễ bị rơi vào các đường dây buôn bán người hoặc tổ chức mại dâm. Thời gian qua, khu vực này được coi là “nơi đi” của nạn nhân bị buôn bán làm mại dâm, hoặc làm vợ người nước ngoài. Còn thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn “trung chuyển” đối với hoạt động buôn bán phụ nữ trẻ em, môi giới hôn nhân bất hợp pháp. Đồng thời là “điểm nóng” về tệ mại dâm. Thành phố hiện có 5.000 đối tượng nghi bán dâm, chiếm 17% so với cả nước, với nhiều đường dây mại dâm liên tỉnh lén lút hoạt động.

Để ngăn chặn tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em, hội thảo nêu  một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa cho phụ nữ, em gái vị thành niên có nguy cơ rơi vào tệ nạn. Đồng thời, đảm bảo đa số người bán dâm được hỗ trợ phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng, tạo môi trường thuận lợi cho nạn nhân trở về và ngăn chặn có hiệu quả phụ nữ, trẻ em có nguy cơ bị buôn bán. Bên cạnh đó, hội thảo còn đề cập cơ chế phối hợp giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long về phòng, chống tệ nạn mại dâm và buôn bán người.

Bà Lê Thị Hà, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nói: “Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên tuyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội cũng như nâng cao nhận thức cho mọi người dân để tránh tình trạng có những nguy cơ sa vào tệ nạn mại dâm cũng như tình trạng bị buôn bán. Chúng ta lấy “xây để chống”, tức là giáo dục từ xa, phòng ngừa từ xa, kết hợp đồng bộ các giải pháp về an sinh xã hội, giúp phòng ngừa cho những đối tượng có nguy cơ cao tránh sa vào tệ nạn này. Vấn đề thứ hai, làm thế nào để xử lý nghiêm minh những đường dây, những tổ chức bóc lột tình dục phụ nữ và trẻ em”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên