Học sinh thờ ơ với sách: Lỗi do đâu?
VOV.VN -Trong các trường học ở Việt Nam hiện nay, hầu hết học sinh đều chưa có thói quen và kỹ năng đọc sách, thậm chí nhiều bạn trẻ thờ ơ với sách.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh thờ ơ với sách, như hệ thống thư viện trường học yếu kém, sức ép do phải học quá nhiều, thu nhập gia đình thấp và cha mẹ không có thói quen đọc sách... Các chuyên gia cho rằng, cần có sự chung tay của cả cộng đồng trong việc cung cấp sách, báo, thay đổi cách dạy, cách học gắn với đọc sách đối với học sinh.
Học nhiều nên không còn thời gian đọc sách
Văn hóa đọc với ba yếu tố chính là: “thói quen đọc, khả năng đọc và cách đọc”. Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hầu hết học sinh Việt Nam hiện nay đều chưa có cả ba yếu tố này. Nhiều học sinh ở nông thôn hầu như không có sách gì để đọc ngoài sách giáo khoa. Đối với học sinh ở khu vực thành thị, dù điều kiện khá thuận lợi nhưng vẫn chưa chú trọng đến thói quen đọc sách và kỹ năng đọc sách. Các em bị thu hút bởi những hình thức nghe nhìn lôi cuốn hơn là hình thức đọc.
(Ảnh minh họa) |
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết, học sinh thiếu các kỹ năng phát hiện và giải quyết các vấn đề thực tiễn và làm việc theo nhóm có một phần nguyên nhân do ít đọc sách. Các trường học chưa khuyến khích giáo dục kỹ năng đọc có hệ thống từ bậc tiểu học lên đến bậc đại học.
“Học sinh ít đọc bởi vì bị lôi cuốn vào những hoạt động học chính khóa, rồi học thêm, nên việc đọc không được sâu sắc. Các em thiếu thời gian đọc kỹ lưỡng một vấn đề để tranh luận với nhau, tranh luận với các thầy cô giáo cho nên hiểu vấn đề không được sâu sắc. Mặt khác, thư viện nhà trường cũng nghèo nàn, đội ngũ cán bộ làm thư viện nghiệp vụ chưa cao và chưa có giao tiếp thường xuyên với học sinh, giáo viên thành ra phát huy vai trò của thư viện cũng hạn chế. Việc dạy và học, kiểm tra kết quả học tập chưa khuyến khích việc học sinh cần phải đọc nhiều” – ông Nguyễn Vinh Hiển nói.
Làm sao để thu hút các em đọc sách?
Để xây dựng văn hóa đọc đối với học sinh trong các trường học, nhiều chuyên gia cho rằng, trước tiên phải nhận diện được văn hóa đọc của học sinh đang ở mức độ nào để có biện pháp tác động cho từng nhóm học sinh. Cụ thể, với nhóm học sinh chưa có thói quen đọc sách thì mục tiêu là phải tạo ra thói quen đọc; đối với nhóm đã có thói quen đọc thì mục tiêu là giúp cho các em lựa chọn được các tác phẩm có giá trị và lành mạnh.
Khi các em đã có thói quen đọc, có nhu cầu đọc sách thì cần tác động nâng cao kỹ năng hiểu văn bản của các em. Muốn thực hiện được các mục tiêu này, theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ngành Giáo dục - Đào tạo và các địa phương cần đầu tư, xây dựng hệ thống thư viện trường học, thư viện công cộng rộng khắp, phù hợp với các đối tượng bạn đọc; cung cấp đầy đủ số lượng sách, báo; huy động xã hội hóa trong đầu tư, cung cấp sách, báo cho các thư viện.
Hoạt động của các thư viện trường học cũng cần được đổi mới theo hướng thân thiện hơn, tạo không gian đọc thuận tiện cho học sinh, để các em có thể đọc tại trường, hoặc mượn sách về nhà đọc. Cán bộ thư viện phải được đào tạo chuyên sâu về công tác thư viện, để vừa có nghiệp vụ thư viện, vừa có kỹ năng tổ chức các hoạt động giới thiệu sách, thu hút học sinh đến với thư viện chứ không đơn thuần là người quản lý sách như hiện nay.
Bà Trần Thị Minh Nguyệt, giảng viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, đối với cộng đồng xã hội nói chung và các gia đình nói riêng, ngoài việc tham gia đóng góp kinh phí xây dựng thư viện, tủ sách của các trường học thì cần xây dựng ý thức, thói quen đọc sách, trong đó ai cũng đọc, thậm chí con còn nhỏ thì được bố mẹ đọc cho nghe.
Theo bà Minh Nguyệt, các giáo viên cũng phải có ý thức phát triển văn hóa đọc của học sinh, bằng cách trong mỗi bài giảng của mình thì phải chú ý đến việc yêu cầu các em phải đọc sách, đến các buổi sau thì phải kiểm tra xem các em đã đọc sách như thế nào; thậm chí tạo ra các buổi tranh luận về sách đối với các em, tạo ra không khi sôi nổi. Quan trọng nhất là giáo dục cho các em kỹ năng đọc, bởi vì thà đọc ít mà tốt, còn hơn là đọc nhiều mà không hiểu.
Cuối cùng, theo các chuyên gia, biện pháp then chốt để phát triển văn hóa đọc trong trường học là phải nâng cao nhận thức của các cấp quản lý. Bởi lẽ, tất cả các giải pháp vừa nêu chỉ có thể thực hiện được nếu các cấp quản lý nhận thức đúng về tầm quan trọng của phát triển văn hóa đọc cho học sinh, từ đó tạo ra cơ chế phối hợp giữa hoạt động dạy học và hoạt động thư viện, hoặc đầu tư, huy động các nguồn vốn để xây dựng thư viện./.