Học sinh đi xe máy, không nên đổ hết lỗi cho nhà trường

(VOV) -Nếu gia đình và cơ quan chức năng vẫn làm ngơ, nhà trường có nỗ lực cũng phải bó tay.

Trong những ngày qua, dư luận bàng hoàng trước thông tin 4 nữ sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hạ Long - Quảng Ninh) đi xe máy đèo bốn bị thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông.

Ngay sau vụ việc đau lòng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Chỉ thị số 11/CT-UBND về tăng cường quản lý, ngăn chặn học sinh đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm trên địa bàn tỉnh. Điều khiến dư luận xôn xao chính là nội dung chỉ thị nhấn mạnh sẽ kỷ luật hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm để học sinh đi xe máy, mô tô đến trường. Bởi lẽ, cái gốc vấn đề nằm ở sự quản lý của gia đình các em. Vì nếu gia đình không cho các em đi xe máy, hay chí ít là không cho đi xe có phân khối lớn thì nhà trường, cơ quan chức năng có lẽ cũng bớt đi một nỗi bận tâm.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao phụ huynh vẫn cho phép con em mình “cưỡi” xe máy phân khối lớn ra đường bất chấp lệnh cấm? Phụ huynh không tự mình đưa đón con được, trong khi đó sử dụng phương tiện khác phụ huynh sợ không an toàn hay thậm chí dùng chiếc xe máy để “dụ” con đi học, dùng làm “phần thưởng” cho con… có phải là nguyên nhân chính của việc học sinh vẫn đi xe máy đến trường?

Nói gì thì nói, cho dù nhà trường có tổ chức sinh hoạt chào cờ, tuyên truyền, thậm chí ký cam kết nhằm giáo dục các em không đi xe máy phân khối lớn ra đường nhưng gia đình vẫn “tạo điều kiện” để con em mình vi phạm pháp  luật, thì việc kỷ luật hiệu trưởng hay giáo viên chủ nhiệm liệu đã công bằng?

Học sinh mặc đồng phục, để đầu trần đi xe máy chở 3 không còn là cảnh hiếm gặp thậm chí ở thủ đô Hà Nội (Ảnh: Vnexpress)

Ở một góc độ khác, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khi trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này đã nhấn mạnh: “Một nguyên tắc để quản lý nhà nước đó là không chấp nhận công khai vi phạm pháp luật. Nếu chúng ta khẳng định việc học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy là vi phạm pháp luật nhưng lại không xử lý thì chắc chắn tình hình vi phạm sẽ tiếp diễn ngày một xấu hơn”. Vậy trách nhiệm của cơ quan chức năng đến đâu khi hàng ngày, trong nhiều năm qua, học sinh vẫn vi vu trên đường trong màu áo đồng phục bất chấp quy định cấm?

Liên quan đến vấn đề này, vai trò của cấp chính quyền trong chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, triệt phá các tụ điểm trông giữ xe mô tô, xe máy của học sinh gần khu vực trường học cũng đang bị đặt dấu hỏi! Nhà trường có “ba đầu sáu tay” cũng không thể quản lý được nếu học sinh gửi xe máy bên ngoài phạm vi trường học.

Còn về phía nhà trường, khi có học sinh vi phạm thì với trách nhiệm của mình cũng không thể nói là không liên quan, trong đó có trách nhiệm của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm. Lâu nay các trường vẫn tổ chức cho học sinh ký kết không vi phạm an toàn giao thông, nhưng liệu ký xong các trường chỉ giữ để có bằng chứng chứ việc giáo dục đã thật sự được chú trọng? Thiết nghĩ thành tích của một lớp học hay của cả trường không thể không tính đến “điểm số” về chấp hành pháp luật giao thông.

Sau tiếng chuông cảnh báo từ vụ việc đau lòng ở Quảng Ninh, dư luận hy vọng rằng không còn phải nghe câu “nước đổ đầu vịt” khi ai đó tỏ ra bất lực trước việc thực hiện quy định cấm học sinh đi xe máy đến trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xe tải cán chết 4 nữ sinh tại Quảng Ninh
Xe tải cán chết 4 nữ sinh tại Quảng Ninh

Bốn nữ sinh đèo nhau trên một xe máy, đến khu vực đoạn tổ 1, khu 5, phường Đại Yên -TP Hạ Long bất ngờ gặp nạn.

Xe tải cán chết 4 nữ sinh tại Quảng Ninh

Xe tải cán chết 4 nữ sinh tại Quảng Ninh

Bốn nữ sinh đèo nhau trên một xe máy, đến khu vực đoạn tổ 1, khu 5, phường Đại Yên -TP Hạ Long bất ngờ gặp nạn.

Vụ 4 nữ sinh tử nạn: Kỷ luật hiệu trưởng
Vụ 4 nữ sinh tử nạn: Kỷ luật hiệu trưởng

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã có chỉ thị sẽ kỷ luật hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm để học sinh đi xe máy, mô tô đến trường.

Vụ 4 nữ sinh tử nạn: Kỷ luật hiệu trưởng

Vụ 4 nữ sinh tử nạn: Kỷ luật hiệu trưởng

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã có chỉ thị sẽ kỷ luật hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm để học sinh đi xe máy, mô tô đến trường.