Gian nan bản nghèo gieo chữ

Cứ đến dịp đầu năm học mới, giáo viên và phụ huynh học sinh trường tiểu học Chung Chải lại bắt tay vào dựng lán bằng vách tre, mái lá làm lớp học

Nằm cách Hà Nội hơn 700km, Chung Chải (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là một xã vùng biên giới – nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Hà Nhì, Mông và Si Na. Đoàn thiện nguyện “HiPT chung tay đưa trẻ đến trường” có mặt tại Chung Chải vào những ngày giữa tháng 8. Trận lũ quét vừa đi qua để lại những con đường sạt lở, đất đá lởm chởm rải suốt từ Mường Nhé vào Chung Chải. Đó là chưa kể đến những đoạn đường cheo leo, bên vực bên núi khiến việc đi lại thật khó khăn.

Trưởng tiểu học Chung Chải có 12 điểm trường trên toàn địa bàn xã. Thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Khiêm cho biết: “Nhà trường bắt đầu tập trung giáo viên từ đầu tháng 8, phân công tới các điểm bản, tiến hành kiểm tra, sửa chữa cơ sở vật chất, đồng thời vận động phụ huynh học sinh cho con em đến lớp”.  

Sà Quế - Pá Lùng (cách điểm trường trung tâm khoảng 30 km) là điểm trường có số lượng giáo viên đông nhất với 13 người, đây cũng là điểm trường sâu nhất, xa nhất và gian khó nhất. Đến điểm trường này vào ngày khô ráo đã là một sự thử thách con người, bởi con đường rộng chưa đến 2m. Lên đến điểm bản rồi, chỉ cần lác đác vài hạt mưa thì “khách” phải ở lại 3 ngày, chờ đường khô mới về được.

Các thầy, cô giáo ví Sà Quế - Pá Lùng như cái ngưỡng của sự gian khó. Những ngày đầu lên điểm trường, có người khóc vì sợ con đường hiểm trở và vì nhớ nhà, có người hoang mang vì sự thiếu thốn… Thế rồi lòng yêu nghề, yêu trẻ đã giúp họ thích nghi với cuộc sống và gắn bó hơn những con người nơi đây. Họ cùng ăn, cùng ở, cùng học với học sinh tại điểm bản. Một năm đôi ba lần phải dựng lại lớp học, phòng ở sau mùa mưa bão đã không còn là công việc lạ lẫm đối với họ.

Băng qua 10km đường lầy “treo” bên vách núi, lội qua 2 con suối nhỏ, đoàn chúng tôi đến thăm điểm trường tại bản Nậm Vì. Không thể tin vào mắt mình khi thấy 6 phòng học và phòng ở của các thầy, cô giáo là một dãy “lán” chỉ còn trơ lại cọc tre và mái lá. Thầy giáo Trần Văn Cường (sinh năm 1988) đã gắn bó với điểm trường này gần 2 năm, chỉ vào 4 chiếc cọc tre cắm trên một khoảng nền đất, nói: “Giới thiệu với mọi người, đây là phần còn lại của chiếc giường sau mùa mưa bão”.

Thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Khiêm cũng chia sẻ những nỗi lo lắng canh cánh về những thiếu thốn mà nhà trường đang đối mặt. Khoảng 3 năm trở lại đây, “nỗi lo ngược” về số học sinh 3 KHÔNG (không có giấy đăng ký, không có học bạ và không sách vở) tăng đột biến. Người dân di cư đến đây ngày một nhiều, khiến nhà trường phải “gồng mình” để đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Dự kiến năm học 2012-2013, trường Tiểu học Chung Chải tiếp nhận hơn 900 học sinh. Tuy nhiên, hiện nay nhà trường chỉ có 56 phòng học, trong đó có 21 phòng được kiên cố hóa, còn lại là phòng học tạm. Tại điểm trường trung tâm, ngoài việc thiếu 9 phòng học, nhà trường cũng chưa có đủ điều kiện xây dựng khu nội trú kiên cố cho khoảng hơn 300 học sinh.

Để khắc phục tình trạng này, nhà trường lại phối hợp với chính quyền địa phương vận động đồng bào góp công, góp vật liệu để tu sửa, dựng mới các phòng học tạm, làm nhà ở nội trú cho học sinh tại trường trung tâm và cho giáo viên tại các điểm bản.

Cứ đến đầu năm học mới, phụ huynh lại xuống trường dựng nhà nội trú cho con.


Dãy phòng học, phòng ở của các giáo viên và học sinh tại điểm trường Nậm Vì.


 

Cần lắm sự hỗ trợ, giúp đỡ của mọi người để thày trò vượt qua những khó khăn

Đời sống dẫu thiếu ăn, thiếu mặc và phải chống chọi với điều kiện thiên nhiên khó khăn nhưng vẫn không thể đẩy lùi quyết tâm của những người giáo viên tình nguyện mang tri thức, tuổi xuân và lòng nhiệt huyết để gieo mầm, “ươm chữ”, nuôi dưỡng những cây đời xanh tươi cho bản nghèo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên