Dự thảo Luật An toàn thực phẩm: Cần quy rõ chủ thể chịu trách nhiệm

Sáng nay (10/9), tại Hà Nội, Ban soạn thảo dự án Luật an toàn thực phẩm phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý vào dự thảo Luật an toàn thực phẩm.

Tham gia Hội thảo, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và hiệp hội đóng góp nhiều ý kiến, về bố cục, nội dung của Dự thảo Luật. Vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm là Luật phải quy định rõ việc phân công trách nhiệm của từng Bộ ngành trong việc quản lý an toàn thực phẩm, nhằm tránh thực trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Tiến sỹ Nguyễn Tử Cương, Giám đốc Trung tâm chuyển giao Công nghệ và Dịch vụ thuỷ sản Việt Nam cho rằng: việc phân công trách nhiệm cho các Bộ ngành trong quản lý an toàn thực phẩm cần theo hướng chia ra các công đoạn để quản lý, trên cơ sở căn cứ vào chức năng của từng Bộ ngành. Tiến sỹ Nguyễn Tử Cương kiến nghị: “Nên giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý quá trình sản xuất thực phẩm. Còn Bộ Y tế có chức năng bảo vệ sức khoẻ nhân dân trước nguy cơ bệnh tật lây qua đường thực phẩm…”.

Ở một góc độ khác, Thạc sỹ Trần Thị Quang Hồng, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp nhận xét: Dự thảo luật chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của tất cả các chủ thể trong nhiều hành vi; dẫn đến không ít quy định diễn đạt một cách chung chung và ảnh hưởng đến tính khả thi của Luật. Thạc sỹ Trần Thị Quang Hồng nêu rõ: “Có rất nhiều những quy định về trách nhiệm rất tốt nhưng chủ thể trách nhiệm là ai thì không rõ. Điều đó ảnh hưởng tới tính khả thi của luật và cần được chỉnh sửa. Nếu như tất cả mọi người phải chịu trách nhiệm thì không đúng, ví dụ như sử dụng thực phẩm quá hạn thì không ai phải chịu trách nhiệm mà chỉ những người sử dụng hoặc sử dụng cho người khác thì phải chịu trách nhiệm.”

Một số đại biểu cho rằng: một số nội dung chuyên môn trong dự luật chưa chuẩn xác, bao gồm phần giải thích thuật ngữ, quy định nội dung và đối tượng thực hiện, do vậy cần phải chỉnh sửa cho chính xác. Trong dự luật cần có chương riêng quy định về thực phẩm chức năng vì nước ta hiện có hơn 500 doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng và khoảng 1/3 dân số sử dụng loại thực phẩm này. Dự luật cũng cần được dịch ra tiếng Anh, đăng trên website để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi hơn.

Tại Hội thảo, có ý kiến nhận xét: một số điều của Dự thảo Luật an toàn thực phẩm chưa hài hoà với Hiệp định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm định động thực vật của Tổ chức Thương mại thế giới, gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm trong nước khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Thay mặt ban soạn thảo Luật vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Hùng Long đã tiếp thu ý kiến đóng góp để nghiên cứu, chỉnh sửa dự Luật trước khi trình Quốc hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên