Giá giường dịch vụ có thể 4 triệu/ngày: Chất lượng có tương xứng?
VOV.VN -Dự thảo quy định giá giường bệnh dịch vụ có thể lên 4 triệu đồng/ngày ở các bệnh viện công khiến người dân băn khoăn chất lượng có tương xứng?
Bộ Y tế đang rà soát lần cuối dự thảo Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp, dự kiến có hiệu lực trên cả nước từ 1/10/2019.
Theo đó, giá giường điều trị theo yêu cầu của bệnh viện hạng đặc biệt (1 giường/phòng) tối đa là 4 triệu đồng. Đối với các loại phòng có từ 2 – 4 giường, mức giá dao động từ 1,3 triệu đồng – 2,5 triệu đồng/ngày.
Theo Dự thảo của Bộ Y tế, giá giường điều trị theo yêu cầu của bệnh viện hạng đặc biệt (1 giường/phòng) tối đa là 4 triệu đồng. (Ảnh: KT) |
Đối với các cơ sở y tế tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ không nằm trong diện bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1, mức giá giường nằm dao động từ 900.000 đồng – 3 triệu đồng/ngày.
Các cơ sở y tế không thuộc 5 thành phố lớn và không phải bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, mức giá giường nằm nội trú từ 600.000 đồng– 2 triệu đồng/ngày.
Đối với giá ngày giường dịch vụ điều trị ban ngày do đơn vị quyết định nhưng tối đa không quá 50% giá ngày giường điều trị nội trú.
Dự thảo thông tư cũng quy định diện tích phòng dịch vụ loại đặc biệt phải rộng từ 12 m2 trở lên và phòng có 4 giường phải rộng ít nhất 28 m2. Trong phòng dịch vụ có giường bệnh cấp cứu, tủ đầu giường, bàn đỡ trên giường bệnh, máy thở, bình ôxy, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa, bình đun nước uống, ấm chén, điện thoại - internet, quạt điện… Bên cạnh đó, phải bảo đảm 1 bác sĩ/4 giường bệnh và 1 điều dưỡng/giường bệnh phục vụ bệnh nhân 24/24 giờ.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết, việc triển khai dịch vụ theo yêu cầu sẽ khuyến khích các cơ sở y tế đa dạng hóa loại hình, tạo sự cạnh tranh để nâng cao hơn chất lượng phục vụ người bệnh. “Đây là giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, chất lượng dịch vụ cao, không phải là khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân để từng bước giảm tỷ lệ người dân phải ra nước ngoài chữa bệnh”- ông Nguyễn Nam Liên nói.
Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp cũng quy định giá dịch vụ khám bệnh ở bệnh viện (BV) hạng đặc biệt và hạng 1 tối đa 500.000 đồng/lần khám và các cơ sở y tế khác là 400.000 đồng/lần khám. Riêng trường hợp mời các chuyên gia trong nước, ngoài nước, cơ sở y tế được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.
Chất lượng dịch vụ có tương xứng?
Chị Phạm Khánh Mộc Lan (ở Hà Tĩnh) đang chăm sóc người thân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, người nhà chị bị bệnh gan, phải nằm điều trị dài ngày tại bệnh viện. Gia đình chị đã đăng ký giường bệnh dịch vụ, với giá 1,5 triệu đồng/ngày. Chị Lan cho biết, phòng điều trị dịch vụ sạch sẽ, thoáng mát, có điều hòa, cơ sở vật chất khá ổn. Tuy nhiên, theo chị Lan, nếu giá giường dịch vụ có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày/người thì người dân không thể đáp ứng được.
Ngành y tế cần hướng tới y tế tốt và giá cả hợp lý để mọi người dân có thể tiếp cận và sử dụng. (Ảnh minh họa: BVCC) |
“Đã là bệnh viện công thì sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho người dân. Tuy nhiên, bây giờ lại quy định một số dịch vụ có giá đắt, tương đương với khách sạn hạng sang, bệnh viện quốc tế. Điều này có vẻ hơi mâu thuẫn. Dù biết, Bộ Y tế muốn thay đổi chất lượng dịch vụ y tế, nhưng người dân ủng hộ việc nâng cao chất lượng dịch vụ chứ không phải là bắt họ bỏ thêm tiền”- chị Phạm Khánh Mộc Lan chia sẻ.
Chị Trần Thị Vân Anh (quê ở Thanh Hóa) cũng cho rằng, với mức giá giường dịch vụ 4 triệu đồng/ngày chỉ có thể áp dụng cho tầng lớp thượng lưu.
“Y tế cũng là 1 vấn đề liên quan đến an sinh xã hội. Một đất nước phát triển sẽ hướng tới y tế tốt và giá cả hợp lý để mọi người dân có thể tiếp cận và sử dụng. Hiện các bệnh viện đang hướng tới tự chủ thì nên tập trung vào phúc lơi chứ đừng quá nặng vào thương mại hoá”- chị Trần Thị Vân Anh nói.
Bộ Y tế cũng cho biết, việc quy định mức trần giá dịch vụ theo yêu cầu tại BV công tới đây sẽ góp phần khắc phục tình trạng mỗi nơi một giá. Bởi hiện nay, giá dịch vụ theo yêu cầu do các bệnh viện tự đặt ra. Đồng thời, công khai, minh bạch danh mục dịch vụ do cơ sở y tế công lập cung cấp, khả năng đáp ứng và mức giá của từng loại dịch vụ để người dân, người bệnh biết, lựa chọn sử dụng dịch vụ trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện giữa người sử dụng dịch vụ và đơn vị.
Các bệnh viện phải rà soát và điều chỉnh giá dịch vụ ngay sau khi quy định này được ban hành. Những bệnh viện chưa đạt yêu cầu về chất lượng phòng bệnh theo yêu cầu sẽ phải sửa chữa, nâng cấp, thời gian hoàn thành chậm nhất trước 30/12/2020./.
Tăng giá khám chữa bệnh với người không có thẻ BHYT
Bộ Y tế sắp thanh tra giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tại viện công
Giá giường dịch vụ tới 4 triệu đồng/ngày, đắt hơn cả khách sạn hạng sang