Chủ động đối phó với cơn bão số 3

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành cơn bão số 3, có tên quốc tế là Mindulle, sẽ gây mưa to tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Có những nơi lượng mưa lên đến 300 đến 400 mm, tập trung vào ngày 25 và 26/8.  

Theo thông báo khẩn của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng 23/8, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, cơn bão số 3, có tên quốc tế là Mindulle.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển khu vực quần đảo Hoàng Sa, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.
Từ chiều 23/8, vùng biển Nam Vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.

Từ chiều tối và đêm 23/8, vùng ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Thanh Hóa, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Dự báo vị trí và hướng đi và của bão số 3

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và còn có khả năng mạnh thêm.

Đến 7h ngày 24/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Trị khoảng 170km về phía Đông Đông Bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102km một giờ), giật cấp 11, cấp 12. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250km.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km.

Đến 7h ngày 25/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc, 105,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200km.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Đến 7h ngày 26/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc, 102,5 độ Kinh Đông, trên vùng thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ).

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp về phòng chống cơn bão số 3

Trước diễn biến của bão số 3, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương thường xuyên liên lạc với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh để nắm tình hình tầu thuyền, đôn đốc các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa Vũng Tàu thực hiện Công điện số 22/CĐ-TW ngày 21/8/2010 của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương-Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã có báo cáo nhanh về công tác triển khai phòng chống áp thấp nhiệt đới và kết quả kiểm đếm tàu thuyền trên biển.

Các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có công điện chỉ đạo đối phó và có báo cáo về việc triển khai phòng chống áp thấp nhiệt đới, kết quả thông báo, kiểm đếm các tàu thuyền hoạt động trên biển.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, sáng 23/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, bàn biện pháp đối phó cơn bão số 3.

Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các tỉnh, thành phố ven biển đã kêu gọi và hướng dẫn được 58.177 tàu thuyền, trong đó có 20 tàu của tỉnh Quảng Ngãi đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa. Hiện 10 tàu đang mất liên lạc.

Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia cảnh báo, cơn bão số 3 sẽ gây mưa lớn  kéo dài trước, trong và sau bão, thậm chí có những nơi lượng mưa lên đến 300 đến 400 mm, tập trung vào ngày 25 và 26/8. Do đó, các địa phương cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất; nhanh chóng di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng: “Chính quyền và người dân địa phương không được phép chủ quan. Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 1, các địa phương chỉ đạo quyết liệt, buộc những ngư dân cố tình ở lại lồng bè nuôi trồng thuỷ sản phải vào bờ, rà soát và cảnh báo nhân dân đang ở khu vực nguy hiểm“.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các bộ, ban ngành, địa phương khẩn trương kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển, theo dõi thường xuyên diễn biến cơn bão. Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng thông tin tình hình cơn bão, tránh người dân có tâm lý chủ quan.

Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực Bắc Trung bộ chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ, đề phòng mưa lũ gây chia cắt, chủ động triển khai việc di dời dân ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ: Các tỉnh phải rà soát lại các điểm mới có thể xảy ra nguy cơ sạt lở đất, đồng thời cần chỉ đạo các địa phương sơ tán dân khỏi lồng bè, sạt lở. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặc biệt lưu ý khẩn trương triển khai các phương án đối phó mưa lớn công tác phòng chống úng ngập ở khu vực đô thị và yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử các đoàn công tác kiểm tra và hỗ trợ lên phương án chống ngập lụt cho Hà Nội, thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá...

Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền; bằng mọi biện pháp thông báo cho kịp thời cho chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết thông tin về diễn biến của cơn bão để chủ động phòng tránh và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm được xác định phía Bắc vĩ tuyến 14, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tầu thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Các địa phương duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu và kiên quyết kêu gọi người dân đang đánh bắt và nuôi thuỷ sản ven lên bờ trú tránh vào nơi an toàn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên