“Đất nước luôn trọng dụng và ưu đãi nhân tài”

Chúng ta luôn có cơ chế, chính sách với người tài năng, trong đó có các học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài.

Lưu học sinh muốn tìm việc làm trong nước

Nhiều năm gần đây, xu thế Việt kiều, lưu học sinh trở về quê hương làm việc ngày càng nhiều. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự phát triển, vị thế của Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh.

Trong cuộc giao lưu trực tuyến với lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài mới đây do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức, nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề về việc làm trong nước được các lưu học sinh hết sức quan tâm là minh chứng cho điều đó.

Lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm (Ảnh: internet)

Tại cuộc giao lưu, cơ hội việc làm khi trở về nước là mối quan tâm của lưu học sinh. Đó là nhu cầu được tư vấn về việc làm trong nước phù hợp với khả năng chuyên môn được đào tạo tại nước ngoài; hay vấn đề lưu học sinh có thể thích nghi được với môi trường làm việc khi trở về nước. Nhiều lưu học sinh bộc bạch, chính việc không hiểu môi trường làm việc trong nước sẽ khiến họ e ngại và quyết tâm ở lại tìm kiếm việc làm ở nước sở tại.

Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Vang- Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (ĐTVNN)- Bộ Giáo dục& Đào tạo cho biết, lưu học sinh sẽ được tạo điều kiện tốt nhất khi có nhu cầu về làm việc trong nước. Đối với lưu học sinh trước khi đi học chưa có cơ quan công tác sẽ được giới thiệu về các trường đại học mà họ từng là sinh viên để ưu tiên cho các trường tuyển dụng làm giảng viên. Hoặc Cục sẽ giới thiệu cho các cơ quan có nhu cầu tuyển dụng gửi đến Cục để giới thiệu lưu học sinh xin việc tại các cơ quan khối Nhà nước.

GS Ngô Bảo Châu là ví dụ về ưu đãi nhân tài

Đãi ngộ nhân tài, tạo điều kiện cho họ phát huy sở trường được đào tạo cũng là vấn đề được nêu ra trong buổi giao lưu. Nhiều lưu học sinh băn khoăn với những nhân tài khi về nước họ có điều kiện để phát huy khả năng của mình hay không?, cũng như cơ sở vật chất trong nước có thể đáp ứng được những đòi hỏi về chuyên môn mà họ được đào tạo.

Về vấn đề này, ông Vũ Đăng Minh- Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên- Bộ Nội vụ nhìn nhận, thực tế nhiều quốc gia gửi du học sinh đi học ở các nước có nền khoa học phát triển và kỳ vọng sau khi tốt nghiệp, họ sẽ trở về xây dựng Tổ quốc. Song, thực tế cho thấy số học sinh về nước sau khi tốt nghiệp là không nhiều. Phần lớn trong số đó tiếp tục học hoặc tranh thủ làm việc cho các trường đại học, các công ty của nước ngoài để có điều kiện nắm bắt, củng cố thêm kiến thức và kinh nghiệm.

Ông Vũ Đăng Minh- Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên- Bộ Nội vụ trong buổi giao lưu trực tuyến tại Trung ương Đoàn

Tuy nhiên, khi đã hội tụ được đầy đủ những điều kiện cần thiết, họ có những cách thức để trở về quê hương, xây dựng và đóng góp cho Tổ quốc.

Đối với chính sách ưu đãi nhân tài của Nhà nước ta hiện nay, ông Minh cho biết, Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng với người có tài năng. Giáo sư Ngô Bảo Châu là một ví dụ điển hình.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề án chính sách mới. Ông Minh bộc bạch: “Chúng tôi hy vọng, sau khi đề án này được thông qua, sẽ có những cơ chế, chính sách cụ thể với người có tài năng, trong đó có các học sinh, sinh viên của chúng ta đang học tập ở nước ngoài”.

Trong điều kiện nền kinh tế- xã hội Việt Nam hiện nay, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện đại chưa thể bằng các nước tiên tiến. Tuy nhiên để khắc phục điều này, Nhà nước cũng có nhiều chủ trương, chính sách cởi mở và thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà khoa học hợp tác, nghiên cứu với các nhà khoa học trên thế giới, để giải quyết những đề tài khoa học.

“Đối với những người muốn cống hiến cho đất nước, Đảng và Nhà nước luôn có chủ trương nhất quán trong sử dụng, đãi ngộ xứng đáng với tài năng của từng người”, ông Minh cho biết thêm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên