Lễ kỷ niệm 1.080 năm Chiến thắng Bạch Đằng

VOV.VN - Khu di tích lịch sử Bạch Đằng là một trong 5 khu di tích quốc gia địa điểm ghi dấu sự kiện quân và dân nhà Trần lập nên chiến thắng Bạch Đằng

Với chủ đề "Hào khí Bạch Đằng giang", lễ kỷ niệm 1.080 năm (938 – 2018) và 730 năm (1288 – 2018) Chiến thắng Bạch Đằng đã diễn ra sáng nay (21/4) tại sân lễ hội đền Trần Hưng Đạo (phường Yên Giang, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Đây là một trong những sự kiện quan trọng chào mừng năm du lịch Quốc gia 2018 – Hạ Long, Quảng Ninh. Ông Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban tổ chức TW tham dự.

Lễ kỷ niệm 1.080 năm và 730 năm Chiến thắng Bạch Đằng là một trong những sự kiện chính trị, văn hóa đặc biệt, là hoạt động quan trọng trong năm du lịch Quốc gia Hạ Long, Quảng Ninh 2018.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã gióng trống khai mạc Lễ kỷ niệm 1.080 năm và 730 năm Chiến thắng Bạch Đằng. Sau phần lễ Tế, lễ rước tượng Trần Hưng Đạo từ đền Trần Hưng Đạo về đình Yên Giang và ngược lại là chương trình nghệ thuật sử thi với chủ đề “Bạch Đằng Giang - Bản hùng ca của dân tộc”. Giải bơi thuyền chải truyền thống Bạch Đằng tại khu vực bến đò cổ nhằm gợi nhớ lại trang sử hào hùng của cha ông ta trên sông Bạch Đằng.

Ông Lê Đồng Sơn, nguyên trưởng phòng Văn hóa – thông tin thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cho rằng, chiến thắng Bạch Đằng có ý nghĩa lịch sử to lớn, khởi dậy lòng tự hào dân tộc: “Chiến thắng này có một ý nghĩa hết sức quan trọng đó là thế trận toàn dân. Chúng ta biết rằng, chuẩn bị những trận địa cọc như thế, đặc biệt là năm 1288, chỉ chuẩn bị trong vòng nửa tháng thôi, rõ ràng phải có sự đóng góp của người dân vùng sông nước Bạch Đằng này mới có hàng nghìn cây cọc như vậy, mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị”.

Ông Phạm Minh Chính, UV BCT, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban tổ chức TW tham dự Lễ kỷ niệm.

Có mặt từ rất sớm để tham dự lễ kỷ niệm, bà Phạm Thanh Quyết, phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên bày tỏ: “Chúng tôi được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất thị xã Quảng Yên và rất tự hào với quê hướng mình khi 3 lần đánh thắng quân giặc. Chúng tôi sẽ tuyên truyền rộng rãi đến con cháu để gìn giữ, bảo tồn di tích. Người dân sẽ đồng lòng với chính quyền địa phương để bảo tồn những giá trị của cho ông để lại”.

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh gióng trống trong Lễ kỷ niệm Chiến thắng Bạch Đằng năm 2018.

Còn Bà Lưu Thị Bình du khách đến từ Hà Nội phấn khởi khi đến với Lễ kỷ niệm Chiến thắng Bạch Đằng tại thị xã Quảng Yên sáng nay: “ Tôi rất tự hào vì ông cha ta đã chiến đấu, dựng và giữ nước cho đến bây giờ chúng ta phải học tập ông bà để giữ truyền thống của dân tộc.”

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định, khu di tích lịch sử Bạch Đằng là một trong 5 khu di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, là địa điểm ghi dấu sự kiện quân và dân nhà Trần lập nên Chiến thắng Bạch Đằng đánh tan quân Nguyên Mông ngày 09/4 (tức ngày 8/3 - Âm lịch năm 1288). Lễ kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng là hoạt động chính trị, văn hóa quan trọng, là sự tri ân những cống hiến, hy sinh cho sự bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước nhằm ôn lại truyền thống lịch sử, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần yêu nước, truyền thống tự hào của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Năm nay, 4 đội đến từ  huyện Thủy Nguyên, Cát Hải  (Hải Phòng), Vân Đồn, Thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) tham gia đua thuyền truyền thống trên sông Bạch Đằng.

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh:“Tỉnh Quảng Ninh sẽ quan tâm ưu tiên hơn nguồn lực từ ngân sách tỉnh để đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích đặc biệt Bạch Đằng và hoàn thành xây dựng các hạng mục trọng yếu. Các sở ngành và các địa phương cần chủ động phối hợp với thị xã Quảng Yên để thực hiện đầu tư, tôn tạo, bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử để Bạch Đằng mãi mãi xứng tầm là khu di tích quốc gia đặc biệt”.

Niềm vui của đội về nhất trong giải bơi chải truyền thống trên sông Bạch Đằng 2018.

Là một trong chuỗi các sự kiện nổi bật chào mừng Năm du lịch quốc gia 2018, Lễ kỷ niệm 1080 năm và 730  năm Chiến thắng Bạch Đằng đã đem lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách thập phương, đồng thời góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa quý báu của dân tộc. Từ nay đến hết ngày 24/4, Lễ kỷ niệm Chiến thắng Bạch Đằng còn diễn ra nhiều hoạt động thú vị khác như: Triển lãm ảnh nghệ thuật; Khai trương phố ẩm thực “Sông Chanh - Bến Ngự”; Tổng kết, trao giải cuộc thi tìm hiểu truyền thống Bạch Đằng; Chung kết hội thi người thuyết minh hay nhất về Quảng Yên... cùng các hoạt động văn nghệ, ca hát, tổ chức các trò chơi dân gian tại các điểm di tích./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lễ hội Đền Hùng 2018: Cam kết không còn “chặt chém”, ăn xin
Lễ hội Đền Hùng 2018: Cam kết không còn “chặt chém”, ăn xin

VOV.VN - Ngoài việc thực hiện chương trình chính diễn ra trong 5 ngày, Ban tổ chức lễ hội đền Hùng cam kết thực hiện "5 không".

Lễ hội Đền Hùng 2018: Cam kết không còn “chặt chém”, ăn xin

Lễ hội Đền Hùng 2018: Cam kết không còn “chặt chém”, ăn xin

VOV.VN - Ngoài việc thực hiện chương trình chính diễn ra trong 5 ngày, Ban tổ chức lễ hội đền Hùng cam kết thực hiện "5 không".