Cát tặc lộng hành, làm gì để ngăn chặn hiệu quả?

VOV.VN - Việc khai thác trái phép cát không chỉ làm thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.

Từ nhiều năm nay, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên sông và cửa biển diễn biến rất phức tạp, các nhóm “cát tặc” đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm để đối phó với các cơ quan chức năng.

Việc khai thác trái phép cát, sỏi trên sông và cửa biển không chỉ làm thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường, làm sạt lở đất đai, đê điều, cầu cống mà còn gây thất thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và an toàn giao thông đường thủy. Vì sao cát tặc lại lộng hành đến thế? Do quy định của pháp luật chưa đầy đủ hay còn sơ hở? Có sự bảo kê và chống lưng hay không mà cát tặc vẫn ngang nhiên tung tác như vậy?...

Tại thôn Năm Mẫu, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, người dân phân công nhau canh gác và sẵn sàng xua đuổi khi có tàu hút cát.
Xã Cương Sơn, huyện Lục Nam từ nhiều năm nay là một điểm nóng về tình trạng khai thác cát trái phép ở tỉnh Bắc Giang. Nơi đây có rất nhiều điểm tập kết và mua bán cát, sỏi. Hợp pháp có, không hợp pháp cũng có. Theo phản ánh của nhiều người dân: ba, bốn tháng trước đây, ngày nào cũng từ sáng đến tối và thâu đêm suốt sáng, các loại tàu cuốc lớn nhỏ đến đây khai thác cát vàng, cát đen. Các nhóm cát tặc hầu như không sợ ai nên lần nào chúng đưa tàu vào hút cát gần bờ thì đất đai, ruộng vườn của bà con bị sạt lở nghiêm trọng. Vài tháng gần đây, khi các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra ráo riết, việc khai thác cát trộm có phần dịu xuống, nhưng không phải vì thế mà bà con được yên. 

Một người dân đề nghị dấu tên cho biết: Dân ở đây kiến nghị lên chính quyền, nhưng không được giải quyết nên chúng tôi quyết định tự giải quyết lấy. Tập trung ra, một là ném, hai là đuổi. Vậy nhưng bây giờ chúng chuyển ra những khu vực sông không có người ở rồi hút trộm vào ban đêm ở đó.

Tại xã Tứ Dân, một địa bàn phức tạp nhất nhì về nạn cát tặc ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cũng vậy. Dù thời điểm nóng nhất đã qua, nhưng đến giờ này, người dân ở đây vẫn không ai quên được cảnh tượng đêm đêm, hàng trăm nam giới của thôn Năm Mẫu phải trải chiếu, mắc màn ngay tại trụ sở UBND xã để cùng nhau đối phó với các nhóm cát tặc đang hoành hành dữ dội bên mạn phải sông Hồng. 

Ban ngày, các tàu hút cát neo đậu tại những nơi vắng người, chờ đến tối mới hoạt động.
Ông Ngô Văn Đám, Trưởng thôn Năm Mẫu cho biết, chỉ non 1 tháng mà các nhóm cát tặc đã gần như “nuốt bay” hơn 100 m bãi bồi chạy dài theo bờ ruộng. Bãi bồi này rộng tới hàng chục mẫu, bà con chuyên trồng chuối, trồng rau, dược liệu và dong riềng; nhưng giờ chỉ còn là những ụ đất nhô lên khỏi mặt nước. Sau vụ việc đó, nhiều ngôi nhà sát bờ sông cũng vì thế đã bị lún nứt, gây nguy hiểm cho một số gia đình. Do vậy, bà con trong thôn đã góp tiền mua xuồng máy và phân công người túc trực hàng đêm, nhằm đối phó, đẩy đuổi các nhóm cát tặc để bảo vệ đất đai, vườn tược. 

Không chỉ ở Bắc Giang, Hưng Yên mà tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông và cửa biển đã và đang diễn ra khắp nơi. Hầu như trên khắp các tuyến sông từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược và sông lớn hay sông bé đều có sự hiện diện của các nhóm cát tặc. Chúng hoạt động ngang nhiên, bất kể ngày hay đêm; đến mức mà người dân ở xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương không chịu đựng nổi nên phải lập chòi, cắm chốt để bảo vệ đất đai, vườn tược. Đêm đêm phải kêu gọi dân làng xua đuổi cát tặc mỗi khi có tàu cuốc đến hút trộm cát ở bờ đê tả sông Thái Bình. 

Cát tặc lộng hành đến mức ngang nhiên đắp cả một đoạn đập để chặn dòng sông hút cát trên sông Đắc Bla ở Kon Tum; chúng còn lèo lái, tìm cách hút cả cát ở biển Cửa Đại, Hội An và cát sông Đà Rằng phục vụ cho việc san lấp các khu đô thị.

Một điểm tập kết cát ven sông Hồng thuộc địa bàn xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Nhức nhối hơn cả là mặc dù đang trong đợt truy quét cao điểm của các lực lượng chức năng; nhưng đêm xuống là cát tặc lại đưa cả tàu cuốc hút cát ầm ầm trên sông Là Ngà, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và nhiều nhánh sông lớn nhỏ ở miền Tây Nam Bộ. Cát tặc manh động, liều lĩnh đến mức mà nhiều lần lực lượng công an phải nổ súng mới khống chế được các đối tượng vi phạm. 

Mới đây nhất, rạng sáng ngày 1/7, tổ công tác của Công an tỉnh Vĩnh Long buộc phải dùng biện pháp mạnh là nổ súng mới bắt giữ được hai con tàu không số hút cát trộm trên sông Tiền. Việc khai thác cát bừa bãi, đến mức “tận diệt” đã gây nên nhiều hệ lụy hết sức nghiêm trọng. Đó là những vụ gây sạt lở cầu cống, đê điều, đất sản xuất nông nghiệp, ruộng vườn và hàng chục, hàng trăm ha diện tích bãi bồi màu mỡ. Điển hình nhất là vụ sạt lở xảy ra ở sông Vàm Nao vào ngày 23/4 vừa qua đã làm cho 16 căn nhà tại ấp Mỹ Hội, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang trôi sập xuống sông. Chỉ trong chốc lát ấy, ba mươi mấy con người của 16 hộ gia đình phải sống cảnh màn trời chiếu đất.

Báo cáo của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều cho biết, trên các tuyến sông cả nước hiện nay có 93 khu vực lòng sông, bãi sông, trong phạm vi khoảng 118 km đang xảy ra tình trạng khai thác trái phép. Cả nước cũng đang có 737 điểm sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài 1.257km. Trong đó, có nhiều đoạn bờ sông bị lở thành hàm ếch. Hàng trăm ha đất “bờ xôi, ruộng mật” cũng đang có nguy cơ sạt lở rất dễ bị cuốn trôi. Hàng nghìn người dân sống hai bên sông thuộc các khu vực sạt lở cũng đang lo lắng khi mà nhà cửa, ruộng vườn có thể trôi sông bất cứ lúc nào. 

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia của tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, thì tình trạng khai thác cát trái phép quá mức và thiếu kiểm soát ở nhiều nơi như hiện nay không chỉ gây thất thoát tài nguyên, thất thu cho Nhà nước mà đang trực tiếp gây ra nhiều hệ lụy kép.

Việc khai thác bừa bãi, không tuân thủ quy định gây tác động rất lớn đến hệ thống sông ngòi. Ở nhiều dòng sông, mực nước đã và đang có xu hướng hạ thấp như sông Hồng, sông Lô và một trong những nguyên nhân là do khai thác cát bừa bãi gây xói lòng sông và xói lở bờ bãi ngày càng dữ dội mà điển hình nhất là tại khu vực đồng bằng sông cửu long ở Sông Tiền, sông Hậu và sông Đồng Nai.

Báo cáo của Bộ Công an cho biết, chỉ trong 2 tháng thực hiện đợt cao điểm từ 30/3 đến 30/5/2017; công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.495 vụ liên quan đến khai thác cát sỏi. Trong đó, có 844 vụ khai thác cát trái phép, 651 vụ vi phạm về kinh doanh, bến bãi; làm rõ và xử lý 690 đối tượng vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính gần 11 tỷ đồng; tịch thu 26 tàu, thuyền hút cát và gần 7 ngàn m3 cát.

Trong khi đó, nhiều tổ chức cá nhân dù có giấy phép hoạt động nhưng lại không thực hiện đầy đủ thủ tục về đánh giá tác động môi trường; khai thác vượt quá khối lượng và số lượng phương tiện cho phép; không xuất hóa đơn, chúng từ theo quy định… 

Những đường ống hút cát trực tiếp từ lòng sông Hồng lên bãi tại huyện Thường Tín, Hà Nội.
Bộ công an cũng cho biết, hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra công khai và ngang nhiên chủ yếu xảy tại các vùng giáp ranh trên các tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Cầu, sông Trà Lý, sông Đò Lèn ở miền Bắc; sông Lam, sông Trà Khúc, sông Hương, sông Hàn ở miền Trung và ở tuyến sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu…ở phía Nam. 

Tại thời điểm này, sức nóng của cát tặc có lặng dịu chút ít; nhưng kể từ khi kết thúc đợt kiểm tra cao điểm của các lực lương chức năng vào cuối tháng 5 đến nay, nhiều nhóm cát tặc đang hoạt động trở lại và có chiều hướng manh động hơn vì giá cát trên thị trường đang ở mức rất cao./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

 Bắt giữ 6 tàu hút cát quy mô lớn ở Quảng Ninh
Bắt giữ 6 tàu hút cát quy mô lớn ở Quảng Ninh

VOV.VN - 6 tàu khai thác cát trái phép khối lượng lớn bị bắt giữ đều không thể xuất trình giấy tờ về đăng ký đăng kiểm.

 Bắt giữ 6 tàu hút cát quy mô lớn ở Quảng Ninh

Bắt giữ 6 tàu hút cát quy mô lớn ở Quảng Ninh

VOV.VN - 6 tàu khai thác cát trái phép khối lượng lớn bị bắt giữ đều không thể xuất trình giấy tờ về đăng ký đăng kiểm.

Bắt quả tang xà lan hút cát trái phép trên sông Lam
Bắt quả tang xà lan hút cát trái phép trên sông Lam

VOV.VN -  Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy - Công an Hà Tĩnh vừa phát hiện bắt quả tang xà lan hút cát trái phép trên sông Lam

Bắt quả tang xà lan hút cát trái phép trên sông Lam

Bắt quả tang xà lan hút cát trái phép trên sông Lam

VOV.VN -  Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy - Công an Hà Tĩnh vừa phát hiện bắt quả tang xà lan hút cát trái phép trên sông Lam

Phát hiện 5 sà lan vận chuyển cát nhiễm mặn không rõ nguồn gốc
Phát hiện 5 sà lan vận chuyển cát nhiễm mặn không rõ nguồn gốc

VOV.VN -Hiện Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang tiến hành điều tra, xác minh, xử lý 5 sà lan vận chuyển 2600 m3 cát nhiễm mặn không rõ nguồn gốc.

Phát hiện 5 sà lan vận chuyển cát nhiễm mặn không rõ nguồn gốc

Phát hiện 5 sà lan vận chuyển cát nhiễm mặn không rõ nguồn gốc

VOV.VN -Hiện Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang tiến hành điều tra, xác minh, xử lý 5 sà lan vận chuyển 2600 m3 cát nhiễm mặn không rõ nguồn gốc.

Hình ảnh: Những con sông quằn quại vì tàu hút cát quần thảo
Hình ảnh: Những con sông quằn quại vì tàu hút cát quần thảo

VOV.VN - Những con sông ở Đăk Lăk vẫn quằn quại bởi các tàu cát hoạt động vô tội vạ.

Hình ảnh: Những con sông quằn quại vì tàu hút cát quần thảo

Hình ảnh: Những con sông quằn quại vì tàu hút cát quần thảo

VOV.VN - Những con sông ở Đăk Lăk vẫn quằn quại bởi các tàu cát hoạt động vô tội vạ.