Đã có 150 trí thức trẻ đăng ký làm Phó Chủ tịch xã nghèo

Các trí thức trẻ bày tỏ nhiệt huyết được đem sức lực, tài năng góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các xã thuộc 62 huyện nghèo.

Hàng trăm câu hỏi của sinh viên, du học sinh, những người từng công tác trong các dự án ở huyện nghèo… đã gửi đến buổi Tọa đàm trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 26/5.

Tọa đàm có sự tham gia của Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đại diện Sở Nội vụ các tỉnh: Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La…

Qua 1 tháng tiếp nhận hồ sơ, đến nay, Ban Quản lý dự án và Sở Nội vụ các tỉnh, thành đã nhận được gần 150 hồ sơ đăng ký của trí thức trẻ.

Tại tọa đàm, nhiều trí thức trẻ đăng ký tham gia dự án bày tỏ nhiệt huyết được đem sức lực, tài năng góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các xã thuộc 62 huyện nghèo. Bạn Bùi Thị Hải, dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp đăng ký xét tuyển, chia sẻ: “Tôi thấy dự án này thu hút và đã thúc đẩy tôi tham gia. Tôi đăng ký về huyện Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên, và với kiến thức nông nghiệp đã học tôi sẽ giúp bà con nông dân phát triển lĩnh vực này. Tôi cũng là người vùng cao dân tộc nên đã lường trước những khó khăn”.

Tuy nhiên, không ít bạn trẻ còn chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về Dự án, nên các câu hỏi gửi về buổi Tọa đàm nêu những thắc mắc về: tiêu chuẩn của đội viên dự án, cách thức để các du học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài đăng ký, quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia dự án, chế độ chính sách khi kết thúc nhiệm kỳ làm Phó Chủ tịch xã…

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định, quá trình xét tuyển công bằng, khách quan, thể hiện qua việc tổ chức và thực hiện dự án. Đó là địa phương trực tiếp tuyển dụng, sau này là trực tiếp đánh giá, nhận xét đội viên. Kết quả xét tuyển của Hội đồng địa phương sẽ gửi về Bộ Nội vụ, ban quản lý sẽ thẩm định. Khi được tuyển chọn, những người này được tập huấn về lý thuyết và thực tế trong 3 tháng. Về quyền lợi của đội viên khi hoàn thành tốt nhiệm vụ được đảm bảo bằng cơ chế của Nhà nước mà Thủ tướng đã ban hành cơ chế xác định rõ quyền lợi. Không thể có chuyện các địa phương tùy ý không thích, không dùng.

Là một trong những địa phương tham gia Dự án, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái cho biết, ngoài trình độ chuyên môn, địa phương đặt cao yêu cầu về phẩm chất đạo đức, tinh thần xung kích tình nguyện đối với các trí thức trẻ.

Được Thủ tướng phê duyệt từ 1/2011, Dự án 600 trí thức trẻ sẽ mang ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi xuân tỏa đi mọi miền Tổ quốc, sát cánh cùng đồng bào ở những nơi vất vả, khó khăn nhất, cống hiến sức trẻ xây dựng đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên