Để phát triển bền vững tài nguyên nước

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Tài nguyên nước phải được coi trọng thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiêm Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước tại Hội thảo cấp cao đánh giá tổng quan ngành nước Việt Nam, do Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước (NWRC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các nhà tài trợ phối hợp tổ chức tại Hà Nội, ngày 29/10/2008.

Hội thảo này là cơ sở quan trọng đánh giá hiện trạng, các vấn đề còn tồn tại trong ngành nước Việt Nam; đồng thời đưa ra các giải pháp với mục tiêu giúp nước ta đạt được phát triển bền vững tài nguyên nước, tiến tới xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững tài nguyên nước.

Dự hội thảo có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiêm Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước; lãnh đạo nhiều Bộ, ngành ở Trung ương và Hà Nội; các nhà tài trợ quốc tế do ADB đứng đầu; Đại sứ quán các nước Hà Lan, Đan Mạch, Australia, Bỉ, Na Uy, Italy, Nam Phi, Thụy Điển, Pháp cùng các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Việt Nam không phải là quốc gia giàu tài nguyên nước vì phụ thuộc nhiều vào nguồn nước của các sông quốc tế. Cũng như các loại tài nguyên khác, tài nguyên nước phải được coi trọng thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Hội thảo này là dịp để mỗi thành viên Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ ngày càng nặng nề của mình. Để triển khai hiệu quả dự án đánh giá ngành nước Việt Nam sau gần một năm thực hiện, cơ quan tư vấn nước ngoài cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hoàn thiện báo cáo kết quả dự án; trên cơ sở đó, trình Chính phủ (dự kiến đầu năm 2009) xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững tài nguyên nước. Phó Thủ tướng lưu ý: Báo cáo dự án sẽ tiếp tục được gửi cho các Bộ, ngành nghiên cứu, góp ý... và có như vậy chương trình mục tiêu quốc gia mới đạt hiệu quả thiết thực.

Các đại biểu dự hội thảo thống nhất rằng dự án đánh giá ngành nước cho thấy Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề đe dọa đến sự bền vững của những nguồn nước. Đặc biệt, thực trạng khai thác nước dưới đất ở mức cao gây nên sự sụt giảm mực nước nhanh chóng ở các vùng quanh Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Tây Nguyên. Theo thống kê, hiện có khoảng 8,5 triệu người ở các đô thị không được tiếp cận với nước sạch, 21 triệu người dân nông thôn không được sử dụng nước hợp vệ sinh và 41 triệu người không được cấp nước theo tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế...

Các đại biểu dự hội thảo đã tập trung làm rõ 5 nhóm giải pháp và đề xuất các biện pháp ưu tiên tiến hành để ngành nước đóng góp hiệu quả cho mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Đó là: củng cố hệ thống pháp luật, chính sách và chiến lược về tài nguyên nước; cải thiện môi trường xã hội và điều kiện sống cho người dân, đặc biệt là người nghèo; quản lý hiệu quả và sử dụng bền vững tài nguyên nước; đa dạng sinh học liên quan đến nước được bảo tồn, ô nhiễm được phòng ngừa và chất lượng môi trường được cải thiện; đồng thời nâng cao năng lực thể chế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên