Tranh cãi gay gắt về phương án nghỉ Tết 7 hay 10 ngày
VOV.VN -Phương án nghỉ Tết 10 ngày được đa số người lao động đồng ý, nhưng các chuyên gia cho rằng như vậy là dài và lãng phí.
Bộ LĐTB&XH vừa đưa ra 2 phương án nghỉ Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017 với số ngày nghỉ khác nhau. Cụ thể, Bộ đề xuất hai phương án nghỉ 7 ngày hoặc 10 ngày. Cả 2 phương án nghỉ Tết này đều nhận được sự quan tâm từ phía người lao động.
Người lao động ủng hộ nghỉ nhiều
Anh Nguyễn Văn Tình, làm việc tại khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh – Hà Nội) đồng ý với phương án nghỉ Tết 10 ngày. Theo anh Tình, việc nghỉ Tết như đề xuất trên chỉ áp dụng cho khối hành chính – sự nghiệp, không cho khối liên doanh như công ty của anh. Tuy nhiên, cũng có tác động nhất định tới các doanh nghiệp. Nếu khối nhà nước được nghỉ Tết 10 ngày, thì các ông chủ người nước ngoài cũng sẽ xem xét kéo dài thêm thời gian nghỉ Tết cho người lao động.
“Ở công ty tôi, đa số công nhân là người địa phương lân cận. Tuy nhiên, người lao động thuộc khối văn phòng lại tới từ các tỉnh xa như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh… Cho nên nghỉ Tết 10 ngày mới đủ thời gian để họ về quê nội ngoại, có thời gian gần gũi gia đình. Đối với người lao động tại các khu công nghiệp ở miền Nam, nghỉ 10 ngày Tết mới thỏa mãn thời gian ra Bắc. Vì thời gian đi tàu ra – vào cũng mất khoảng 4 ngày rồi” – anh Tình nói.
Nhiều người cho rằng, nghỉ Tết 10 ngày mới "thỏa" |
Nhiều người lao động cũng cho rằng, nghỉ Tết 10 ngày là hợp lý, vì đời sống người dân đã dần được nâng cao. Nghỉ Tết dài sẽ kích cầu tiêu dùng, các khu du lịch, vui chơi sẽ hút khách nhiều hơn. Đồng thời, lượng người về quê và trở lại các thành phố lớn sau Tết cũng giãn ra, tránh được ùn tắc và tai nạn giao thông. Vấn đề còn lại là “tiền nhiều hay ít” mà thôi.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đa số người lao động ủng hộ phương án nghỉ 10 ngày. Bởi nhiều lao động phía Nam ra Bắc ăn Tết thường gặp rất nhiều khó khăn về phương tiện tàu xe.
Về ý kiến cho rằng, nghỉ Tết dài ngày sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, nhất là những đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu, ông Mai Đức Chính nói: “Nếu doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất kinh doanh tốt, khi Chính phủ công bố thời gian nghỉ Tết thì họ phải tính đến việc sản xuất trong thời điểm đó như thế nào. Không nên bị động chuyện này. Không chỉ Việt Nam, nhiều nước cũng có lịch nghỉ dài như vậy”.
Tuy nhiên, ông Mai Đức Chính nhấn mạnh: Điều quan trọng là sau nghỉ Tết là phải trở về làm việc nghiêm túc. Không nên để dư âm Tết kéo dài như chúc tụng, lễ chùa…
Nghỉ nhiều lấy đâu ra tiền?
Nhiều người lao động phân tích, người Việt Nam có tâm lý muốn “nghỉ Tết một mạch” dù ngắn hay dài ngày, không muốn thời gian làm và nghỉ đan xen. Cho nên nếu nghỉ ngắn thì cũng thu xếp đổi lịch làm việc để có thời gian nghỉ được trọn vẹn, không bị công việc chi phối.
Ông Bùi Sỹ Lợi: "Tôi đồng ý phương án nghỉ Tết 7 ngày" |
Theo ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nếu tính toàn bộ nghỉ lễ, Tết năm nay là khoảng 20 ngày. Nếu so với các nước trên thế giới, thời gian nghỉ là không cao, nhưng xét trên phương diện mặt bằng trong nước, tình hình kinh tế - xã hội, năng suất lao động của chúng ta thì đó là thời gian dài và lãng phí.
“Có người nói nghỉ dài là để kích thích tiêu dùng, nhưng tôi nghĩ vấn đề là nền kinh tế có được kích thích theo cách này hay không thì phải tính toán. Nếu nghỉ quá dài thì lấy đâu ra tiền lương, thu nhập, lấy gì kích thích tiêu dùng? Cho nên, thời gian nghỉ Tết cần hợp lý để vừa giải quyết được vấn đề thăm thân, gia đình. Giải quyết tình cảm nhưng phải nghĩ đến vấn đề việc làm, năng suất lao động” – ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Nhiều chuyên gia lao động cũng thừa nhận, nghỉ Tết 7 ngày là hợp lý. Điều này một mặt đảm bảo được truyền thống của người Việt Nam, mặt khác phải nghĩ đến việc làm, kiếm thêm thu nhập. Điều dễ dàng nhận thấy là Việt Nam có năng suất lao động xếp loại thấp khu vực nếu nghỉ lễ - Tết dài thì sẽ rất mâu thuẫn./.
Phương án thứ nhất, công chức sẽ nghỉ từ 26/1 - 1/2/2017, tức 29 tháng Chạp năm Bính Thân đến mùng 5 tháng Giêng năm Đinh Dậu. Do mùng 1, mùng 2 Tết Âm lịch rơi vào hai ngày cuối tuần, công chức được nghỉ bù vào mùng 4, mùng 5 Tết. Tổng cộng có 7 ngày nghỉ và không hoán đổi.
Phương án thứ hai, công chức nghỉ từ 27/1 - 5/2/2017, tức 30 tháng Chạp năm Bính Thân đến mùng 9 tháng Giêng năm Đinh Dậu. Việc hoán đổi ngày nghỉ thực hiện như sau: Công chức đi làm thứ Bảy 11/2/2017 nghỉ thứ Sáu 3/2/2017, để kỳ nghỉ kéo dài 10 ngày liên tục.