Đài Tiếng nói Việt Nam: Những công việc thầm lặng trong chiến tranh

VOV.VN - Trong thời kỳ chống Mỹ, Đài phát thanh Việt Nam phát sóng trên đất bạn bằng máy móc và thiết bị kỹ thuật của nước bạn Trung Quốc.

Đài Tiếng nói Việt Nam đã trải qua 70 năm hình thành và phát triển. 70 năm ấy quả là có không ít những điều đáng nói về những đóng góp lớn lao của những thế hệ lãnh đạo, phóng viên, nhân viên và kỹ thuật viên cho làn sóng phát thanh liên tục phát triển cùng với sự phát triển của đất nước. Và, trong sự nghiệp chung ấy, có thể nào không nhắc lại những công việc lặng thầm...

Những tháng cuối năm 1972, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, dùng không quân đánh phá ác liệt miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Đài Tiếng nói Việt Nam trở thành mục tiêu hàng đầu của không quân Mỹ. Trong nấc thang điên cuồng này, Mỹ tuyên bố sẽ “đóng cửa, bịt mồm, đánh nhừ đòn” miền Bắc nước ta, và chúng đã phong toả các cảng biển, đánh phá Đài phát thanh và tập trung ném bom ác liệt xuống Thủ đô Hà Nội. Thực hiện dã tâm này, Mỹ đã dùng máy bay B52 ném bom vào các cơ sở phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đài phát sóng bị bắn tên lửa và ném bom chín lần, trong đó máy bay B52 ném bom sáu đợt. Đài Bạch Mai bị ném bom bốn lần và ác liệt nhất là ngày 20/12/1967 bị máy bay B52 của Mỹ ném bom rải thảm.

Đài TNVN đóng góp quan trọng trong chiến thắng 30/4/1975

Trước sự điên cuồng đánh phá của giặc Mỹ, cán bộ công nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đã kiên cường cùng với quân và dân Hà Nội đánh trả quyết liệt máy bay Mỹ, đồng thời dũng cảm khôi phục cơ sở vật chất, sửa chữa máy móc thiết bị, đảm bảo làn sóng Tiếng nói Việt Nam chỉ bị gián đoạn 9 phút. Tuy nhiên, sau các đợt oanh tạc của máy bay Mỹ, việc khôi phục các cơ sở phát sóng này trở lại hoạt động như cũ đòi hỏi phải có thời gian, trong khi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ chưa biết sẽ còn kéo dài đến bao giờ và mức độ ác liệt sẽ diễn biến đến đâu. Chính vì thế, vào thời điểm ấy Đài Tiếng nói Việt Nam đã đề ra một phương án rất táo bạo và độc đáo trong lịch sử phát thanh nước ta. Đó là, với sự giúp đỡ của Trung Quốc, Đài Tiếng nói Việt Nam đã cử một đoán cán bộ, biên tập viên, phát thanh viên và công nhân kỹ thuật sang làm việc tại Côn Minh. Đoàn công tác này có tên là Đoàn 59, bao gồm 100 người và do đồng chí Lê Quý, lúc đó là Phó Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, làm Trưởng đoàn. Nhiệm vụ của Đoàn 59 là biên soạn và dàn dựng các chương trình phát thanh đối nội và đối ngoại, dùng cơ sở vật chất và kỹ thuật của Trung Quốc để phát sóng trở lại trong nước và ra nước ngoài. Thực chất, đây là một Đài phát thanh Việt Nam phát sóng trên đất bạn bằng máy móc và thiết bị kỹ thuật của nước bạn. Tin tức, tài liệu... để xây dựng các chương trình phát thanh ở Côn Minh được chuyển từ Hà Nội sang, bằng các phương pháp “thô sơ” lúc đó (bởi vào thời điểm ấy làm gì đã có điện thoại di động và quốc tế, làm gì đã có fax và internet...). Tin tức thời sự được đọc chậm cho Đoàn 59, một số tài liệu và chỉ thị thì chuyển bằng liên lạc vô tuyến điện giữa Bộ Biên tập ở Hà Nội cho Lãnh đạo Đoàn 59, các báo chí, tài liệu, băng ghi âm các chương trình phát thanh chuyên mục thu tại Hà Nội được vận chuyển sang Côn Minh bằng đường bộ...

Những năm tháng ấy tôi làm việc tại Phòng Thành thị miền Nam của Ban Biên tập miền Nam. Hàng ngày, Phòng Thành thị miền Nam thực hiện một chương trình phát thanh “Thành thị miền Nam” với thời lượng 30 phút, phát sóng vào lúc 19 giờ. Đầu năm 1973, cùng với việc duy trì chương trình phát sóng hàng ngày ở Hà Nội, chúng tôi còn có nhiệm vụ chuyển nội dung các chương trình sang cho các bạn đồng nghiệp ở Côn Minh. Ở bên đó, các bạn đồng nghiệp của Đoàn 59 sẽ xây dựng chương trình Thành thị miền Nam, tương tự như chương trình thực hiện ở Hà Nội, nhưng phát sóng chậm 30 phút so với chương trình ở Hà Nội. Công việc này kéo dài từ đầu năm 1973 cho tới tháng 6/1974 mới kết thúc.

Hằng ngày, vào mỗi buổi chiều anh chị em chúng tôi phải đọc chậm các tin tức, bài vở sang Côn Minh. Phòng đọc chậm được bố trí ở tầng hầm nhà 39 phố Bà Triệu - Hà Nội. Đây là một ngôi nhà bốn tầng mà tầng hầm được xây dựng nửa chìm, nửa nổi. (Ngôi nhà này về sau đã được phá dỡ do bị xuống cấp). Căn phòng đọc chậm vì thế rất ẩm ướt và vào mùa hè thì rất nóng bức. Từ căn phòng này, đến giờ liên lạc, chúng tôi lần lượt đọc chậm các văn bản cho các đồng nghiệp bên Côn Minh chép lại, cho tới khi hết văn bản của một chương trình phát thanh 30 phút. Đường liên lạc suôn sẻ đã “toát mồ hôi hột”, vì cứ vài từ hay một cụm từ chúng tôi phải đọc đi, đọc lại ba, bốn lần cho các bạn bên Côn Minh chép đúng và chép đủ. Thậm chí có những từ khó nghe, những từ quan trọng hoặc dễ bị hiểu sai nghĩa thì phải đánh vần từng ký tự. Cứ như thế cho tới khi bên Côn Minh báo về là đã nhận đủ, mới thôi.

Có một lần, tôi chỉ mới đọc được một đoạn thì đường dây liên lạc bị đứt quãng. Khổ nỗi, tôi hoàn toàn không hay biết sự cố này. Cứ đọc cho hết văn bản của một chương trình 30 phút. Như mọi lần, tôi đang thu xếp văn bản để về, thì chị liên lạc từ tầng ba chạy xuống, nói giọng hớt hải:

          - Anh Khải ơi, bên kia báo về chưa nhận được một từ nào đâu. Anh phải đọc lại từ đầu nhé.

Buồn thế. Nhưng chả còn cách nào khác là phải đọc lại từ đầu. Nóng bức, ngột ngạt và mệt mỏi. Nhưng, khó mấy cũng phải làm. Đồng nghiệp bên kia đang chờ. Và quan trọng hơn là bạn nghe đài ở miền Nam đang chờ nghe chương trình phát thanh Thành thị miền Nam vẫn phát sóng hàng ngày. Mà đâu phải chỉ riêng tôi. Các bạn đồng nghiệp của tôi ở Ban miền Nam vẫn phải làm việc này hàng ngày, và cũng đã có người chẳng may gặp trục trặc như tôi. Tất cả chúng tôi đều cố gắng làm công việc thầm lặng, kiên trì và hết sức nhẫn nại, cho Tiếng nói Việt Nam không bao giờ mất sóng.

Đọc chậm văn bản cho các đồng nghiệp ở Côn Minh là một việc. Còn một việc nữa. Ấy là làm “giao liên”. Tức là vận chuyển các băng nhạc, băng ghi âm các chương trình đã được thu ở Hà Nội cùng nhiều loại tài liệu khác cho các bạn ở Côn Minh. Phương tiện vận chuyển ngày ấy là tàu hỏa. Mỗi tuần có một chuyến giao liên. Thông thường, mỗi chuyến giao liên có hai người đi “áp tải” hàng, gồm một kỹ thuật viên và một biên tập viên.

Lần đầu tiên tôi đi làm giao liên cùng anh Thanh Như, kỹ thuật viên của Trung tâm Âm thanh. “Hàng đặc biệt” được đóng vào hai cái thùng gỗ, chuyển ra ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ). Buổi tối chúng tôi đưa hai thùng hàng lên tàu. Ngành đường sắt sắp xếp cho chúng tôi lên một toa xe chở hàng. Đó là một cái toa tàu không có ghế ngồi, chỉ có mặt sàn bụi bẩn và nhớp nháp. Chúng tôi được giành cho một khoảng trống nho nhỏ, xen kẽ giữa những chồng hàng hóa chất ngất của nhà tàu. Tôi và anh Như bảo nhau “phải tự cứu lấy mình” thôi. Hai anh em tìm cái chổi rơm quét dọn chỗ của mình, khênh hai thùng hàng lên loay hoay kê kích và sắp xếp lấy chỗ trải cái chiếu rách để thay nhau tranh thủ nằm chợp mắt trên suốt hành trình từ Hà Nội đi Lào Cai. Những ai đã từng đi tàu hỏa vào những ngày chiến tranh ấy (thậm chí là nhiều năm sau trong thời bao cấp nữa) hẳn không thể quên cái “tốc độ rùa bò” của tàu hỏa nước ta. Từ Hà Nội, chúng tôi đã phải vất vưởng vạ vật trên tàu, đói khát và thiếu ngủ hơn một ngày, một đêm. Rồi thì cũng tới ga Lào Cai. Chúng tôi chuyển hai thùng hàng lên cầu Cốc Lếu. Ở đó, các bạn đồng nghiệp từ Côn Minh xuống nhận hàng. Bàn giao hàng xong, tôi và anh Như lại lên tàu, tiếp tục cuộc hành trình theo tốc độ “rùa bò” với không ít vất vả trên tàu để về Hà Nội.

Đã 40 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam đã thu về một mối. Hơn 40 năm qua, cùng với sự phát triển của tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội của đất nước, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã đổi mới mạnh mẽ và vươn lên không ngừng. Bây giờ, nhớ lại những ngày làm báo phát thanh khi đất nước còn chưa ra khỏi chiến tranh, không thể nào quên những công việc vất vả, thậm chí là còn có phần thô sơ trong hoàn cảnh chưa có những điều kiện về khoa học, kỹ thuật hiện đại và tiên tiến như ngày nay. Nhưng, phải chăng chính nhờ những bước đi “thô mộc” của ngày ấy, nhờ những “công việc lặng thầm” vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của cả một đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên... Đài Tiếng nói Việt Nam đã đóng góp không nhỏ vào chiến công chung của toàn dân tộc ta cho ngày dất nước vẹn toàn và phát triển mạnh mẽ như hôm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hình ảnh: Tôn vinh các điển hình thi đua yêu nước của VOV
Hình ảnh: Tôn vinh các điển hình thi đua yêu nước của VOV

VOV.VN - Sáng 21/8, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV và tuyên dương nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.

Hình ảnh: Tôn vinh các điển hình thi đua yêu nước của VOV

Hình ảnh: Tôn vinh các điển hình thi đua yêu nước của VOV

VOV.VN - Sáng 21/8, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV và tuyên dương nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.

VOV.VN gặp mặt kỷ niệm 70 năm thành lập Đài TNVN
VOV.VN gặp mặt kỷ niệm 70 năm thành lập Đài TNVN

VOV.VN - Báo điện tử VOV vừa tổ chức chương trình gặp mặt kỷ niệm 70 năm thành lập Đài TNVN nhằm ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của Đài quốc gia và tri ân các cán bộ, phóng viên, cộng tác viên, đối tác và bạn đọc đã góp phần tạo nên thành công của VOV.VN.

VOV.VN gặp mặt kỷ niệm 70 năm thành lập Đài TNVN

VOV.VN gặp mặt kỷ niệm 70 năm thành lập Đài TNVN

VOV.VN - Báo điện tử VOV vừa tổ chức chương trình gặp mặt kỷ niệm 70 năm thành lập Đài TNVN nhằm ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của Đài quốc gia và tri ân các cán bộ, phóng viên, cộng tác viên, đối tác và bạn đọc đã góp phần tạo nên thành công của VOV.VN.

VOV ra mắt bộ 3 cuốn sách kỷ niệm 70 năm thành lập
VOV ra mắt bộ 3 cuốn sách kỷ niệm 70 năm thành lập

VOV.VN -Theo Tổng Giám đốc VOV: Bộ 3 cuốn sách được coi là “Bảo tàng nho nhỏ” bằng ngôn ngữ để tri ân các thế hệ đi trước nhân kỷ niệm 70 thành lập.

VOV ra mắt bộ 3 cuốn sách kỷ niệm 70 năm thành lập

VOV ra mắt bộ 3 cuốn sách kỷ niệm 70 năm thành lập

VOV.VN -Theo Tổng Giám đốc VOV: Bộ 3 cuốn sách được coi là “Bảo tàng nho nhỏ” bằng ngôn ngữ để tri ân các thế hệ đi trước nhân kỷ niệm 70 thành lập.