Giảm nghèo nhờ kế hoạch hoá gia đình

Đồng bào Cơtu ở xã Sông Kôn (Đông Giang, Quảng Nam) đã nhiều năm không có hộ sinh con thứ 3. Bên mái nhà Gươl bập bùng ánh lửa, chúng tôi được nghe kể về những “kỳ tích” trong công tác dân số ở địa phương…

Chuyện thôn Sơn

Thôn Sơn (xã Sông Kôn) là thôn văn hóa, nơi cư trú lâu đời của đồng bào Cơtu. Từ năm 2000, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước trong cuộc vận động “Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt”, được sự tuyên truyền và sự vận động của cán bộ dân số xã, cùng với cộng tác viên dân số của thôn, đồng bào Cơtu từng bước thực hiện có hiệu quả theo hướng tích cực. Đã 9 năm liền, trong thôn không có người sinh con thứ ba trở lên.

Nhờ thực hiện tốt chương trình DS-KHHGĐ nên 100% con em Cơtu ở xã Sông Kôn đều được đến trường.

Ban đầu, cán bộ dân số thôn đã đến từng hộ để động viên và giải thích sự khó khăn, vất vả khi sinh nhiều con. Tại các buổi sinh hoạt thôn, cán bộ các ban ngành trong thôn còn phối hợp lồng ghép tuyên truyền về việc không sinh con thứ ba trở lên, về giới tính, về các biện pháp sinh hoạt tình dục lành mạnh, an toàn. Trong đó, biện pháp sử dụng bao cao su luôn được cán bộ thôn chú trọng tuyên truyền. Từ nhận thức cá nhân, dần dà bà con đã cùng nhau trao đổi, động viên lẫn nhau trong việc sinh đẻ có kế hoạch, bảo vệ sức khỏe trẻ em và phụ nữ mang thai…

Ông Alăng Liêu- Trưởng ban quản trị thôn Sơn phấn khởi: “Thôn mình luôn được các cấp ủy đảng trong xã khen ngợi, vì làm tốt công tác dân số. Thôn sẽ tiếp tục phấn đấu và giữ vững kết quả không sinh con thứ ba trở lên…”. Cùng chung niềm vui, chị Alăng Thị Nhí - Cộng tác viên Dân số thôn cũng cho biết: “Thôn Sơn chúng tôi luôn được các ngành liên quan và huyện khen thưởng, vì là thôn bền vững, không vi phạm chính sách dân số. Đồng bào tại đây luôn ý thức được rằng, sinh đông con là khổ, không có điều kiện nuôi chúng ăn học, mà thất học thì sẽ dẫn đến nghèo nàn, lạc hậu, đặc biệt còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến phong trào thi đua của thôn. Chúng tôi luôn tổ chức sinh hoạt và cùng với cộng tác viên dân số ở thôn trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền, vận động, nhằm ổn định tư tưởng cho những gia đình nào có ý định sinh con thứ ba…”.

Để có được thành tích như vậy, thật sự phải nói đến công tác vận động, chỉ đạo của cán bộ dân số xã Sông Kôn, phối hợp chặt chẽ với cộng tác viên dân số, lực lượng thanh niên, phụ nữ, mặt trận đoàn thể đến từng nhà vận động, dần dần giúp người dân hiểu và có ý thức tham gia giữ gìn danh hiệu uy tín cho thôn.

Từ nhận thức của người dân cho đến việc làm đầy trách nhiệm của cán bộ thôn, có thể thấy rằng, thôn Sơn đã thay đổi nhiều mặt, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, nhiều hộ dân thoát được cái đói. Đặc biệt, trẻ em thôn Sơn được đến trường đúng độ tuổi, nhiều hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc.

Bút Nga - 10 năm không sinh con thứ 3

Anh Alăng Mười - Trưởng ban quản trị thôn Bút Nga cho biết: “Thôn có 37 hộ với 158 nhân khẩu. Trong đó, gần 33 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã áp dụng các biện pháp tránh thai lâm sàng như: đặt vòng, uống thuốc ngừa thai, dùng bao cao su, đình sản. Từ nhiều năm nay, thôn chúng tôi luôn thực hiện theo các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về dân số- kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ). Kể từ năm 2000 đến nay, nhờ sự vận động, tuyên truyền của cán bộ dân số các cấp, đồng bào Cơtu ở thôn đã từng bước thực hiện có hiệu quả chương trình DS-KHHGĐ…”.

Đồng bào Cơtu ở xã Sông Kôn vui múa hát cồng chiêng trong ngày hội mới

Để làm gương cho cả thôn, vợ chồng anh Alăng Mười đã thực hiện đúng chủ trương, chỉ sinh 2 đứa con. Anh đã phối hợp với các bộ phận liên quan trong thôn đến từng nhà để động viên, giúp đỡ người dân trong việc thực hiện chương trình DS-KHHGĐ sao cho hiệu quả. Anh kể: “Mới lần đầu làm ai cũng ngại, nhưng rồi dần cũng quen. Do đa phần người trong thôn Bút Nga đều là đồng bào Cơtu nên cũng dễ dàng trong việc trao đổi, hướng dẫn. Chính vì thế mà 10 năm nay thôn luôn nằm trong danh sách “Không có người sinh con thứ 3 trở lên”. Đó thật sự là nỗ lực rất lớn của cả cán bộ thôn cho đến từng hộ gia đình của người dân nơi đây…”.

Khi nghe chúng tôi đề cập đến vấn đề này, mắt già làng Arất Choóp bỗng sáng lên vẻ tự hào. Ông bộc bạch: “Người Cơtu mình rất coi trọng con trai, nhà nào không có con trai là không có tương lai vì không ai thờ phụng và trông coi nhà. Chính từ những suy nghĩ đó mà nhiều cặp vợ chồng thường đẻ nhiều, không có kế hoạch. Lúc đầu, khi nghe cán bộ nói đến những vấn đề KHHGĐ, mình cũng không ưng cái bụng vì thấy nó không hợp với văn hoá của dân tộc mình. Nhưng về sau, già dần hiểu và nghe cán bộ nói đúng nên đã cùng vận động mọi người nghe theo”.

>>Toàn xã Sông Kôn có 11 thôn với gần 460 hộ và trên 3.200 nhân khẩu. Trước đây, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do tập quán canh tác, điều kiện sản xuất còn lạc hậu, chủ yếu từ nương, rẫy khoai sắn... Hơn nữa, người dân trước đây thường hay đẻ nhiều, đẻ dày và không có kế hoạch. Từ khi triển khai công tác DS-KHHGĐ đến nay, đã tạo một bước phát triển mới trên địa bàn xã, đời sống nhân dân dần ổn định hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Hiện, xã Sông Kôn tiếp tục vận động và tuyên truyền sâu rộng các lợi ích từ chương trình DS-KHHGĐ mang lại, đồng thời chỉ ra những tác hại trong việc sinh đẻ nhiều con.

Với cách tuyên truyền nôm na, mộc mạc, giản dị và dễ hiểu của cán bộ thôn, bên cạnh sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong xã đã giúp đồng bào Cơtu ở thôn Bút Nga hưởng ứng triệt để, thực hiện có hiệu quả chương trình vận động Quốc gia “Dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt”. Nhờ áp dụng tốt việc tuyên truyền và vận động sinh đẻ có kế hoạch nên nhiều gia đình thanh niên có cơ hội sản xuất chăn nuôi, làm ăn khấm khá như: Arất Ch’ríc (thu nhập bình quân mỗi năm từ 60-70 triệu đồng); Arất Chư (mỗi năm trên 30 triệu đồng); Alăng Mười (thu nhập trên 20 triệu đồng); Alăng Út (25 triệu đồng)…

Trao đổi với chúng tôi, ông Bh’Nướch Quý- Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban Dân số xã Sông Kôn cho biết: “Cái khó trong công tác dân số là làm thế nào để tuyên truyền cho đồng bào nhận thức được tác hại của việc sinh con thứ ba. Bởi phần đông các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ của các thôn là đồng bào Cơtu, thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản và trình độ dân trí chưa cao. Mặc dù vậy, với sự giúp đỡ phối hợp của các ngành trong thôn, từng bước đã giúp đồng bào nhận thức được ý nghĩa của việc không sinh con thứ ba trở lên...”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên