Gặp những chiến sĩ Điện Biên năm xưa

56 năm trôi qua, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa nay nhiều người đã mất, người còn sống thì tuổi cao sức yếu. Tuy nhiên, hào khí của những ngày đấu tranh anh dũng, kiên cường vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người

Chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi vào ngày 7/5/1954 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. 56 năm trôi qua, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa nay nhiều người đã mất, người còn sống thì tuổi cao sức yếu. Tuy nhiên, hào khí của những ngày đấu tranh anh dũng, kiên cường vẫn còn in đậm trong tâm trí các ông, các bác.

Kỷ niệm 56 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, phóng viên Đài TNVN đã gặp gỡ những chiến sĩ Điện Biên năm xưa hiện đang sinh sống ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Cuối năm 1953, vừa tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Đình Hưng gia nhập quân đội, thuộc Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, hăm hở cùng đơn vị lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. 56 năm trôi qua, ông Nguyễn Đình Hưng tuổi cao, sức yếu, bệnh dạ dày thường xuyên hành hạ nhưng khi nhắc về những trận đánh hào hùng trong chiến dịch Điện Biên, ánh mắt ông lại lấp lánh niềm vui.

Ông Nguyễn Đình Hưng kể, trước khi bước vào chiến đấu, đơn vị ông có nhiệm vụ làm đường và kéo pháo vào trận địa. Ngày đó, các chiến sĩ của ta tuổi đời còn rất trẻ, đầy nhiệt huyết và khát khao chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược. Rừng núi Tây Bắc vào mùa đông, trời rét nhưng anh em chiến sĩ tham gia kéo pháo quần áo đều ướt đẫm mồ hôi. Vậy mà, họ vẫn động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhiều chiến sĩ đã yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên (ảnh: Minh Hoà)

Ông Nguyễn Đình Hưng kể: “Chúng tôi là những người trực tiếp chiến đấu rất vinh dự đóng góp một phần cho thắng lợi ấy. Bản thân tôi vẫn thường nhớ về những ngày chiến đấu ở Điện Biên, tham gia kéo pháo, trực tiếp chiến đấu rồi đưa đồng đội đã hy sinh về tuyến sau. Bây giờ mỗi lần nhớ lại bài hát hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân tôi vẫn còn xúc động, bồi hồi. Và nếu ai hỏi giây phút sung sướng nhất trong cuộc đời tôi thì đó là ngày 7/5/1954 khi quân ta giành thắng lợi ở chiến dịch Điện Biên Phủ.”

“Nếu ai hỏi giây phút sung sướng nhất trong cuộc đời tôi thì đó là ngày 7/5/1954 khi quân ta dành thắng lợi ở chiến dịch Điện Biên Phủ”
Ngày 13/3/1954, Đại đoàn 312 vinh dự được chọn là đơn vị chủ lực đánh trận mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong trận đánh này, ông Nguyễn Đình Hưng chứng kiến sự hy sinh anh dũng của đồng đội, trong đó tiêu biểu là anh hùng Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai, giúp quân ta tiến lên tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm của địch ở đồi Him Lam. Sự hy sinh anh dũng của đồng đội là động lực giúp ông cầm chắc tay súng chiến đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được tặng thưởng huân chương chiến công ngay trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Không trực tiếp chiến đấu như ông Nguyễn Đình Hưng, ông Huỳnh Văn Ba, 86 tuổi, ở phường Tây Lộc, thành phố Huế ngày đó lại tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với nhiệm vụ của một chiến sĩ quân y. Từ trận đánh này đến trận đánh khác, chiến sĩ quân y Huỳnh Văn Ba luôn có mặt để cứu chữa, đưa thương binh về tuyến sau.

Ra chiến trường, cõng thương binh trong bom đạn của kẻ thù, rồi cấp cứu, điều trị cho đồng đội, lúc nào y tá Huỳnh Văn Ba cũng nhớ lời Bác Hồ dạy “Lương y như từ mẫu”. Không những thực hiện tốt nhiệm vụ của một chiến sĩ quân y, y tá Huỳnh Văn Ba còn gần gũi, tâm sự, coi thương binh như người thân của mình, giúp họ vượt qua đau đớn.

Ông Huỳnh Văn Ba cho biết: “Trong hoàn cảnh anh em thương binh đau đớn, mất mát nhưng họ vẫn rất kiên cường. Họ đã khiến chúng tôi rất khâm phục và càng thấy rõ trách nhiệm của mình chăm sóc anh em như tình ruột thịt, như anh em trong nhà. Tôi luôn ghi nhớ và thực hiện theo lời Bác dạy “lương y như từ mẫu””.

Kỷ niệm 56 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, những ngày này, ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Tửu, Trưởng Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên của tỉnh Thừa Thiên Huế luôn tấp nập đồng đội đến thăm. Họ đều đã già, hầu hết phải nhờ con cháu đưa đón, những người còn khỏe tự đi xe đạp, xe máy chẳng còn bao nhiêu. Vậy mà khi gặp nhau vẫn tay bắt mặt mừng, giọng nói thêm phần hào sảng khi ôn lại những chiến công của quân ta trong các trận đánh ở Him Lam, Bản Kéo, đồi Độc Lập, A1, C1...

* Quyết định lịch sử làm nên thắng lợi lịch sử

* Chiến thắng của tinh thần dân tộc

* Điện Biên Phủ - Stalingrad của Việt Nam

Năm 2002, Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập với 30 cựu binh. Đến nay, chỉ còn 23 người tham gia sinh hoạt nhưng tinh thần vẫn lạc quan, tràn đầy nhiệt huyết, tham gia công việc ở địa phương và giáo dục con cháu tiếp bước thế hệ cha anh đi trước, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Ông Nguyễn Tửu, nguyên phụ trách công tác hậu cần Bộ Tư lệnh Tiền phương ở mặt trận Điện Biên Phủ, Trưởng Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Ban Liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ được thành lập 2002, hàng năm dịp kỷ niệm chúng tôi đều tổ chức gặp mặt, thăm hỏi nhau, ôn lại truyền thống. Khi anh em qua đời, chúng tôi đều chăm lo lễ tang rất chu đáo. Hiện nay, các anh em đều tham gia công tác ở địa phương, phát huy tinh thần bộ đội cụ hồ, tuyên truyền cho thê hệ trẻ về chiến thắng Điện Biên Phủ.”

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu với hơn 16.200 quân địch bị bắt sống và tiêu diệt đã làm cho quân Pháp suy sụp hoàn toàn, buộc phải ký kết Hiệp định Geneva. Chiến công vang dội này có sự đóng góp không nhỏ của những chiến sĩ Điện Biên đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc. Phát huy tinh thần anh dũng trong chiến đấu, trong cuộc sống đời thường hôm nay, họ vẫn sống mẫu mực, xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên