Dạy con sao cho khéo ?

Nếu bạn muốn con làm gì, bạn nên dùng những câu như “con làm giúp mẹ cái này”, “con làm giúp ba điều này”. Không nên ra lệnh…Và nhớ cám ơn khi trẻ làm xong...

Chúng ta thường hay có suy nghĩ là “nhìn cha biết con”, “hoặc rau nào sâu nấy”. Hãy khoan nói về ảnh hưởng bẩm sinh theo di truyền học, ở đây chỉ muốn bàn về sự ảnh hưởng đến con cái qua cách thức ăn nói, cách thức và thái độ ứng xử hàng ngày của các bậc cha mẹ, trong sinh hoạt gia đình.

Tác dụng của 2 tiếng cám ơn

Nên tập cho con cái phép lịch sự và lòng biết ơn khi chúng ta nói cám ơn, trong bất cứ việc nhỏ nào mà chúng làm giúp cha mẹ. Người Việt ngày hôm nay, theo nhận xét của một số học giả và nhà giáo dục, thường quên dùng 2 chữ cám ơn. Chúng ta ngại, vì sợ bị cho là khách sáo? Nếu ngày mai, bạn giúp ai đó việc gì, và khi người này nói cám ơn với bạn, bạn hãy thử chú ý cái cảm giác bên trong mình khi nghe 2 tiếng đó. Suy luận ra, chúng ta cũng hiểu 2 tiếng ấy quan trọng như thế nào đối với người khác. Và chính trong lòng chúng ta cũng có cảm giác vui sướng, một sự tự hào nho nhỏ về thái độ lịch sự của mình, khi chúng ta nói cám ơn ai.

Đối với trẻ em, lời cám ơn của cha mẹ trước hết là một sự khen ngợi, giúp các em tự tin, biết rằng mình đã làm cho cha mẹ hài lòng. Kế đến là sự vui sướng, hạnh phúc vì trẻ cảm nhận được sự quan tâm, tình yêu thương của cha mẹ. Ngoài ra, 2 tiếng cám ơn còn làm cho trẻ cảm nhận được sự tôn trọng của cha mẹ dành cho chúng. Tất cả những điều này giúp trẻ phát triển tốt trong gia đình và tạo ra một thói quen lịch sự lễ độ về sau, khi trẻ bắt đầu có những giao tiếp với bên ngoài như ở trường học, nơi công cộng.

Tôi nhớ những năm đầu của bậc tiểu học, lúc đó tôi học ở một trường của các Ma Soeur ở Đà Lạt. Mỗi khi tôi làm được một việc mọn để giúp các Soeur bao giờ tôi cũng nhận được những tiếng cám ơn và những nụ cười ngọt ngào. Những lần đó tôi rất sung sướng, lòng lâng lâng cả buổi học, và tôi cứ nghĩ làm sao để trở nên ngoan ngoãn hơn, tốt hơn.

Nên “nhờ”, không nên sai khiến trẻ

Nếu bạn muốn con làm gì, bạn nên dùng những câu như “con làm giúp mẹ cái này”, “con làm giúp ba điều này”. Không nên ra lệnh. Việc chúng ta “nhờ” trẻ em, sẽ làm cho chúng dễ hài lòng hơn và tuân theo. Ngược lại mệnh lệnh từ cha mẹ rất dễ làm cho trẻ phản kháng, chống lại hoặc làm một cách miễn cưỡng, gượng gạo. Mệnh lệnh cũng dễ làm cho trẻ mặc cảm là cha mẹ không quan tâm hoặc ít yêu thương mình và trở nên xa cách cha mẹ. Chẳng hạn bạn có thể nhờ con mình: “Con chạy sang phòng lấy giùm mẹ cuốn sách…” Hoặc: “Con mang rác ra bỏ ngoài giùm ba”… Và nhớ cám ơn khi trẻ làm xong.

Bạn nên nhờ con cái, nếu chúng không bận gì. Việc “nhờ” các chuyện nhỏ có tác dụng làm cho các em có ý thức về vai trò của mình trong gia đình, cũng thấy được sự “quan trọng” của mình vì được cha mẹ nhờ cậy nữa. Cách này cũng tập cho các em siêng năng, tháo vát, thói quen chia sẻ trách nhiệm về sau, mà cũng làm cho cha mẹ gần gũi, thân mật hơn với con cái. Khi “nhờ vả”, khác với mệnh lệnh, chúng ta cần nhớ sự ngọt ngào và động viên.

Luôn luôn khuyến khích

Có những việc trẻ em thấy khó và không muốn cố gắng để hoàn tất, hay tệ hơn là tránh, không muốn làm. Điều này sẽ thấy rất rõ khi chúng ta bắt đầu dạy cho trẻ học. Tập cho trẻ có thói quen kiên nhẫn, suy nghĩ và giải quyết vấn đề là hết sức quan trọng. Có những đồ chơi có thể tạo ra thói quen này cho trẻ em như trò chơi sắp các hình khối, trò chơi ráp các hình như LEGO… Thường cha mẹ nên cùng chơi với trẻ và động viên trẻ tự làm với sự giúp đỡ khi cần thiết. Những lần sau cha mẹ nên “nhờ” trẻ ráp cho ba, cho mẹ cái hình này, hình nọ… và nhớ chia sẻ ý tưởng, khen ngợi, khuyến khích. Nên nói những câu như “con mẹ giỏi quá, hay quá”, “làm được rồi, đẹp quá…”

Khi trẻ bắt đầu được học và gặp những vấn đề khó, các em có thể thoái thác,né tránh hoặc làm biếng…Đừng la nạt hay phạt, trách móc, nên kiên nhẫn, hướng dẫn và khuyến khích trẻ. Nên nói những câu như “à không có gì khó đâu, để mẹ giúp cho rồi con làm được liền à…”, hoặc “con ba giỏi lắm, ráng học mai mốt lớn lên còn làm được này nọ…” Cần nhớ những lời khích lệ của cha mẹ vô cùng quan trọng đối với trẻ em, vì chính điều này làm cho trẻ em tự tin và nỗ lực để phát triển bản thân. Khi biết con mình được giao việc gì quan trọng ở trường, ví dụ như đứng ra thuyết trình trước các bạn chẳng hạn, những lần như vậy, những lời khích lệ động viên của cha mẹ là yếu tố quan trọng giúp trẻ thành công.

Trong đời sống hàng ngày cũng vậy, bất cứ chuyện gì trẻ làm được, cha mẹ cũng phải sẵn sàng “hào phóng” lời khen ngợi. Nếu chúng ta luôn luôn tỏ ra tự hào về con cái thì con cái sẽ luôn cố gắng để xứng đáng với niềm tự hào đó.

Đừng bao giờ, trong bất kỳ tình huống nào, mất niềm tin vào trẻ để rồi bộc lộ ra sự bực dọc, thất vọng. Đó là những liều thuốc độc cho con cái của chúng ta, hãy hết sức cẩn trọng.

(ảnh: Vũ Minh Quân)
Nên biết giữ lời hứa với trẻ

Có người bạn nhận xét là trẻ em Việt sống ở nước ngoài thật thà hơn trẻ em ở trong nước. Tôi không biết sự nhận xét ấy đúng đến bao nhiêu phần trăm nhưng tôi có cô em có tật hay “hứa lèo” với con cái và hậu quả là con của cô ta thường không mấy tin tưởng vào những gì mẹ mình nói.

Chúng ta cũng dễ dàng kiểm tra, rằng con cái của những gia đình có bố mẹ hay “hứa lèo” cũng thường hay hứa lèo với bạn bè. Thói ấy chẳng khác gì nói dối. Và tội nghiệp thay, những con người như vậy thường chẳng có mấy bạn bè thân thiết.

Nếu chúng ta không muốn con chúng ta rơi vào tình huống khó xử đối với bạn bè của chúng, hay nếu chúng ta không muốn con cái thất hứa hay nói dối với chúng ta, chúng ta phải nghiêm khắc với chính mình: phải luôn luôn giữ lời hứa với con cái, bất cứ về điều gì.

Khuyền khích trẻ nói sự thật

Chúng ta, những bậc cha mẹ, trước hết phải cố gắng luôn nói thật. Nói thật với con cái đã đành rồi mà nói thật với những người khác, nhất là khi có mặt con cái.  Mặc dù có câu “Sự thật mất lòng” nhưng chúng ta phải đề cao sự thật, như  câu nói “mất lòng trước, được lòng sau”.

Thường trẻ hay dấu giếm, không nói những lỗi lầm, sai phạm, hay sự thất bại của mình vì sợ cha mẹ la mắng, sợ “mất mặt” và cũng vì quen nói dối nữa. Từ đây, các em sẽ có thể “sa lầy” hơn nữa với các sai phạm, để rồi có thể buông xuôi, hư hỏng, hay hình thành các tính cách tiêu cực. Ngoài việc làm gương cho con cái như đã nói, các bậc cha mẹ nên gần gũi, tìm hiểu các sai phạm, lỗi lầm hay sự thất bại của con cái và thay vì trách mắng, hãy an ủi, chia sẻ, động viên, chỉ cho con những cách thức, giúp con vượt qua nhũng khó khăn.

Cũng nên ý thức về việc xây dựng tinh thần không quan trọng hóa những thất bại và thành công, không miệt thị thóa mạ những sa ngã hay lỗi lầm. Cái văn hóa “tốt khoe, xấu che” vẫn đang tồn tại trong xã hội chúng ta là trở ngại trong việc giáo dục trẻ em thành người tốt để xây dựng một xã hội văn minh.

Biết xin lỗi con cái

Đã có nhiều nhận xét “người lớn” trong xã hội chúng ta không thích xin lỗi những người “bên dưới”. Trong gia đình cha mẹ ít xin lỗi con cái, anh chị ít xin lỗi em út. Nếu chúng ta muốn con cái chúng ta phát triển tốt về mặt tâm lý, có đời sống hạnh phúc và có thể trở thành những người tài năng trong một xã hội văn minh thì chúng ta cần phải biết xin lỗi con cái, mỗi khi chúng ta có lỗi, cho dù lỗi rất nhỏ.

Điều này có thể làm giảm “uy thế” của bậc cha mẹ? Thật ra, đây là tấm gương rất tốt từ cha mẹ để trẻ biết thành thật với lỗi lầm của mình, không dấu giếm những sai trái. Sự biết nhận lỗi của cha mẹ đối với con cái giúp con cái gần gũi hơn với cha mẹ, và cũng giúp các em học được sự khiêm tốn, một trong những đức tính quan trọng để thu phục nhân tâm, để thành công trong cuộc sống.

Khuôn phép, kỷ luật nhưng hợp lý

Trong nhà cũng phải có kỷ luật, có khuôn phép. Có như vậy con cái mới nên người. Điểm cần nhấn mạnh ở đây là các khuôn phép, kỷ luật trong gia đình phải được áp dụng với tất cả mọi thành viên một cách hợp lý. Lấy ví dụ về giờ giấc học hành, sinh hoạt của gia đình. Trong gia đình, nếu cha mẹ sinh hoạt điều độ, giờ nào cơm nước, giờ nào chơi với con cái, giờ nào học với con cái, giờ nào cho con sửa soạn đi ngủ, đọc truyện cho con … Kể cả việc phân công trong gia đình, cha làm việc gì, mẹ làm việc gì. Hàng ngày sinh hoạt gia đình ra sao, Chủ Nhật sinh hoạt gia đình như thế nào… Nếu trong gia đình cha mẹ có thói quen sinh hoạt cá nhân, và sinh hoạt với con cái chuẩn mực, các em khi lớn lên cũng biết cách tổ chức công việc của mình, tổ chức suộc sống của mình một cách ngăn nắp. Đây cũng chính là một trong các yếu tố giúp trẻ dễ thành công trong đời sống sau này.

Ứng xử với mọi người

Người Việt chúng ta ngày nay, hay chê “dân mình” ích kỷ, thiếu tinh thần hợp tác. Ở trường học thì các em ít có sinh hoạt hay học nhóm, còn ở các cơ quan, nhà máy các tổ chức nhóm chỉ là hình thức và thiếu sức sống. Kỹ năng làm việc nhóm nói chung là thấp.

Tuy vậy, nếu ở trong gia đình, ngay từ khi các em còn nhỏ, nếu cha mẹ biết dạy con cái phép lịch sự, sự khiêm tốn, nhường nhịn, quan tâm chia sẻ và giúp đỡ mọi người, khi lớn lên các em sẽ có tinh thần xã hội hơn, biết đoàn kết hợp tác với nhau hơn.

Nếu con em chúng ta biết quan tâm, để ý giúp đỡ bạn bè thì cũng sẽ được bạn bè quan tâm giúp đỡ ngược lại. Một đứa trẻ được giáo dục và sống với một tâm thức chia sẻ, cởi mở như vậy, hẳn sẽ có một tâm lý phát triển lành mạnh, sẽ chắc chắn là người hữu ích cho gia đình và xã hội sau này. 

Bày tỏ sự thương yêu 

Không có sự khuyến khích nào mạnh bằng tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái. Nếu cha mẹ luôn bày tỏ sự thương yêu của mình dành cho con cái, chúng sẽ luôn luôn có một sức mạnh để có thể vượt lên trên mọi trở ngại trong đời sống. Tất cả những điều chúng ta đã bàn ở trên về cách dạy trẻ, sẽ không thực hiện được hoặc sẽ thiếu hiệu quả, nếu chúng ta không biết cách bày tỏ tình yêu thương của chúng ta dành cho con cái của mình.

Nhiều bậc cha mẹ rất ngại bày tỏ tình yêu của mình đối với con cái, vì sợ “nuông chiều quá con sẽ hư”. Các thế hệ cách đây 20, 30 năm vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo, cho rằng nên nghiêm khắc với con mới dạy con nên người,  do vậy mà cha con thường có khoảng cách. Thật sự tình yêu thương của cha mẹ khác với sự nuông chiều, vì sự nuông chiều thái quá là tình yêu thiếu tính giáo dục.

Ôm hôn con luôn làm cho trẻ cảm thấy đầy tràn hạnh phúc, mặc dù có khi gia đình thiếu thốn vật chất hơn người khác. Những lời yêu thương ngọt ngào, tự hào về con sẽ luôn làm cho trẻ thêm nghị lực, tự tin, phấn đấu để vượt lên. Những lời khuyên ngọt ngào đầy tình thương của cha mẹ sẽ luôn làm cho trẻ ý thức làm điều tốt, tránh điều xấu để trở thành người con hiếu thảo và giỏi giang. Hãy luôn tìm mọi cách để bộc lộ tình thương yêu của cha mẹ đối với con cái, đó là bí quyết tối ưu để giáo dục con mình nên người.

Chúc các ông bố bà mẹ thành công trong việc nuôi dạy những đứa con vừa giỏi vừa ngoan, cho gia đình và cho xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên