"Nhiều du khách quốc tế không quay lại Việt Nam vì nỗi lo thực phẩm"
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội cho rằng, nhiều du khách quốc tế không quay lại Việt Nam vì nỗi lo thực phẩm an toàn, thái độ phục vụ, và giá cả "chặt chém"…
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh: Du lịch Việt Nam có lợi thế rất lớn so với các quốc gia khác trong khu vực. Việt Nam có nhiều dấu ấn lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh…, thế nhưng, số lượng khách du lịch đến Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn.
Ảnh minh họa |
Ông Hòa đặt câu hỏi: Tại sao khách đến Thái Lan đông như vậy, còn ở Việt Nam thì vẫn "ì ạch"? Theo đại biểu này, nhiều du khách quốc tế không quay trở lại Việt Nam vì nỗi lo thực phẩm an toàn, thái độ phục vụ, và giá cả "chặt chém"…
Đại biểu Hòa cho rằng, cần phải tập trung đầu tư bởi du lịch Việt Nam có lợi thế so sánh lớn, rất giàu tiềm năng. Hai yếu tố mà ông Hòa nhấn mạnh trong phát triển du lịch đó là, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Thể (đoàn Sóc Trăng) đánh giá, Việt Nam có lợi thế rất lớn về du lịch. Chúng ta cũng đã phát động coi du lịch là một ngành kinh tế trọng điểm và Thủ tướng cũng rất quan tâm đến việc này. Do đó. ông Thể đề nghị trong năm 2017 đặc biệt quan tâm đến phát triển du lịch.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thể |
"Tôi nghĩ rằng du lịch chỉ có 2 việc nếu chúng ta làm được thì chúng ta đón khách sẽ rất đông, một là tất cả các cơ sở du lịch phải sạch, sạch từ nhà vệ sinh cho đến công viên, bãi biển. Hai là các điểm du lịch 1 năm có thể bỏ ra 10.000 tỷ hình thành nên 3-4 điểm du lịch mới, nhiều năm chúng ta sẽ có nhiều điểm mới và những điểm mới đó là những điểm hấp dẫn khách du lịch quay trở lại. Tôi nghĩ nếu làm được như thế thì ngành du lịch của chúng ta cũng sẽ trở thành một trong những lĩnh vực hết sức đột phá giúp cho đất nước phát triển", ông Thể nêu ý kiến.
Theo đại biểu Phan Việt Cường (đoàn Quảng Nam), cần phát triển ngành du lịch thành mũi nhọn. "Theo tôi, đất nước ta, con người Việt Nam chúng ta không thua kém các nước trên thế giới nhưng ngành du lịch nước ta chưa bằng. Đề nghị nhà nước cần đầu tư du lịch một cách bài bản. Có thể chọn một số địa phương có lợi thế về du lịch để đầu tư, từ đó nhân rộng mô hình cho cả nước. Chúng ta làm sao tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ở lại lâu hơn và tiêu cho hết tiền", ông Cường nhấn mạnh.
Đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020
Liệu lữ hành nội địa và quốc tế có "chơi chung sân"?
Đánh giá thẩm tra nội dung về lữ hành trong dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, Dự thảo đã có một số điều chỉnh cơ bản, đảm bảo sự công bằng giữa kinh doanh lữ hành nội địa và kinh doanh lữ hành quốc tế.
Đại biểu Phan Thanh Bình |
Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu một số nội dung về các loại hình kinh doanh lữ hành; điều kiện kinh doanh lữ hành; địa điểm kinh doanh lữ hành; phí thẩm định, cấp giấy phép kinh doanh lữ hành và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh lữ hành.
Theo đó, kinh doanh lữ hành được phân thành ba loại, gồm: đón khách vào (inbound), đưa khách ra (outbound), du lịch nội địa (domestic), đồng thời có những quy định phù hợp với đặc thù của từng loại nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh.
Cho ý kiến về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh lữ hành, Ủy ban cho biết, đa số ý kiến cho rằng quy định về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được phép kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đi du lịch sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, không phù hợp với chính sách về đầu tư kinh doanh được quy định trong Luật Đầu tư, không phù hợp với xu hướng hợp tác quốc tế. Do vậy, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định này.
Tuy nhiên, về nội dung này cũng có một số ý kiến khác lại thống nhất với quy định như dự thảo, và cho rằng trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay cần phải có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam./.