Cơ hội học nghề, lập nghiệp cho lao động nông thôn

Đề án 1956 mà Chính phủ vừa phê duyệt là Đề án có quy mô lớn nhất từ trước tới nay hướng tới khu vực lao động nông thôn

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách lao động, việc làm, nhưng chênh lệch về mức sống giữa khu vực thành thị và nông thôn vẫn rất lớn. Đại bộ phận lao động nông thôn chưa qua đào tạo nghề. Trước thực tế đó, ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956). Chương trình Diễn đàn các vấn đề xã hội (Đài TNVN cuối tuần qua) đã đề cập vấn đề này, trong đó khẳng định, Đề án 1956 đã mở ra nhiều cơ hội học nghề, lập nghiệp cho lao động nông thôn.

Đề án 1956 tạo ra nhiều cơ hội học nghề, lập nghiệp cho lao động nông thôn

Mục tiêu tổng quát của Đề án 1956 tập trung vào các hợp phần đào tạo: lao động nông thôn làm việc ở khu vực nông nghiệp, lao động nông thôn làm việc ở khu vực phi nông nghiệp và bồi dưỡng đào tạo cán bộ công chức cấp xã, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm tăng thu nhập của lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn. Đây là Đề án có quy mô lớn nhất từ trước tới nay hướng tới khu vực lao động nông thôn, với số lượng đào tạo lớn nhất và trong thời gian dài nhất, gắn đào tạo nghề với dự báo xu hướng yêu cầu của thị trường lao động. Đây cũng là Đề án có sự hỗ trợ cho học viên, giáo viên nhiều nhất từ trước tới nay. Toàn bộ Đề án hướng đến mục tiêu trung bình mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã. Khi Đề án kết thúc vào năm 2020, sẽ đào tạo nghề cho gần 10 triệu lao động khu vực nông nghiệp và 1 triệu cán bộ cấp xã. Để thực hiện Đề án 1956, Nhà nước chi ngân sách xấp xỉ 26.000 tỷ đồng.

Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH thống nhất xây dựng danh mục 180 nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp để dạy nghề cho lao động nông thôn, đồng thời triển khai xây dựng chương trình tài liệu học nghề năm 2010 đối với 25 loại nghề phổ biến ở 3 miền đất nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác đào tạo nghề quốc gia nhấn mạnh, đây là chương trình quy mô lớn với mục tiêu đào tạo bình quân 1 triệu lao động nông thôn/năm và liên tục trong 10 năm. Bởi vậy, cần phải tổ chức hết sức tập trung và khoa học để tạo nên sự chuyển biến, chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn, cung cấp nhân lực cho công cuộc CNH - HĐH đất nước. Hiện nay, các địa phương đang gấp rút triển khai Đề án. Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 30/6/2010, có 44 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ phê duyệt phương án điều tra, 5 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đã hoàn thành công tác điều tra nhu cầu học nghề trên địa bàn./.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên: Đã dự kiến phân bổ kinh phí đầu tư cho các trung tâm dạy nghề

Chúng tôi đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành chỉ thị chỉ đạo các cấp ủy Đảng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thái Nguyên cũng đã tổ chức một hội nghị để triển khai việc thực hiện Đề án 1956 tới tất cả các cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện. Mặc dù chịu nhiều sức ép về mặt thời gian nhưng đến nay, Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành xong phần điều tra nhu cầu học nghề đối với các cơ sở. Thái Nguyên đã lựa chọn 3 huyện điểm để triển khai Đề án. Sở LĐ-TB&XH cũng đã chủ động xây dựng định mức về kinh phí thực hiện Đề án 1956 để trình Sở Tài chính thẩm định. Chúng tôi cũng đã dự kiến phân bổ nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm dạy nghề trên địa bàn để thực hiện Đề án 1956.

Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa: Ba khó khăn cơ bản

Trong quá trình triển khai Đề án, chúng tôi gặp 3 khó khăn cơ bản. Thứ nhất, các đối tượng lao động nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng núi còn đang rất lúng túng trong việc xác định nghề học. Thứ hai, với một số đối tượng ở vùng ven biển, do đặc thù nghề làm theo mùa vụ nên họ rất khó khăn trong việc sắp xếp thời gian tham gia việc học nghề. Thứ ba, nhiều lao động nông thôn băn khoăn do dự trong việc tham gia các khóa học nghề vì họ không biết học nghề ra có tìm được việc làm hay không.

Ông Vũ Đình Khang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Hải Phòng: Triển khai thực hiện tốt ở hai huyện điểm để nhân rộng mô hình

Chúng tôi đã làm xong công tác điều tra cơ bản ở hai huyện điểm là huyện Vĩnh Bảo và huyện An Dương.  Huyện Vĩnh Bảo là huyện thuần nông, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra chậm. Còn huyện An Dương có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, có nhiều khu công nghiệp lớn tập trung. Chúng tôi sẽ cố gắng triển khai thực hiện Đề án 1956 ở hai huyện điểm thật tốt. Thông qua mô hình điểm, chúng tôi sẽ tổ chức rút kinh nghiệm và nhân rộng ra ở các huyện khác.

Bà Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Đáp ứng được nguyện vọng của người dân

Hiện nay, đa phần lao động nông thôn không có tay nghề, đặc biệt số lao động trên 40 tuổi trình độ văn hóa thấp nhưng có nhu cầu học nghề cao. Riêng thị trấn Phước Bửu có khoảng 600 lao động nông nghiệp cần học nghề, nhưng cái khó nhất là họ không thích chuyển sang làm ngành nghề khác mà muốn học nghề nông nghiệp để có công việc, thu nhập ngay tại nhà, không phải đi xa. Vì vậy, chính sách ưu đãi về vay vốn tín dụng cho lao động nông thôn, nhất là đối với số lao động sau khi học xong tiếp tục làm nông nghiệp của Đề án sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người dân.


Bà Phạm Thị Hằng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên:
Gắn tuyên truyền với dạy nghề

Người học nghề ở khu vực nông thôn vẫn có quan niệm sau khi học nghề, nơi đào tạo nghề phải giới thiệu việc làm với nguồn thu nhập ổn định cho họ. Còn học nghề mà chưa biết công việc sau này ra sao thì họ không muốn học. Vì vậy, việc thực hiện Đề án 1956 cần phải có thời gian tuyên truyền để người dân hiểu và thay đổi quan niệm. Nếu công tác tuyên truyền không được chú ý thì việc triển khai dạy nghề, học nghề cũng kém hiệu quả. Hiện tại, Kim Động chưa có trung tâm dạy nghề mà chỉ có trung tâm giáo dục thường xuyên. Vì thế, chúng tôi phải hoạt động theo chương trình do tỉnh đưa về. Kim Động đã có đề án đề nghị trên hỗ trợ kinh phí xây dựng cho huyện một trung tâm dạy nghề để chúng tôi chủ động trong các hoạt động./.

Chính sách đối với người học

- Lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học/người; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khoá học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15km trở lên;

- Lao động nông thôn thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học;

- Lao động nông thôn khác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học;

- Lao động nông thôn học nghề được vay để học theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Lao động nông thôn làm việc ổn định ở nông thôn sau khi học nghề được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay để học nghề.

(Theo Đề án 1956)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên