Giảm giá xăng dầu, ai chờ, ai đợi?

PGS, TS Ngô Trí Long: Cần tăng/giảm giá xăng dầu theo thị trường, không thể dựa vào lý do có thu thuế nhập khẩu hay giảm sâu để kéo dài thời gian giảm giá.

Đợt giảm giá xăng dầu hôm 9/5 với mức giảm từ 300-500 đồng/lít được cho rằng mới chỉ là liệu pháp tâm lý, chưa có tác động nhiều đến nền kinh tế. Doanh nghiệp và người tiêu dùng đang mong đợi một đợt giảm giá mới tích cực hơn đối với mặt hàng này. Giá dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tiếp tục giảm sâu, trong đó thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn nhất của Việt Nam là Singapor cũng liên tục giảm từ cuối tháng 4 đến nay, vậy thì vì sao giá xăng, dầu ở Việt Nam giảm chậm, giảm ít - trong khi lại tăng nhiều hơn về số lần cũng như số tiền?

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội trước phiên khai mạc, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: “Tín hiệu giảm giá xăng dầu đã rõ. Theo đó, có thể giảm vài trăm đồng mỗi lít. Song, vẫn còn phải theo dõi diễn biến thêm vài ngày nữa trước khi quyết định, bởi giá vừa giảm cách đây 9 ngày, trong khi đó chu kỳ lưu kho xăng dầu là 30 ngày.”

Câu nói này dường như ít nhận được sự đồng thuận, bởi cũng tại kỳ họp Quốc hội trước đó, tân Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã khẳng định, việc đầu tiên mà ông làm mỗi sáng là xem bảng giá xăng dầu, “nếu có cơ hội là giảm giá ngay”. Thế nhưng, giá dầu thành phẩm trên thị trường thế giới liên tục giảm sâu suốt trong nửa cuối tháng tư và kéo dài liên tục cho tới thời điểm này. Cộng cả việc giảm giá bán lẻ và tăng thuế nhập khẩu xăng dầu lên 2% cách đây 10 hôm, thì doanh nghiệp vẫn lãi lớn.

Theo tính toán của nhiều chuyên gia, sẽ có vài doanh nghiệp đầu mối  nhập khẩu hưởng lãi đến 1.500 đồng/lít xăng dầu tại thời điểm này. Tuy nhiên, thay vì có thể tiếp tục giảm giá cho người tiêu dùng, các thương nhân đầu mối nhỏ không ngừng tăng chiết khẩu hoa hồng cho các đại lý bán lẻ để giành thị phần. Còn các đầu mối nhập khẩu lớn, phải thực hiện đúng quy định hạn mức nhập khẩu tối thiểu 30 ngày để đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường, cũng tranh thủ lách luật kiếm lời.

Ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Saigon Petro thẳng thắn bày tỏ: Cần phải tuân thủ theo giá thị trường kể cả khi lãi cũng như lúc lỗ. Nếu không, thị trường xăng dầu sẽ vẫn méo mó, gây bức xúc cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Theo PGS. TS Ngô Trí Long (nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính) thì ngay cả Nghị định 84 về quản lý và kinh doanh xăng dầu cũng có rất nhiều bất cập, cần phải sửa đổi. “Thị trường xăng dầu hiện nay chưa phải là thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Nó thể hiện ở chỗ có vài doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối chiếm thị phần rất lớn. Khi đã xác định thị trường xăng dầu là độc quyền thì ta phải có cơ chế quản lý giá phù hợp.

Trong bối cảnh hiện nay, không thể ngồi đợi doanh nghiệp đầu mối kinh doanh vì lợi nhuận lại xin giảm giá cho người tiêu dùng được. Bộ Tài chính cần thực hiện việc tăng/giảm giá xăng dầu theo quy luật của thị trường,  không thể dựa vào lý do có thu thuế nhập khẩu hay giảm sâu để kéo dài thời gian giảm giá. Điều này chỉ làm tăng lãi cho thương nhân đầu mối bởi trong thuế xăng dầu có 3 loại, chưa kể cả phí nữa. 3 loại thuế thì chỉ mới 1 cái thuế nhập khẩu thôi, còn thuế tiêu thụ đặc biệt, còn VAT, 2 cái ấy ông vẫn giữ chứ có bỏ đâu…”

Xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội và dân sinh. Vì vậy, giảm giá xăng dầu - trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đã giảm sâu trong suốt nhiều ngày qua - đang là mong đợi và đòi hỏi của người tiêu dùng. Không thể chờ đợi, cân nhắc giữa việc tăng thuế hay giảm giá nhiều, ít với lợi ích của cả nền kinh tế, của người dân và xã hội. Bởi, giảm giá xăng dầu lúc này sẽ góp phần tích cực trong việc giảm chi phí sản xuất, chi phí lưu thông, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên