Danh hiệu và nghĩa vụ cống hiến cho đất nước
VOV.VN - Chúng ta có đội ngũ GS-TS rất đông, nhưng rất nhiều nghiên cứu khoa học ứng dụng trong đời sống hiện nay lại ít khi ra đời từ các Viện nghiên cứu.
Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước vừa ký quyết định công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2015 cho 522 người, nâng tổng số nhà giáo được phong hàm lên hơn 11.600 người. Đó là điều đáng mừng cho sự nghiệp giáo dục- khoa học của nước nhà. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, đội ngũ này vẫn còn mỏng. Không chỉ mỏng so với số đầu học sinh, sinh viên mà còn mỏng hơn khi so với yêu cầu chất lượng, và đặc biệt là so với yêu cầu nghiên cứu khoa học, sáng tạo, công hiến cho thực tiễn phát triển đất nước.
Một buổi lễ công bố chức danh giáo sư. |
Sau thời gian thẩm định, xét duyệt hồ sơ, Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước đã quyết định công nhận 52 nhà giáo đạt học hàm Giáo sư và 470 nhà giáo đạt hàm Phó giáo sư. So với năm ngoái, số nhà giáo đạt học hàm Giáo sư – Phó giáo sư năm nay giảm 122 người, nhưng theo lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Phạm Vũ Luận, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước thì chất lượng tốt hơn, số lượng bài báo quốc tế của các nhà giáo cũng nhiều hơn, trình độ ngoại ngữ tốt hơn. Điều đáng mừng là hơn 60% số tân Giáo sư- Phó Giáo sư được phong năm nay có độ tuổi từ 50 trở xuống, hầu hết là giảng viên đại học, có người chỉ 31 tuổi.
Như vậy, tính đến nay, cả nước có 11.620 GS- PGS với tỉ lệ giảng dạy chiếm 44%; 101.000 thạc sĩ và 24.300 tiến sĩ với tỷ lệ đang tham gia giảng dạy 36%. Ai cũng hiểu rằng, số lượng Giáo sư- Tiến sĩ là một trong những điều kiện để các trường đại học được cấp phép thành lập và tổ chức hoạt động đào tạo. Vậy, hơn một nửa số GS-PGS và hai phần ba số Thạc sĩ- Tiến sĩ còn lại không giảng dạy, họ đang làm gì? Phải chăng nước ta đang thừa Giáo sư- Tiến sĩ!
Đặt ra câu hỏi này không phải để tính toán chuyện thiếu hay thừa đội ngũ Giáo sư – Tiến sĩ. Bởi học tập là nhu cầu chính đáng cần được khuyến khích đối với mỗi cá nhân. Người học cao, hiểu rộng chắc chắn được xã hội trọng vọng. Điều xã hội băn khoăn là ở sự đóng góp thực sự của đội ngũ này cho dân cho nước.
Có một thực tế là mỗi năm chúng ta dành khoảng 2-3% ngân sách quốc gia đầu tư cho khoa học công nghệ; mỗi năm cả nước cũng có tới hàng ngàn công trình nghiên cứu khoa học được công bố. Nhưng trong vòng 15 năm qua, trung bình mỗi giáo sư của chúng ta chỉ công bố được khoảng 0,5 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế. Con số này chỉ bằng khoảng 1/5 so với Thái Lan, 1/6 so với Malaysia và 1/10 so với Singapore. Chuyện công trình khoa học đút ngăn kéo là một thực tế đã được bàn luận công khai trên nghị trường Quốc hội.
Chúng ta có đội ngũ Giáo sư – Tiến sĩ rất đông, nhưng rất nhiều nghiên cứu khoa học ứng dụng trong đời sống hiện nay lại ít khi ra đời từ các Viện nghiên cứu, mà lại là từ các “nhà khoa học chân đất” - Nông dân! Đó có thể là một nông dân ở An Giang lai tạo ra giống lúa kháng được sâu bệnh, giúp nông dân không tốn một giọt thuốc trừ sâu nào; đó có thể là một nông dân ở Cần Thơ chế tạo ra máy gặt đập; rồi một thanh niên ở Bến Tre chế ra máy điện gió giúp người dân biển Bình Đại quê anh được dùng điện ….Không bằng cấp, không học hàm, học vị nhưng những sáng chế của họ đã sát thực tế, giúp ích rất nhiều cho cuộc sống. Điều đó khiến xã hội phải đặt ra câu hỏi: Vì sao rất nhiều công trình của giới khoa học chỉ để trong ngăn kéo?.
Bởi thực tế, có rất nhiều Giáo sư-Tiến sĩ đang làm việc trong các cơ quan Nhà nước, các sở, ban, ngành, viện nghiên cứu. Căn bệnh sính bằng cấp đang làm cho số người biến nhiệm vụ phục vụ đất nước và nhân dân trong nhiệm kỳ của mình trở thành sự nghiệp chuẩn hóa bằng cấp. Hậu quả là số lượng người có hàm học vị cao ngày càng tăng nhưng sự cống hiến của họ cho sự phát triển khoa học công nghệ, giáo dục lại không được như xã hội kỳ vọng.
Có lẽ dư luận thắc mắc và cho rằng chúng ta đang “lạm phát” Giáo sư –Tiến sĩ, là ở những đối tượng này! Cái mác Giáo sư-Tiến sĩ có thể giúp cho người nọ người kia lên nhanh những chức vụ to hơn. Nên chắc sẽ còn nhiều Giáo sư –Tiến sĩ như thế ra đời. Nhưng dân có mắt! Dân sẽ phân biệt được rõ đâu là danh, đâu là thực. Những người khoác trên mình học hàm, học vị không tương xứng với tài năng, không đóng góp xứng đáng công sức, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước, thì trong mắt người dân, họ chỉ là những “Tiến sĩ giấy”!./.