Đồng ruộng Sóc Trăng bị xâm mặn, lúa chết

Mặc dù không gay gắt như những năm trước, nhưng đến nay, nước mặn đã làm nhiều hecta lúa xuân hè và hè thu sớm trong tỉnh chết khô.

Khác với mấy năm trước, năm nay ở tỉnh Sóc Trăng đã xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa làm giảm độ mặn tại các cửa sông, cửa biển, hạn chế đáng kể tình trạng xâm nhập mặn ở địa phương. Tuy nhiên vào những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5 này, nắng nóng trở lại, nước mặn đã bắt đầu lấn sâu vào đồng ruộng tỉnh Sóc Trăng, gây khó khăn cho việc sản xuất của bà con.

Nhiều ha lúa đang có nguy cơ mất mùa vì bị xâm mặn

Anh Nguyễn Tấn Tới, một nông dân ở xã Vĩnh Biên, huyện Ngã Năm cho biết, vụ hè thi này gia đình anh trồng gần 1ha lúa hè thu. Đứng bên ruộng lúa đang phát triển khá tốt nhưng anh không giấu nổi nỗi lo sắp tới sẽ thiếu nước tưới do nắng nóng kéo dài và nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng: “Nông dân chúng tôi rất lo, vào những ngày tới nước sông sẽ còn xuống thấp hơn nữa, khi đó không còn nước để bơm lên. Chúng tôi mong chính quyền địa phương có các biện pháp giúp nông dân có nước để bơm lên ruộng”.

Hiện nay, tại các xã Vĩnh Biên, Vĩnh Quới (thị trấn Ngã Năm, huyện Ngã Năm), nước mặn từ phía tỉnh Bạc Liêu theo kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp xâm nhập sâu vào vùng ngọt hóa của huyện, ảnh hưởng tới hơn 14.000 ha lúa hè-thu.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Ngã Năm, độ mặn đo được tại khu vực thị trấn Ngã Năm lên đến 9,6‰, thậm chí có lúc cao hơn. Nếu như năm ngoài chỉ có 5 đợt nước mặn theo các con sông tràn vào địa bàn huyện, thì 4 tháng đầu năm nay có tới 6 đợt nước mặn tấn công vào đất liền gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Toàn bộ 9 cống ngăn mặn ở huyện Ngã Năm đã đóng kín, tuy nhiên cái khó là nhiều hộ dân ở Bạc Liêu (vùng giáp ranh giữa huyện Ngã Năm với Bạc Liêu) đưa nước mặn vào để nuôi tôm làm kênh rạch nhiễm mặn. Hiện tại, nhiều diện tích lúa hè-thu ở Ngã Năm bị khô chân ruộng nhưng nông dân không thể bơm nước vào do các sông, rạch bị nhiễm mặn.

Chính quyền các địa phương và ngành nông nghiệp huyện Ngã Năm luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến của nước mặn, đồng thời khuyến cáo bà con cân nhắc kỹ khi xuống giống lúa hè thu.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: “Chúng tôi khuyến cáo bà con một số khu vực cần nước nên bơm sớm để trữ nước nhằm ngăn ngừa khi Bạc Liêu lấy nước vào thì mặn sẽ tràn vào Ngã Năm. Khuyến cáo bà con cần có biện pháp trữ nước để sản xuất thắng lợi cao nhất”.

Đối với các huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng như Long Phú, Cù Lao Dung, Trần Đề và Vĩnh Châu tuy hệ thống thủy lợi khá hoàn thiện nhưng tình trạng xâm nhập mặn vẫn đe dọa đến lúa xuân hè và hè thu ở các huyện này; đặc biệt là khu vực phía đông kênh Tiếp Nhật của huyện Trần Đề và một số xã cuối vùng ngọt của huyện Mỹ Tú như Phú Mỹ, Mỹ Thuận.

Đối với khu vực thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú nước mặn đã lấn sâu vào nội đồng. Tại vàm Đại Ngãi có lúc độ mặn lên đến 3‰. Đây là cửa sông đầu mối nên nếu nước mặn tiếp tục xâm nhập thì có thể gây nhiễm mặn toàn vùng lúa của huyện Long Phú và một phần của huyện Trần Đề. Để có nước tưới cho lúa hè thu, một trong những biện pháp tạm thời đang được huyện Long Phú thực hiện là bơm nước nhiễm mặn khoảng 2‰ vào cứu lúa. Tại xã Tân Thạnh, huyện Long Phú, chính quyền đang vận động bà con tranh thủ bơm nước vào đồng ruộng dự trữ do các cống đang được đóng lại để ngăn nước mặn.

Theo ông Nguyễn Thanh Trực, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh: “Tôi kiến nghị các ngành chức năng vận hành tốt các cống. Khi thấy nước mặn giảm, cho nước vào và nước mặn tăng cao đề nghị đóng các cống lại. Rút kinh nghiệm từ năm ngoái lúa chết, năm nay đề nghị các ngành chức năng quan tâm hơn”.

Mặc dù không gay gắt như những năm trước, nhưng tới thời điểm này, nước mặn cũng đã làm cho vài ha lúa xuân hè và hè thu sớm ở huyện Ngã Năm đã chết khô. Nếu nắng nóng kéo dài như hiện nay và mặn tiếp tục lấn sâu vào đất liền thì tỉnh Sóc Trăng sẽ có hàng chục ha lúa thiếu nước ngọt sản xuất và chết khô ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên