Đào tạo có yếu tố nước ngoài:

Cần chọn mặt gửi vàng

Người học cần sáng suốt lựa chọn các chương trình đào tạo phù hợp với khả năng bản thân và nhu cầu xã hội

Hiện nay, các chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài như trăm hoa đua nở khiến dư luận lo ngại về chất lượng đào tạo. Làm thế nào để người học lựa chọn được những cơ sở đào tạo có chất lượng, bằng cấp có giá trị, ra trường dễ kiếm được việc làm?

Giờ học của SV năm thứ nhất Khoa quản trị kinh doanh chương trình liên kết giữa Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM với Trường ĐH Northcentral University (NCU - USA) (Ảnh Tuổi trẻ)

Nên theo học ở những trường mà văn bằng đã được kiểm định, công nhận

Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT:  cho biết, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Ở cấp quốc gia, các chương trình đào tạo liên kết huy động được nguồn lực của nhân dân đóng góp cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; giải quyết nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên; hạn chế nguồn ngoại tệ chảy ra nước ngoài.

Đối với ngành giáo dục, việc liên kết giúp các cơ sở giáo dục trong nước có cơ hội tiếp cận với các chương trình tiên tiến, nâng cấp, cải tiến chương trình giảng dạy, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy.

Đối với người học, họ có nhiều cơ hội lựa chọn các chương trình học tập phù hợp, vừa có chất lượng quốc tế mà không quá tốn kém. Liên kết giáo dục là con đường giúp Việt Nam hội nhập nhanh với kinh tế quốc tế.

PV: Thưa ông, hiện nay, Cục Đào tạo với nước ngoài đã phê duyệt được bao nhiêu chương trình liên kết với nước ngoài? Ông đánh giá như thế nào về chất lượng các chương trình đã được phê duyệt?

Ông Nguyễn Xuân Vang: Hiện nay có gần 300 chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài được phép, trong đó có 155 chương trình do Bộ GD-ĐT cấp phép. Các chương trình còn lại do một số trường đại học cấp phép như: Đại học Quốc gia Hà Nội, TP HCM, Đại học Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng.

Với những chương trình được Bộ GD-ĐT cấp phép, tôi đảm bảo về chất lượng vì khi cấp phép chúng tôi đã kiểm tra tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài, kiểm định về chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất, điều kiện nhập học của học sinh, sinh viên.

PV: Thực tế hiện nay còn tồn tại những cơ sở nước ngoài không được cấp phép mà vẫn hoạt động tại Việt Nam. Bộ GĐ-ĐT có biện pháp xử lý như thế nào với những trường hợp này, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Vang: Đúng là thực tế hiện nay có nhiều chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài hoạt động “chui”, không qua cơ quan quản lý nào cấp phép. Bộ GD-ĐT thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra để phát hiện và đình chỉ các trường hợp vi phạm. Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện văn bản mới để thay thế cho Nghị định 18 (ban hành năm 2001) quy định về việc thành lập các cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.

Trong văn bản mới chúng tôi quy định cụ thể, rõ ràng hơn về việc liên kết này, quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, về bằng cấp… Ngoài Bộ GD-ĐT, tôi cũng mong các bộ, cơ quan, ban, ngành khác tham gia cùng với Bộ GD-ĐT phát hiện và xử lý những vi phạm ở địa phương mình.

PV: Nhiều giảng viên Việt Nam đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục liên kết với nước ngoài tự nhận thấy sự hạn chế về khả năng truyền đạt bằng ngôn ngữ nước ngoài. Bộ GĐ-ĐT có chương trình gì giúp đỡ những giảng viên Việt Nam nâng cao trình độ ngoại ngữ không, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Vang: Theo Đề án 322 thực hiện từ năm 2000 đến nay, giáo viên các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước đều có quyền đăng ký học sau đại học như: thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Chính phủ cũng vừa phê duyệt Đề án 911 dành riêng cho giáo viên các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước đi học bồi dưỡng nâng cao ở nước ngoài. Thời gian qua, Bộ GD-ĐT thường xuyên nhận hồ sơ, đơn xin đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài của giảng viên Việt Nam. Những người đang học tập trong nước cũng có thể làm đơn ra nước ngoài học từ 6 tháng đến 1 năm để nâng cao khả năng ngoại ngữ, khả năng nghiên cứu. Thêm nữa, trong chương trình giảng dạy liên kết bao giờ cũng có thỏa thuận, các trường nước ngoài sẽ giúp các trường Việt Nam nâng cao trình độ ngoại ngữ và chuyên môn cho giảng viên Việt Nam.

PV: Ông có lời khuyên như thế nào đối với các học sinh đang muốn theo học ở các chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài?

Ông Nguyễn Xuân Vang: Người học cần sáng suốt lựa chọn các chương trình đào tạo phù hợp với khả năng bản thân và nhu cầu xã hội. Trước khi vào học, cần tìm hiểu kỹ xem chương trình đào tạo đó đã được phía Việt Nam cấp phép chưa. Nên theo học ở những trường mà văn bằng đã được kiểm định, công nhận. Nếu thấy trường đó tuyển đầu vào quá linh hoạt thì cần tìm hiểu kỹ hơn về trường đó. Trường giảng dạy qua phiên dịch, hay cắt xén chương trình cũng cần xem xét lại. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm có thể báo với chúng tôi để xử lý.

Xin cảm ơn ông!

GS.TSKH Nguyễn Trọng Do, Chủ nhiệm Khoa quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội: Đảm bảo chuẩn như giảng viên nước ngoài

Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở công lập đầu tiên của Việt Nam tham gia liên kết quốc tế. Ban đầu, chúng tôi cũng chưa có các văn bản làm căn cứ để thẩm định, phê duyệt đối tác, vì thế, chúng tôi lựa chọn theo những nguyên tắc cơ bản sau. Thứ nhất, trường đại học nước ngoài phải là trường đã được kiểm định. Thứ hai, chương trình mang đến cho sinh viên, học viên Việt Nam phải là chương trình chính quy, được kiểm định công nhận.

Những chương trình không được kiểm định rất nguy hiểm cho người học vì văn bằng ít giá trị, hoặc không có giá trị. Hoặc những chương trình chỉ kiểm định online, kiểm định từ xa, kiểm định trên mạng chất lượng cũng kém và đương nhiên văn bằng cũng chỉ có giá trị tương đương với chất lượng đó. Thứ ba là sự tham gia trực tiếp của trường nước ngoài vào quá trình đào tạo và họ phải kiểm soát chất lượng.

Phía Việt Nam cũng phải xây dựng được đội ngũ giảng viên 3 trong 1: Trình độ chuyên môn luôn luôn cập nhật, thành thạo ngoại ngữ và phải có năng lực sư phạm. Đồng thời phải có sự chuẩn bị cơ sở vật chất phù hợp với chương trình để người học được hưởng đúng quyền lợi, chất lượng quốc tế, được nhận văn bằng có giá trị quốc tế.

Các chương trình liên kết ở trường tôi 100% giảng dạy bằng tiếng nước ngoài. Còn yêu cầu về giảng viên nước ngoài thì tùy theo từng chương trình đào tạo mà có yêu cầu riêng. Ví dụ, đào tạo sau đại học thì phải trên 50% giảng viên nước ngoài. Đào tạo bác sĩ, nha khoa của Pháp thì 70% giảng viên nước ngoài. Các chương trình đào tạo đại học khác thì trên dưới 30% giảng viên nước ngoài.

Giảng viên nước ngoài kiểm soát toàn bộ quá trình giảng dạy. Giảng viên Việt Nam phải giảng theo đề cương do giảng viên nước ngoài phụ trách bộ môn đó biên soạn. Những giảng viên Việt Nam muốn tham gia vào chương trình đào tạo liên kết quốc tế đều phải gửi hồ sơ sang nước họ để họ thẩm định. Như vậy, giảng viên Việt Nam cũng đảm bảo chuẩn như ở nước ngoài.

Chị Nguyễn Thị Định, học viên Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế, Viện Đại học Mở Hà Nội: Tăng tính chủ động của mỗi cá nhân

Học chương trình liên kết, tôi được tiếp cận giáo trình quốc tế và cách thức giảng dạy khác với Việt Nam. Các thầy cô dựa trên chương trình giảng dạy của Australia và tìm ra cách dạy phù hợp với Việt Nam. Chương trình dạy chú trọng đến thực hành và công việc thực tiễn. Lý thuyết học ít hơn.

Do chương trình đào tạo bằng tiếng Anh nên sau khi tốt nghiệp ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên còn có khả năng giao tiếp, sử dụng tiếng Anh hiệu quả cho công việc của mình. Phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm, sinh viên được khuyến khích trao đổi, trình bày ý tưởng thảo luận với giáo viên và các sinh viên khác làm tăng khả năng thuyết trình và tính chủ động của mỗi cá nhân. Các anh chị khóa trước cho biết, bằng cấp ở đây ra trường rất dễ xin việc.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, giảng viên Trường ĐH Hà Nội: Kém tiếng Anh, chất lượng sẽ hạn chế

Chủ trương liên kết đào tạo với nước ngoài rất hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước. Đào tạo với nước ngoài mở ra nhiều cơ hội cho các em học sinh, sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, tôi thấy còn nhiều vấn đề bất cập. Ví dụ, trước đây, trường Đại học Ngoại ngữ (cũ) liên kết đào tạo với Đại học Quốc tế châu Á. Sau một thời gian liên kết đào tạo mới vỡ lẽ họ không có tư cách pháp nhân đào tạo đại học, hay thạc sĩ, tiến sĩ.

Bây giờ những chuyện tương tự vẫn diễn ra. Tôi thấy nhiều trường liên kết đào tạo với nước ngoài, giảng dạy bằng tiếng Anh nhưng tiếng Anh lại không phải là yêu cầu bắt buộc với học sinh tham dự các khóa học. Nếu học viên không giỏi tiếng Anh, không thể nghe và viết được bài thì không hiểu chất lượng đào tạo sẽ như thế nào./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên