Cầu Phùng trước ngày thông xe

Dưới cái nắng oi bức, các kỹ sư và công nhân của Tổng công ty Công trình giao thông 4 (Cienco 4) khẩn trương chạy đua với thời gian, hoàn thành nốt các hạng mục còn lại để đưa công trình vào sử dụng đúng ngày 30/6.

Nhìn từ xa, cầu Phùng như dải lụa mềm mại bắc qua hai bờ sông Đáy. Vậy là, ước mơ cháy bỏng - có một cây cầu để tiện cho việc đi lại, buôn bán làm ăn của người dân sống hai bên bờ sông sắp trở thành hiện thực. Dưới cái nắng oi bức, các kỹ sư và công nhân của Tổng công ty Công trình giao thông 4 (Cienco 4) khẩn trương chạy đua với thời gian, hoàn thành nốt các hạng mục còn lại để đưa công trình vào sử dụng đúng ngày 30/6.

Tất cả vì tiến độ công trình

Sau 2 năm trở lại công trường thi công cầu Phùng vượt sông Đáy, chúng tôi khá bất ngờ trước vẻ đẹp, quy mô đồ sộ của nó. Nhìn từ xa, cầu Phùng như một dải lụa mềm mại vắt ngang qua hai bờ sông. Cầu nằm gần đập tràn, trên tuyến quốc lộ 32 thuộc địa phận huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội.

Nắng chiếu thẳng vào gáy, hơi nóng bốc lên từ mặt cầu hầm hập, nhưng không ngăn cản được sự miệt mài, hăng say lao động của cán bộ kỹ thuật, công nhân nơi đây. Anh Hồ Đức Phúc - cán bộ kỹ thuật Ban điều hành dự án cầu Phùng - hồ hởi: Cầu Phùng là một trong những công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nên lãnh đạo Cienco 4 và hai đơn vị thi công là Công ty cầu 473 và 407 luôn đặt chất lượng và tiến độ công trình lên hàng đầu".

Đến thời điểm này, các hạng mục công trình đều đạt tiến độ đã đề ra. Trên công trường, luôn duy trì 180 cán bộ kỹ thuật và công nhân cùng các phương tiện máy móc phục vụ thi công. Các tốp công nhân đang tiến hành rải đá dăm lớp cấp phối, sau đó tiến hành triển khai rải thảm bê tông nhựa. Việc vệ sinh mặt cầu đã hoàn thành 80% khối lượng công việc; lắp lan can cầu đạt 45% khối lượng công việc. Riêng trên mặt cầu, để đảm bảo tiến độ, đơn vị luôn làm việc 3 ca /ngày, đã hoàn thành tốt các hạng mục khó như: Cọc khoan nhồi đường kính 1m dưới nước, đúc dầm bê tông cốt thép dự ứng lực, lao dầm…

Điều đáng nói, không có tai nạn lao động đáng tiếc nào xảy ra. Kỹ sư Hồ Tiến Lâm, chỉ huy công trường nêu rõ: Hàng năm Cienco 4 luôn tổ chức các lớp tập huấn an toàn lao động cho kỹ sư và công nhân trong toàn Tổng công ty.

Ước mơ đã thành sự thực 

Quốc lộ 32 là một trong những tuyến giao thông nan quạt quan trọng nối cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc. Hiện tại, các phương tiện qua sông Đáy bằng đường ngầm Phùng với kết cấu đập tràn đỉnh rộng, chiều dài 130m. Hàng năm, vào mùa mưa bão, khi sông Hồng phân lưu về sông Đáy qua cửa Vân Cốc thì đường ngầm Phùng thường bị ngập.

Khi cầu Phùng đi vào hoạt động, các phương tiện giao thông sẽ không phải đi vòng lên đường ngầm Phùng, qua đó rút ngắn quãng đường di chuyển khoảng 2km khi qua sông Đáy.

Anh Nguyễn Văn Hà, trú tại thị trấn Phùng trầm trồ: “Thật không ngờ, cầu Phùng lại đẹp và hoành tráng ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi…”.

Còn theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Cầu Phùng không những tạo điều kiện cho giao lưu kinh tế khu vực mà còn từng bước góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông cửa ngõ Thủ đô.

Nhìn những giọt mồ hôi đang lăn dài trên nước da rám nắng của những người thợ, chúng tôi hiểu được sự vất vả và những đóng góp của họ để cầu Phùng sớm được hoàn thành, đi vào hoạt động. Hà Nội có thêm một công trình giao thông đẹp và tiện lợi, thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội./.

Cầu Phùng có chiều dài 887,3m, mặt cầu rộng 18m với 4 làn xe ô tô, đường dẫn lên cầu dài 60m. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tải trọng thiết kế HL-93, tốc độ thiết kế 60km/h. Cầu có 176 dầm dự ứng lực Super T, mỗi dầm có 40 sợi cáp đường kính 15,2mm. Phần móng, mố trụ được thi công bằng công nghệ khoan nhồi đường kính 1m.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên