Gần 80% lao động ở nông thôn chưa được đào tạo nghề

Và mỗi năm cả nước có thêm hơn 1 triệu lao động đến tuổi có nhu cầu học nghề

Chiều 26/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Bảo vệ người tiêu dùng Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Hội thảo “Thực trạng, thách thức và giải pháp trong đào tạo nghề cho nông dân ở Việt Nam”.

Ngoài đại diện các đơn vị tổ chức Hội thảo, còn có sự tham dự của đại diện các Bộ LĐTB&XH, Bộ NN&PTNT, các trường và trung tâm đào tạo nghề liên về nông nghiệp và phát triển nông thôn, đặc biệt là nhiều lãnh đạo hội nông dân các tỉnh thành phía Bắc và ĐBSCL cùng chia sẻ kinh nghiệm.

Theo báo cáo của Trung ương Hội nông dân Việt Nam, hằng năm hệ thống Trung tâm dạy nghề của Hội nông dân Việt Nam đã trực tiếp dạy nghề và phối hợp tổ chức dạy nghề hơn 200.000 người. Trong đó, dạy nghề thường xuyên tại chỗ khoảng 150.000 nông dân.

Trong nhiều năm qua, nước ta có nhiều chủ trương chính sách đối với công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, lao động nông thôn nói riêng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 80% số lao động ở nông thôn chưa được đào tạo nghề, cùng với mỗi năm có hơn 1 triệu lao động đến tuổi có nhu cầu học nghề.

Tại hội thảo, các tham luận của đại biểu nêu lên những khó khăn và cách làm hay trong đào tạo nghề cho lao động ở địa phương. Hầu hết các ý kiến cho rằng, việc đào tạo nghề hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như: quy mô và chất lượng công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân còn hạn chế so với nhu cầu; điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và kinh phí phục vụ cho việc dạy nghề và hỗ trợ nông dân còn thiếu, có nơi hầu như không có; số cán bộ và giáo viên giảng dạy còn ít và chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra…

Bà Phạm Thị Thu Bình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cho rằng: “Công tác đào tạo nghề cho nông dân sẽ rất hữu ích. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều khó khăn: Đối tượng học nghề chủ yếu tuổi cao, tuổi trẻ rời quê làm ăn xa nhiều; nhiều nông dân coi việc học nghề rất xa vời, chủ yếu làm theo kinh nghiệm; cơ chế hỗ trợ nông dân còn nhiều thủ tục rườm ra, chưa thiết thực. Chẳng hạn, quy định mỗi người chỉ được học một nghề cũng là không hợp lý, vì nhiều hộ gia đình có cả vườn, ao, chuồng, nhưng muốn học nhiều cũng khó”.  

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Bảo vệ người tiêu dùng Liên bang Đức ông Robert Kloos nêu rõ, mặc dù sản xuất nông nghiệp giữa Việt nam và Cộng hòa Liên bang Đức có những điểm khác biệt, nhưng nhìn chung 2 quốc gia có những điểm chung về những khó khăn và thách thức trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hội thảo lần này là dịp để hội nông dân 2 nước trao đổi kinh nghiệm và giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thực hiện các cam kết mà Chủ tịch Hội nông dân 2 nước đã ký kết trước đây./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên