Giải pháp giúp người trồng lúa ĐBSCL đối phó với hạn, mặn tấn công

VOV.VN - Cảnh báo nông dân ở các địa phương trong vùng cần cẩn trọng trong gieo sạ các vụ lúa để hạn chế thiệt hại.

Trước tình trạng hạn, mặn đang diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL, nhiều địa phương trong vùng đã chọn giải pháp cấp bách trước mắt là đắp đê bao, cống, đập để ngăn mặn, trữ ngọt. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học để canh tác lúa đạt hiệu quả trong điều kiện hạn mặn tấn công như hiện nay thì bên cạnh giải pháp công trình, cần triển khai thực hiện các giải pháp phi công trình mang tính bền vững.

Cây lúa bị thiệt hại khi nước mặn xâm nhập.

Những ngày này tại ĐBSCL hạn, mặn ngày càng diễn ra gay gắt. Ngoài khoảng 140 ngàn ha lúa Đông xuân bị thiệt hại năng suất từ 30% trở lên, theo dự báo sẽ có khoảng 46 ngàn ha lúa Đông xuân tiếp tục bị ảnh hưởng. Nghiêm trọng hơn nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6 thì toàn vùng ĐBSCL sẽ có hàng trăm ngàn ha lúa hè thu bị ảnh hưởng do thiếu nước.

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, Giáo sư –Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cảnh báo: Nông dân ở các địa phương trong vùng cần cẩn trọng trong gieo sạ các vụ lúa để hạn chế thiệt hại. Nếu vùng bị xâm nhập mặn nặng trên 3 phần ngàn thì không nên xuống giống. Đối với vùng xâm nhập mặn nhẹ dưới 3 phần ngàn thì có thể xuống giống nhưng phải tuân thủ một số kỹ thuật: Thứ nhất sử dụng các giống chống chịu mặn mà cụ thể là OM 5451, OM 2517, OM 6976, OM 6162, OM9921.. và giống GKG 1 của Kiên Giang. Thứ hai là không cày lật đất sâu mà chỉ xới nông dưới độ sâu không quá 15 cm để tránh độ mặn tích lũy bên dưới xâm nhập lên. Giáo sư –Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ trước khi sạ nên tăng cường bón vôi để giảm mặn với lượng bón từ 500 đến 1000 kg vôi bột/ ha. Quan trọng nhất là tranh thủ nguồn nước ngọt để cung cấp cho lúa ở từng giai đoạn một cách hợp lý, tiết kiệm.

“Tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới vào giai đoạn mẫn cảm của cây, đặc biệt là giai đoạn từ 7 đến 10 ngày, 18 đến 20 ngày và 38 đến 42 ngày sau sạ. chúng ta có thể áp dụng kỹ thuật tưới khô, ướt xen kẽ. Trường họp không có nguồn nước ngọt thì có thể sử dụng nguồn nước mặn bị nhiễm nhẹ với 3 phần nghìn đối với giai đoạn lúa đẻ nhánh, dưới 2 phần nghìn đối với các giai đoạn mạ hoặc giai đoạn làm đòng, trổ là các giai đoạn mẫn cảm nhất của cây lúa đối với yếu tố mặn. Trường hợp giai đoạn mạ bị hạn nặng thì nông dân có thể áp dụng kỹ thuật tưới phun, phun trên bề mặt cái lượng nước tiết kiệm nhất cái lượng nước ngọt”.

Theo ông Lê Thanh Tùng- Phó trưởng phòng Cây lượng thực- Cây thực phẩm, Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT từ nay đến cuối năm, ĐBSCL còn phải sản xuất 3 vụ lúa với diện tích gieo trồng  hơn 2,8 triệu ha. Trong tình hình hạn hán, xâm nhập mặn như hiện nay, ông Lê Thanh Tùng cho rằng, trong cơ cấu mùa vụ của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh ven biển gồm có sản xuất lúa 3 vụ, 2 vụ và 1 vụ thì cần sắp xếp lại cho thật phù hợp và thời vụ xuống giống phải căn cứ vào các yếu tố về thời tiết, khí tượng thủy văn, nhất là yếu tố hạn, mặn phải được quan tâm số một khi bố trí lịch thời vụ năm nay. 

“Căn cứ vào chất lượng nước và cũng căn cứ vào không gian cách bờ biển. Theo chúng tôi, phải bố trí thời vụ của 25 km cách bờ biển xuống giống trong thời gian nào, từ 25 đến 45 km chúng ta sẽ xuống giống trong thời gian nào và trên 45 km cách bờ biển với nồng độ xâm nhập mặn thấp thì chúng ta sẽ bố trí thời vụ xuống giống cho phù hợp. Và thời vụ xuống giống căn cứ theo tình hình này chúng ta cũng phải lưu ý đến diện tích thu đông phải đảm bảo 900 ngàn ha trong năm 2016 và diện tích lúa Đông xuân 2016-2017. Tất cả yếu tố này tổng hợp lại chúng ta sẽ có một cơ cấu mùa vụ hết sức chi tiết cho từng cánh đồng, cho từng huyện và theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, chúng ta sẽ bố trí cho từng xã thì chúng ta sẽ có bước chủ động hơn ngay từ đầu vụ”.

Các nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương trong vùng cũng cho rằng: Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích nghi. Theo đó, trên đất trồng lúa bị hạn, mặn, trồng lúa kém hiệu quả cần chuyển đổi sang trồng các loại cây khác hoặc chăn nuôi.

Ông Lê Văn Đời- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: Để thích ứng với biến đổi khí hậu, hơn 2 năm trước tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi bằng Đề án 1.000.

Bước đầu Đề án này đã mang lại hiệu quả khả quan khi các hộ dân tham gia chuyển đổi đã tăng thêm giá trị sản xuất từ 1,5 - 2 lần trên cùng diện tích canh tác. Ông Lê Văn Đời cho biết: “Cụ thể là chúng tôi đã chuyển đổi 1.000 ha cải tạo vườn tạp tập trung tại các xã nông thôn mới vừa qua thực hiện rất là khả quan, thứ hai là chuyển đổi 1000 ha mía kém hiệu quả thì cái này tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp thì chuyển sang những cây trồng khác có hiệu quả hơn như cây ăn trái, nuôi trồng thủy và hợp phần thứ ba là chuyển đổi 1.000 ha lúa vụ 3 kém hiệu quả để chuyển sang thực hiện 2 lúa 1 màu hoặc 2 lúa 1 thủy sản. Còn hợp phần thứ 4 là chuyển đổi 1000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thành chăn nuôi heo và gà trên đệm lót sinh học thì nhìn chung đề án này chúng tôi thực hiện từ 2014-2016, sau đó chúng tôi sẽ sơ kết lại tình hình thực hiện và từ đó nhân rộng định hướng đến 2020”.

Thường xuyên theo dõi độ mặn trên kênh, rạch chờ thời điểm thích hợp để bơm cung cấp cho cây lúa.

Theo Thứ Trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, trước tình hình sản xuất lúa gặp khó khăn do thời tiết bất lợi như hiện nay thì ngoài việc triển khai thực hiện các giải pháp vừa nêu, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng cần có những giải pháp để giảm giá thành trong sản xuất, có như vậy thì thu nhập của người trồng lúa mới ổn định.

“Chúng ta hiện nay là cơ cấu giống lúa chưa hợp lý, còn quá nhiều giống lúa chưa hợp lý, còn quá nhiều giống mà chất lượng giống chưa cao. Chi phí sản xuất quá cao, trong đây phải nói là lượng giống sạ và phân bón, thuốc trừ sâu. Vấn đề nữa là sự liên kết giữa các công đoạn trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo chúng ta còn rất lõng lẻo. Cho nên dẫn tới giá trị chất lượng, giá trị lợi ích của người nông dân chưa tương xứng với công sức”.

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra như hiện nay cho thấy để ổn định sản xuất cần có những giải pháp tổng thể, lâu dài. Trong đó, cần phải tập trung nghiên cứu, lai tạo các giống lúa ngắn ngày thích nghi với điều kiện hạn mặn; đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để giảm chi phí, hạn chế thiệt hại do thiên tai trong sản xuất lúa... Có thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như vậy thì vựa lúa của cả nước mới có thể thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là khi nơi đây không còn dồi dào nguồn nước ngọt như trước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt ở ĐBSCL: Đâu là nguyên nhân?
Hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt ở ĐBSCL: Đâu là nguyên nhân?

VOV.VN -Hiện mới bước vào đầu mùa khô năm 2016 nhưng tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã diễn biến cực kỳ phức tạp.

Hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt ở ĐBSCL: Đâu là nguyên nhân?

Hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt ở ĐBSCL: Đâu là nguyên nhân?

VOV.VN -Hiện mới bước vào đầu mùa khô năm 2016 nhưng tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã diễn biến cực kỳ phức tạp.

Chọn giống lúa đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn tốt như thế nào?
Chọn giống lúa đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn tốt như thế nào?

VOV.VN - Chọn giống lúa đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn tốt là phải đáp ứng các tiêu chí về năng suất, chất lượng cũng như khả năng thích ứng rộng.

Chọn giống lúa đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn tốt như thế nào?

Chọn giống lúa đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn tốt như thế nào?

VOV.VN - Chọn giống lúa đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn tốt là phải đáp ứng các tiêu chí về năng suất, chất lượng cũng như khả năng thích ứng rộng.

Hạn, mặn tấn công ĐBSCL: Xem hạn hán, xâm nhập mặn là thiên tai
Hạn, mặn tấn công ĐBSCL: Xem hạn hán, xâm nhập mặn là thiên tai

VOV.VN - Vấn đề đặt ra nếu không có những giải pháp căn cơ thì khả năng hạn, mặn sẽ xảy ra thường xuyên hơn và gay gắt hơn

Hạn, mặn tấn công ĐBSCL: Xem hạn hán, xâm nhập mặn là thiên tai

Hạn, mặn tấn công ĐBSCL: Xem hạn hán, xâm nhập mặn là thiên tai

VOV.VN - Vấn đề đặt ra nếu không có những giải pháp căn cơ thì khả năng hạn, mặn sẽ xảy ra thường xuyên hơn và gay gắt hơn