Định vị vai trò của phát thanh trong xã hội tri thức

VOV.VN -Phát thanh luôn đóng vai trò cốt yếu và được công nhận là một loại hình truyền thông tiêu biểu và căn bản nhất.

Hội nghị phát thanh châu Á Radio Asia 2014 vừa diễn ra tại Colombo, thủ đô Sri Lanka. Với chủ đề “Định vị vai trò của phát thanh trong xã hội tri thức”, đại biểu là những nhà phát thanh, truyền thông của các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương và một số trường đại học trên thế giới đã cùng thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến để khẳng định và phát huy những lợi ích to lớn và giá trị đích thực của phát thanh trong vai trò của một loại hình quan trọng trong thế giới truyền thông.

Có thể ở đâu đó trên thế giới, khi truyền hình, Intenet phát triển đã làm mờ đi đôi chút vai trò của phát thanh trong xã hội, nhưng tại hội nghị, các ý kiến thảo luận đều đưa ra những kiến giải và những ví dụ thành công cụ thể để khẳng định vai trò không thể thay thế của phát thanh trong thời đại công nghệ mới. Phát thanh luôn đóng vai trò cốt yếu trong việc cung cấp thông tin đa dạng tới người nghe và được công nhận là một loại hình truyền thông tiêu biểu và căn bản nhất.

Các đại biểu tham dự Hội nghị phát thanh châu Á Radio Asia 2014

Trong tương lai, phát thanh sẽ tiếp tục phát triển với những lợi thế cạnh tranh mà các loại hình truyền thông mới không thể có được, đó là “rộng và không giới hạn”. Điều này được thể hiện thông qua bài phát biểu của Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Quốc gia Romania, khi ông nhấn mạnh vai trò của phát thanh trong đời sống văn hóa, kinh tế và xã hội của Romania. Ông khẳng định rằng: Phát thanh đã góp phần thúc đẩy các giá trị văn hóa sáng tạo, bản sắc dân tộc và ngoại giao văn hóa trong bối cảnh có nhiều loại hình truyền thông mới khác.

Tất nhiên, các ý kiến đều không quá lạc quan mà đưa ra những thách thức mà phát thanh đang phải đối mặt, trong đó nhấn mạnh sự cạnh tranh khốc liệt của Internet, loại hình báo chí đang chuyển người nghe, người xem, người đọc từ tiếp cận thông tin một cách bị động sang tiếp cận một cách chủ động.

Chính vì vậy, nhiều sáng kiến đã được đưa ra, trong đó có ý kiến của bà Joan Warner (Australia) cho rằng: Hiện nay phát thanh không thể dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà phải chủ động thu hút khán giả. Ngoài nội dung phù hợp, phát thanh phải duy trì các hình thức mới như giao lưu trực tiếp, tương tác, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin vừa tạo điều kiện và buộc công chúng phải chia sẻ. Và nếu làm được như vậy, phát thanh không chỉ còn là công cụ cung cấp thông tin mà đã giúp công chúng thể hiện quyền công dân, dân chủ.

Hội nghị năm nay giành một buổi thảo luận về sức mạnh, vai trò của âm nhạc trong phát thanh. Các chuyên gia quốc tế đã có bài phát biểu phân tích vai trò của âm nhạc trong việc hấp dẫn thính giả và ý nghĩa của âm nhạc trong việc nâng cao các giá trị văn hóa dân tộc. Nhờ có phát thanh, âm nhạc và các giá trị tinh thần được truyền tải sâu sắc tới thính giả.

Bà Yasuko Tsuda, Giám đốc sản xuất, chương trình Phát thanh Đài NHK Nhật Bản đã chia sẻ câu chuyện thành công của Đài NHK khi thực hiện một cuộc thi hát trên đài phát thanh. Các khán giả quốc tế hát các bài hát bằng tiếng Nhật và gửi về Đài NHK. Ban Giám khảo chính là các ca sĩ nổi tiếng Nhật Bản đã từng hát các bài hát đó. Tất cả những phần thi này đều được đăng tải lên trang web của chương trình và trang mạng xã hội để tất cả mọi người có thể tham gia bình chọn.

Chương trình được phát trên cả radio, truyền hình và website của chương trình, thu hút sự quan tâm của không chỉ thính giả Nhật Bản mà cả những người yêu nhạc trên khắp thế giới. Thông qua chương trình, âm nhạc Nhật Bản được biết đến nhiều hơn và đây là một cách để NHK quảng bá các tác phẩm âm nhạc của mình. Như vậy, với việc sử dụng các công cụ phát thanh truyền thống kết hợp với sự đa dạng các loại hình truyền thông mới, NHK đã giúp quảng bá hình ảnh và âm nhạc của đất nước trên phạm vi toàn cầu.

Trong bối cảnh truyền thông cạnh tranh gay gắt như hiện nay, kỹ năng kể chuyện là nhân tố “thiết yếu” trong việc gắn kết và thu hút sự quan tâm của thính giả. Diễn giả Wolfram, chuyên gia tư vấn phát thanh tại Đức đã chia sẻ câu chuyện về những chương trình phát thanh thành công nhờ vào kỹ năng kể chuyện của người dẫn. Wolfram cũng nhấn mạnh, một chương trình phát thanh gần gũi với thính giả, truyền tải được những nội dung và cảm xúc là yếu tố quyết định sự thành công của một chương trình phát thanh.

Các nhà làm phát thanh phải biết chọn lọc những chủ đề mà có thể khơi gợi cảm xúc, kích thích sự tham gia chia sẻ ý kiến của thính giả. Người dẫn chương trình, nhà sản xuất nên sử dụng nhiều công cụ khác nhau, đặc biệt là âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, vox pops... để chương trình đạt được hiệu quả tốt nhất. Ông cũng đưa ra một số cách tìm và khai thác các nội dung đánh trúng tâm lý của thính giả, biết khơi gợi cảm xúc và sự đồng cảm của thính giả từ đó người nghe có thể tự hình dung về chủ đề đó.

Các đại biểu Đài TNVN tham dự Hội nghị

Một trong những phần thuyết trình hấp dẫn tại RadioAsia 2014 là phần trình bày của ông Rivaz Sha Jahan, đạo diễn chương trình Chào buổi sáng của kênh YES FM, Đài Phát thanh hàng đầu tại Sri Lanka. Phần tình bày chia sẻ những “thủ thuật” để “bán” các chương trình phát thanh trước khi chương trình chính thức được lên sóng. Cũng giống như truyền hình, các chương trình phát thanh trước khi được phát nên được quảng cáo rộng rãi để thính giả biết lịch trình và khung giờ phát sóng, cũng như nội dung tóm tắt để họ có thể sắp xếp thời gian theo dõi.

Một số đài phát thanh coi nhẹ việc quảng bá này hoặc có những phần quảng bá sơ sài, không hiệu quả, làm ảnh hưởng tới lượng thính giả của chương trình. Các phần quảng bá trước ngày lên sóng phải sáng tạo, cá nhân hóa (gần gũi với nội dung thính giả quan tâm), hài hước, giật gân và được nhắc lại thường xuyên để kích thích sự tò mò và quan tâm của thính giả.

Bên cạnh những nội dung chuyên môn về phát thanh, hội nghị còn có sự tham gia của các đơn vị, công ty chuyên cung cấp các thiết bị thu phát sóng. Tại đây, các công ty chia sẻ những khó khăn thách thức của các công ty cung cấp các thiết bị kĩ thuật phát sóng trong bối cảnh truyền thông cạnh tranh như ngày nay.

Trong khuôn khổ Hội nghị Phát thanh châu Á Radio Asia 2014, Liên hoan tiếng hát phát thanh “ABU Radio Song Festival” đã được tổ chức với sự tham gia của nhiều ca sỹ trẻ, triển vọng đến từ các quốc gia châu Á. Chương trình thực sự là bữa tiệc âm nhạc đầy mầu sắc và bản sắc, một lần nữa khẳng định vai trò của âm nhạc trên sóng radio là rất quan trọng và cần thiết. 

RadioAsia 2015 sẽ được tổ chức tại Myanmar./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên