Nhà báo A Lăng Duy: Tự hào được đồng bào coi như con

VOV.VN - Nhà báo A Lăng Duy đã góp phần đưa chương trình này trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Cơ Tu

Chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu từng đoạt 2 giải Bạc, 1 giải Đồng, 1 giải Nhất Liên hoan Phát thanh toàn quốc và 2 giải Nhất giải Báo chí Huỳnh Thúc Kháng, tỉnh Quảng Nam. Mới đây, tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XII (2016), với tác phẩm “Câu hát tình đời”,  chương trình tiếng Cơ Tu lại tiếp tục đoạt giải Vàng.

Nhà báo A Lăng Duy Thanh Hằng (thứ 3 bìa trái) cùng một số anh chị em chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu. (Ảnh: P.V).

Nhà báo A Lăng Duy (tên thật là Thanh Hằng), Trưởng phòng tiếng dân tộc, Cơ quan thường trú Đài TNVN khu vực miền Trung gắn bó với chương trình Cơ Tu từ khi thành lập đến nay. Anh đã góp phần đưa chương trình này trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Cơ Tu, cũng như gặt hái được nhiều giải thưởng báo chí.

PV: Khi được giao phụ trách chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu, điều anh lo lắng nhất là gì?

Nhà báo A Lăng Duy: Năm 2009, Cơ quan thường trú Đài TNVN khu vực miền Trung là đơn vị duy nhất của khối các cơ quan thường trú trong nước không sản xuất chương trình phát thanh, chỉ sản xuất tin, bài rồi gửi ra Hà Nội. Anh Nguyễn Chu Nhạc - khi đó là Giám đốc Cơ quan hỏi: Các cậu có làm được chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu không? Tôi gật đầu ngay lập tức vì thấy rất hứng thú với công việc này. Và lãnh đạo cơ quan đã quyết định tổ chức phát sóng chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu trong điều kiện không tăng biên chế, kinh phí.

Sau khi đi học hỏi chương trình dân tộc thiểu số của cơ quan thường trú bạn, tôi càng tin chúng tôi sẽ làm được. Điều tôi lo lắng nhất là các em biên dịch, phát thanh viên Cơ Tu mới tuyển không đáp ứng được yêu cầu công việc. Rất may sau gần 3 tháng đào tạo cấp tốc, tôi có thể tạm thời yên tâm. Dự kiến ban đầu là một tuần sản xuất 3 chương trình, sau khi làm thử nghiệm thành công, chúng tôi sản xuất mỗi ngày một chương trình ngay từ ngày đầu phát sóng (tháng 9/2009).

PV: Gắn bó với bà con Cơ Tu nhiều năm, lấy bút danh là A Lăng Duy, anh đã tự coi mình như một người con của dân tộc Cơ Tu?

Nhà báo A Lăng Duy: Anh Nguyễn Chu Nhạc là một người dày dạn kinh nghiệm về sản xuất chương trình phát thanh đã hướng dẫn chúng tôi những bước đi đầu tiên, và cũng chính anh yêu cầu toàn bộ biên dịch viên, phát thanh viên lấy tên Cơ Tu xuất hiện trên sóng để tạo sự gần gũi hơn với thính giả. Bút danh A Lăng Duy xuất hiện trong thẻ nhà báo của tôi từ ấy. A Lăng là họ thông dụng của đồng bào Cơ Tu. Duy là tên con trai tôi.

Tuy nhiên, cái tên hoặc bút danh không nói lên điều gì. Kể từ ngày nhận nhiệm vụ này, tôi đi sâu tìm hiểu về văn hóa, con người Cơ Tu, thậm chí học tiếng Cơ Tu để tiện giao tiếp với thính giả. Tôi quan niệm khi đã làm việc gì là làm hết mình với tất cả sự hứng thú. Tôi rất vui khi được nhiều thính giả Cơ Tu và bà con Cơ Tu ở những nơi chúng tôi đến công tác yêu quý và coi tôi như một người con của dân tộc họ. Danh sách bạn bè trong facebook của tôi phần lớn là thính giả Cơ Tu. Mạng xã hội là một phương tiện chính để chúng tôi tiếp cận với thính giả thân yêu của mình.

PV: Đến với bà con dân tộc thiểu số, phóng viên cần chuẩn bị như thế nào để công việc đạt hiệu quả cao nhất, thưa anh?

Nhà báo A Lăng Duy: Tôi thường bảo các em phóng viên, biên tập viên Cơ Tu là khi được phân công viết về cái gì, các em phải thu thập tất cả tài liệu liên quan để hình có dung ban đầu về đề tài được giao. Phải chịu khó xuống tận các bản làng, gặp gỡ người dân thì mới tìm được chi tiết hay cho bài viết, và quan trọng là bài viết mới có hơi thở cuộc sống. Xuống cơ sở, mình cố gắng hòa đồng với bà con ở mức độ cao nhất thì việc lấy tư liệu sẽ thuận lợi.

PV: Khi tiếp cận, phỏng vấn người dân tộc thiểu số nói chung và người Cơ Tu nói riêng, phóng viên cần lưu ý điều gì, thưa anh?

Nhà báo A Lăng Duy: Bà con dân tộc thiểu số rất ngại giao tiếp nên thường rụt rè. Nhưng chỉ cần mình chào hỏi bà con bằng tiếng của họ, sẵn sàng ngồi bệt xuống sàn nhà dù không được sạch lắm, hoặc ăn cùng họ rổ khoai, rổ bắp luộc… là họ cảm thấy gần gũi. Ví dụ, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, một đoàn phóng viên các báo, đài đến biên giới Việt - Lào (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), trong khi các phóng viên báo bạn phỏng vấn người dân, họ cứ lắc đầu quầy quậy, thì  tôi và một phóng viên chương trình tiếng Cơ Tu phỏng vấn bà con trả lời rất thoải mái. Đơn giản là vì ở trên ấy cả làng chuyền tay nhau một cái điếu cày. Nhiều phóng viên thấy mất vệ sinh, nhưng chúng tôi mượn điếu cày của họ hút không chút e dè và chúng tôi còn nói tiếng Cơ Tu nên được bà con tin tưởng. Chúng tôi không có kinh nghiệm gì to tát ngoài sự hòa đồng.

PV: Vì sao trang thông tin điện tử Cơ Tu phải sử dụng song ngữ Cơ Tu - Việt?

Nhà báo A Lăng Duy: Chúng tôi xác định trang thông tin điện tử Cơ Tu, đối tượng chính là giới trẻ hoặc trung niên, bao gồm học sinh, sinh viên, trí thức -  những người biết sử dụng internet. 10 bạn trẻ Cơ Tu thì cả 10 có thể nghe tiếng Cơ Tu, nhưng chỉ có chưa tới một nửa biết đọc chữ Cơ Tu. Việc kết hợp song ngữ giúp họ thuận lợi khi tiếp nhận thông tin, vừa có thể đọc chữ Cơ Tu vừa nghe băng âm thanh để rèn luyện ngôn ngữ dân tộc mình.

Không chỉ có dân ca Cơ Tu, chúng tôi còn đáp ứng nhu cầu âm nhạc đa dạng của giới trẻ bằng ca khúc nhạc nhẹ, ca nhạc theo yêu cầu, không chỉ có file âm thanh mà còn có cả các clip ở nhiều thể loại. Mình phải “tấn công” giới trẻ ở phần giải trí, từ đó mới kéo họ đến phần tin tức, thời sự và các chuyên mục khác.

PV: Gần 7 năm phát sóng, chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu được bà con đón nhận như thế nào, thưa anh?

Nhà báo A Lăng Duy: Đó là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Cơ Tu. Họ thường xuyên gọi điện đến chương trình. Tiết mục thính giả yêu thích nhất là “Dưới mái nhà Gươl” - hay sử dụng hình thức tiểu phẩm, kịch ngắn.

 Do nhiều nơi phủ sóng không được tốt, bà con không nghe đài trực tiếp được nên chúng tôi sử dụng triệt để trang thông tin điện tử Cơ Tu. Hiện tại, lượng truy cập trang thông tin điện tử Cơ Tu ở mức 60 - 70 ngàn lượt/tháng. Theo thống kê của VOV4, đây là con số dẫn đầu trong 12 thứ tiếng dân tộc thiểu số phát sóng hiện nay.

PV: Cảm ơn anh!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhà báo Thiên Nga: Tôi hạnh phúc khi các em gọi là mẹ
Nhà báo Thiên Nga: Tôi hạnh phúc khi các em gọi là mẹ

VOV.VN -24 năm gắn bó với chương trình phát thanh thiếu nhi, nhà báo Thiên Nga gần gũi với thiếu nhi đến mức nhiều em gọi chị là mẹ một cách tự nhiên.

Nhà báo Thiên Nga: Tôi hạnh phúc khi các em gọi là mẹ

Nhà báo Thiên Nga: Tôi hạnh phúc khi các em gọi là mẹ

VOV.VN -24 năm gắn bó với chương trình phát thanh thiếu nhi, nhà báo Thiên Nga gần gũi với thiếu nhi đến mức nhiều em gọi chị là mẹ một cách tự nhiên.