70.000 tỷ và vấn đề đổi mới giáo dục

Đầu tư cho giáo dục có lẽ không dừng ở 70.000 tỷ đồng, mà có thể nhiều hơn. Nhưng số tiền ấy được sử dụng như thế nào, hiệu quả ra sao?... là vấn đề cần bàn thảo kỹ

Những ngày qua, báo chí phản ánh khá nhiều ý kiến của các nhà giáo, các nhà khoa học và đông đảo phụ huynh học sinh về một Đề án giáo dục mà mức đầu tư của nó được xác định là lớn nhất từ trước đến nay: 70.000 tỷ đồng. Đó là Đề án Đổi mới chương trình và SGK sau năm 2015.

Tên gọi thì như vậy, nhưng theo thiết kế đề án, kinh phí dành cho việc xây dựng chương trình và SGK chỉ hơn 960 tỷ đồng, tức là chiếm chưa đầy 1/70 tổng kinh phí của Đề án, số còn lại, chi cho các công việc khác như: Xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 35.000 tỷ đồng; mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học khoảng 30.000 tỷ đồng và hơn 390 tỷ đồng dành cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Con số 70.000 tỷ dành cho một Đề án giáo dục là rất lớn. Nhưng vấn đề lớn hơn, được dư luận quan tâm lại nằm ở chỗ, việc xác định làm chương trình và SGK mới là mũi đột phá đầu tiên trong quá trình đổi mới “cơ bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam” đã đúng hay chưa? Tính khoa học, tính thực tiễn và hiệu quả của Đề án đến đâu?

Ai cũng biết, chương trình và SGK hiện hành đang bộc lộ nhiều bất cập. Cho dù bộ SGK này mới qua vài vòng sử dụng, nhưng nó đã khiến đội ngũ thầy và trò ở các nhà trường hết sức mệt mỏi bởi sự quá tải, nặng nề thiếu tính thực hành, thực tiễn. Đây là một trong những tác nhân quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, gây bức xúc xã hội.

Nhưng, thực tiễn giáo dục không chỉ có vậy. Có những câu chuyện lớn hơn, không kém bức xúc, thậm chí là nỗi nhức nhối của ngành giáo dục lâu nay, vẫn đang trong tình trạng loay hoay tìm lối ra. Đó là những yếu kém, bất cập trong quản lý giáo dục. Không ít lần, lãnh đạo ngành giáo dục đã phải thừa nhận: quản lý giáo dục đang là khâu yếu nhất hiện nay, đây là nguyên nhân của nhiều nguyên nhân gây ra những yếu kém khác của ngành.

Cho dù, nhiệm vụ “đổi mới quản lý” đã được đưa vào chủ đề năm học và lâu nay được Bộ GD&ĐT xác định là giải pháp đột phá để khắc phục những hạn chế của ngành, nhưng trên thực tế vẫn chưa thoát khỏi cơ chế xin - cho, không phát huy được tính chủ động sáng tạo của các nhà trường. Tình trạng ôm đồm, chồng chéo, kém hiệu quả trong quản lý vẫn diễn ra phổ biến, khiến cho hệ thống giáo dục và tính chỉnh thể của cả hệ thống đang bị phá vỡ. Cơ cấu, mối quan hệ giữa các ngành học, bậc học mất cân đối nghiêm trọng. Cùng với đó, Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020 - vấn đề hệ trọng chi phối các hoạt động giáo dục, cho đến nay vẫn chưa được công bố, dẫu đã qua 20 lần dự thảo.

Có lẽ vì quá nhiều vấn đề căn cốt của giáo dục chưa được giải quyết, cho nên Đề án Đổi mới chương trình và SGK cho dù mới là dự thảo, ngay khi đưa ra bàn thảo đã không nhận được sự đồng thuận trong ngành và xã hội. Tiến sĩ Phạm Thị Ly, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Đại học Quốc gia TP HCM phải thốt lên: “Trong bối cảnh những vấn đề sống còn của giáo dục như triết lý giáo dục, chính sách và chiến lược phát triển giáo dục còn chưa được giải quyết, thì 70.000 tỷ đồng cho việc biên soạn sách giáo khoa và trang thiết bị là một việc khiến người ta phải kinh hãi”.

Dù Đề án đang trong giai đoạn “dự thảo”, lộ trình để hoàn thiện và thông qua còn dài, nhưng tiếc rằng, theo nhiều chuyên gia giáo dục thì ngay đến tên gọi của Đề án cũng không chính xác. Dù là dự thảo, thì cũng phải dựa trên các căn cứ thực tiễn và khoa học chặt chẽ, chứ không thể làm theo qui trình ngược!

GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Thanh niên thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Việc làm trước mắt lúc này là phải “Đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục” như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã nêu (hay nói như một số người là cần có một cuộc cải cách giáo dục). Nếu chưa làm được việc này, chưa có Chiến lược giáo dục, thì chưa thể nói đến chương trình và SGK mới. Bởi, để làm được một chương trình mới giải quyết được những bất cập hiện tại, liên quan đến nhiều yếu tố: Mô hình hệ thống giáo dục phổ thông trong tương lai sẽ như thế nào, 11 năm hay 12 năm? Mỗi cấp học mấy năm? Chương trình xây dựng cho học một buổi hay hai buổi? Số lượng môn học và tích hợp các môn học như thế nào ở từng cấp là đủ và không gây quá tải? Có tổ chức dạy học phân ban không? Nếu có thì tổ chức phân ban thế nào để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, chứ không phải chỉ để phục vụ kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng...

Rất nhiều các ý kiến đã bày tỏ trên báo chí những ngày qua, tạo bầu không khí sôi động, cởi mở trong giáo giới, cho chúng ta niềm tin về một xã hội ngày càng dân chủ hơn, trách nhiệm hơn và bản lĩnh hơn của các nhà giáo, các tầng lớp nhân dân đối với các vấn đề của giáo dục - một lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm và không được phép sai lầm, bởi nó tác động trực tiếp đến sự phát triển của con người, đến tương lai của dân tộc. Nhưng, cũng chính bầu không khí đã giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn về những cái thiếu, cái yếu trong hành trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ ra.

Với quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho tương lai, Nhà nước và nhân dân sẽ tiếp tục đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, không chỉ là 70.000 tỷ đồng mà có thể là nhiều, nhiều hơn thế nữa. Nhưng số tiền ấy được chi cho những việc gì, dựa trên quan điểm và tầm nhìn như thế nào và đạt hiệu quả ra sao, vẫn đang và sẽ là câu hỏi lớn đặt ra?!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên