Gian lận thi THPT tại Bắc Giang: 1.600 bài thi được chấm lại

Sở GD&ĐT đã quyết định sẽ tổ chức chấm thanh tra toàn bộ bài thi của thí sinh (TS) tại hội đồng này.

Hơn 1.600 bài thi sẽ được chấm lại

Hội đồng Thi trường THPT dân lập Đồi Ngô có 12 phòng thi với 39 cán bộ, nhân viên, giám thị, 273 TS dự thi. Như vậy, theo quyết định của Sở GD&ĐT Bắc Giang, 1.638 bài thi (mỗi TS dự thi 6 môn) sẽ được chấm thanh tra lại.

Ngày 12/6, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, cho biết, việc thanh tra chấm thi cụ thể như thế nào là do Sở quyết định, Bộ không trực tiếp làm việc này vì đã phân cấp cho cơ sở.

Đoàn thanh tra giám sát quy trình chấm thi, việc thực hiện quy chế của hội đồng chấm thi và trực tiếp chấm thanh tra bài thi (bài đã được chấm 2 vòng độc lập và đã thống nhất điểm). Từ đó đoàn thanh tra phát hiện những trường hợp vận dụng đáp án, biểu điểm chưa chính xác, cộng nhầm điểm, bỏ sót ý hoặc bỏ qua những dấu hiệu vi phạm khác.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng khẳng định việc chấm thanh tra toàn bộ kết quả bài thi của hội đồng thi trên sẽ không ảnh hưởng gì đến tiến độ chấm thi của tỉnh này. Việc chấm thi trên toàn tỉnh vẫn được diễn ra bình thường và kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn được công bố chậm nhất ngày 18/6.

Xử lý cán bộ vi phạm hay các thí sinh ?

Về việc xử lý vi phạm đối với các TS tại hội đồng thi này, Sở GD&ĐT sẽ căn cứ vào các chứng cứ nêu trong các đoạn phim và các chứng cứ phát hiện qua việc chấm thi để xử lý theo quy chế.

GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, cho rằng việc chấm thanh tra lại toàn bộ bài thi của hội đồng thi là cần thiết nhưng chỉ nên căn cứ vào kết quả thi đó để tập trung vào việc xử lý những cán bộ, giáo viên có vi phạm.

GS Hạc nêu quan điểm: “Vi phạm là do người lớn gây ra vì Bộ cũng cho rằng có dấu hiệu đưa bài giải từ bên ngoài vào phòng thi. Nếu coi thi nghiêm túc thì TS buộc phải làm bài theo đúng thực lực của mình, nhưng nếu được chính giám thị, cán bộ hội đồng coi thi “ném bài” thì đương nhiên TS sẽ chép bài thi đó chứ không mất công ngồi suy nghĩ để làm bài”.

GS Phạm Minh Hạc đặt vấn đề: “Nếu chấm lại bài thi, thấy có dấu hiệu tiêu cực thì xử lý theo đúng quy chế, mức độ cao nhất là hủy kết quả bài thi. Như vậy liệu có gây thiệt thòi cho TS hay không, vì nếu coi thi nghiêm, chắc chắn không ít TS trong số đó có thể đỗ tốt nghiệp khi làm bài dựa trên khả năng của mình, do Bộ ra đề theo hướng học sinh có học lực trung bình cũng có thể đậu tốt nghiệp”.

Ông Trần Bá Giao - nguyên Phó chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, người có nhiều năm kinh nghiệm trực tiếp làm công tác thanh tra thi cho rằng: “Đã có những năm Bộ phải chấm thẩm định những phòng thi có dấu hiệu vi phạm quy chế thi và phải sử dụng kết quả chấm lại đó”.

Còn ông Lê Tiến Hưng - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, người đã trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ việc tương tự ở hội đồng thi THPT Nam Đàn 2, Nghệ An trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006 (một giám thị tại hội đồng thi đã quay lại các cảnh tiêu cực ở hội đồng của mình trong khi làm nhiệm vụ coi thi - PV) tâm sự: “Tôi tin rằng, trong trường hợp này, Bộ sẽ có quyết định phù hợp để không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống, tương lai của người học. Theo quan điểm của tôi, không nên hủy kết quả để đánh trượt TS”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên