Dạy trẻ tự kỷ như thời trung cổ: Buộc đóng cửa trường ngay lập tức
Đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT TP.HCM và Q.Tân Bình đã đến Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương kiểm tra và buộc đóng cửa trường.
Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ trường Chu Văn Việt xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp - công ty TNHH một thành viên do Sở KH-ĐT cấp ngày 5.5.2014. Theo nội dung giấy phép này, ông Việt (44 tuổi, ngụ P.15, Q.Tân Bình) làm chủ sở hữu Công ty TNHH chăm sóc khuyết tật Anh Vương (địa chỉ trụ sở chính 86 Cống Lở, P.15, Q.Tân Bình); ngành nghề kinh doanh: hoạt động chăm sóc sức khỏe người có công, người già và người tàn tật không có khả năng tự chăm sóc, với vốn điều lệ 1,8 tỉ đồng. Vin vào giấy phép này, ông Việt cho rằng mình không sai, mà chỉ có “thiếu sót là quên tháo bảng hiệu” Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương xuống.
Công khai hoạt động trá hình
Trong khi đó, “thương hiệu” Anh Vương từ nhiều năm qua đã không hề xa lạ với cơ quan chức năng Q.Tân Bình. Ngày 15.10.2013, đoàn kiểm tra của Phòng GD-ĐT đã phát hiện trường hoạt động trong tình trạng không có hiệu trưởng từ ngày 19.9.2011 do mâu thuẫn nội bộ. Đến ngày 3.12.2011, ông Việt dời trường đến địa điểm mới cũng không trình báo cơ quan chức năng. Ngày 26.6.2013, đoàn kiểm tra của Phòng GD-ĐT mới bất ngờ phát hiện trường này hoạt động tại địa chỉ 86 Cống Lở, P.15, Q.Tân Bình.
Bà Nga, bà nội của bé Kỳ Nam rơm rớm nước mắt khi thấy hình ảnh
cháu trai bị đánh trên báo |
Do không có hiệu trưởng để quản lý công tác chuyên môn và ông Việt cũng không có nghiệp vụ về giáo dục chuyên biệt nên Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình đã thu hồi con dấu và quyết định thành lập trường, yêu cầu giải thể để thành lập nhóm trẻ chuyên biệt để hoạt động theo đúng quy định. Thế nhưng ông Việt vẫn điều hành hoạt động của trường bất chấp quy định pháp luật. Ngày 30/12/2013, Chủ tịch UBND Q.Tân Bình Châu Văn La đã ký quyết định giải thể trường này nhưng trên thực tế nó vẫn công khai tồn tại hoạt động trá hình với hàng loạt những kiểu hành hạ trẻ tự kỷ phản giáo dục như đã phản ánh.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: “Đây không phải là trường nhưng đã hoạt động trá hình, không đúng chức năng”. “Yêu cầu ngay sau khi đoàn điểm tra làm việc xong phải đóng cửa, tiến hành tháo dỡ bảng hiệu”, bà Thanh nói thêm.
Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu?
Nằm sau lưng trụ sở UBND P.15 nhưng vì sao Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương lại có thể ngang nhiên hoạt động bất chấp pháp luật như vậy?
|
Chính Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thị Kim Thanh cũng khẳng định trong buổi làm việc hôm qua: “Trách nhiệm của địa phương rất là quan trọng, các cơ sở nằm trên địa bàn quận, huyện, phường, xã khi họ có quyết định hoạt động thì bắt buộc họ phải trình báo với địa phương và địa phương phải giám sát, kiểm tra. Việc đội lốt từ một nơi chăm sóc người già, người tàn tật thành một trường tiểu học, mà địa phương cũng không giám sát, phát hiện kịp thời. Đây là việc chúng tôi thấy trách nhiệm của chính quyền địa phương…”.
Ông Lê Sơn, Phó chủ tịch thường trực UBND Q.Tân Bình, cho biết rất bất bình khi xem những hình ảnh các giáo viên, bảo mẫu đánh đập trẻ tự kỷ. Về trách nhiệm buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, ông Sơn khẳng định sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm.
Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP.HCM Võ Văn Luận cũng khẳng định: “Quan điểm của UBND TP là xử lý nghiêm khắc những hành vi sai phạm của đơn vị, cá nhân liên quan. TP sẽ chỉ đạo tổng rà soát các cơ sở dạy trẻ khuyết tật, trong đó có nuôi dạy trẻ tự kỷ trên toàn địa bàn”./.