5 yếu kém của ngành giáo dục

Một trong những yếu kém được Bộ GD-ĐT nên ra là việc quản lý hệ thống giáo dục còn nhiều bất cập; phân cấp quản lý giáo dục chưa hợp lý giữa các bộ, ngành, địa phương

Trong báo cáo tổng kết năm học 2008 - 2009, Bộ GD – ĐT thẳng thắn thừa nhận 5 yếu kém của ngành GD là: Thứ nhất, nhìn chung chất lượng GD còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; đặc biệt ở các vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, HS yếu kém còn chiếm tỷ lệ khá cao, việc huy động HS ra lớp và duy trì tỷ lệ đi học chuyên cần gặp nhiều khó khăn.

Thứ 2, quản lý hệ thống GD còn nhiều bất cập, hạn chế hiệu quả và chất lượng GD: Phân cấp quản lý giáo dục chưa hợp lý giữa các bộ, ngành, địa phương, hệ thống quản lý chất lượng giáo dục mới hình thành, chưa phát huy vai trò trong thực tế.

Thứ 3, kết quả về đổi mới phương pháp dạy và học vẫn còn hạn chế, vẫn còn phổ biến tình trạng dạy theo cách “đọc chép”. Dù bộ đã có chỉ đạo bước đầu nhưng vẫn chưa thống nhất được mô hình, phương pháp và tài liệu phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học. Phương pháp và chất lượng đào tạo giáo viên chưa theo kịp yêu cầu đổi mới của GD.

Thứ 4, một trong những bất cập kéo dài nhiều năm mà bộ chưa chỉ đạo giải quyết có kết quả đó là tình trạng thiếu, thừa giáo viên ở các cấp học.

Thứ 5, hiện nay cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường ở nhiều địa phương vẫn còn thiếu thốn và lạc hậu...

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2008-2009, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đánh giá: Năm học vừa qua, ngành đã đạt được những kết quả đáng kể. Sau 3 năm thực hiện, cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong GD” đã đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả cụ thể, có tác dụng thúc đẩy GD phát triển. Môi trường giáo dục lành mạnh trong nhà trường tiếp tục được xác lập. Chất lượng GD cơ bản từng bước được nâng lên. Tình trạng HS yếu kém đã được quan tâm khắc phục, HS bỏ học giảm 41% so với năm học trước.

Tuy nhiên, số lượng HS bỏ học cuối học kỳ I năm học 2008-2009 vẫn cao: 86.269 em, chiếm tỷ lệ 0,56% số HS phổ thông, giảm 41% so với cùng kỳ năm học 2007-2008 (147.005 em, tỷ lệ 0,94%). Đặc biệt vùng đồng bằng Sông Cửu Long tỷ lệ HS phổ thông bỏ học giảm mạnh từ 1,63% học kỳ I năm học 2007-2008 xuống còn 0,88% học kỳ I năm 2008-2009.

Năm học vừa qua, đã có 6 tỉnh đạt chuẩn phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi, nâng số tỉnh đạt chuẩn phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi lên 47/63 tỉnh (đạt 74,6%). Cũng từ đầu năm học 2008-2009 đến nay, đã có 13 tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập GD THCS. Tính đến ngày 30/6/2009, số tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập GD THCS: 55/63 (tỉ lệ 87,3%). Còn lại hầu hết các tỉnh chưa đạt chuẩn lại là miền núi, vùng sâu, vùng xa. Chất lượng công tác phổ cập THCS chưa cao, nguy cơ tái mù chữ và mất chuẩn vẫn còn tiềm ẩn ở một số tỉnh. Một số địa phương xây dựng kế hoạch phổ cập GDTH đúng độ tuổi chưa sát với điều kiện thực tế, không thực hiện được đúng kế hoạch đã đề ra.

Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, 2009 - 2010 là năm học được triển khai với chủ đề “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GD”, theo đó, một loạt các giải pháp nâng cao chất lượng GD sẽ được triển khai. Ngành GD phát động, trong vòng 2 năm bắt đầu từ năm học 2009 - 2010, chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua “đọc - chép” ở THCS và THPT. Mỗi giáo viên, cán bộ quản lý GD thực hiện một đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý. Mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học. Mỗi tỉnh có 1 chương trình đổi mới phương pháp dạy học.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thiện Nhân, một nhiệm vụ trọng tâm nữa của năm học 2009 - 2010 là kiên quyết khắc phục việc thiếu giáo viên tại các tỉnh, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên được tuyển dụng. Bộ yêu cầu tất cả các Sở GD - ĐT cần xác định nhu cầu giáo viên các cấp học, các môn học giai đoạn 2009 - 2015, lập kế hoạch đào tạo giáo viên theo nhu cầu của tỉnh, đặt hàng các đại học, cao đẳng sư phạm trong và ngoài tỉnh đào tạo, kết hợp các chính sách khuyến khích giáo viên công tác tại địa phương, đảm bảo từ sau năm 2012 không còn tình trạng thiếu giáo viên có chất lượng ở tất các các bậc học và môn học. Phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú theo quy hoạch thống nhất, nâng cao chất lượng dạy học của trường phổ thông dân tộc nội trú./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên