Học sinh thủ đô khổ vì… học nhờ

Giữa Hà Nội, nhiều phường chưa có trường tiểu học, THCS hoặc “trắng trường mầm non”, khiến hàng ngàn học sinh phải đi học nhờ. Chuyện lạ này không chỉ xảy ra ở một quận…

Nửa thế kỷ học nhờ trong… đình!

Đến trường tiểu học và THCS Tứ Liên (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) chúng tôi sửng sốt khi nghe tiếng gõ mõ, hương khói nghi ngút ngay trong giờ học của cả ngàn học sinh. Thật khó có thể tưởng tượng khi một ngôi trường của Thủ đô lại phải học nhờ ở đình Nội Châu và Đình Xuyên gần nửa thế kỷ (từ năm 1959 đến nay). “Ngày thường còn đỡ, khổ nhất là vào những ngày rằm, mồng một hoặc lễ hội, người dân tổ chức ăn uống linh đình đến vài ba ngày. Ở ngay sát các lớp học, mùi thức ăn ngào ngạt, mùi hương, tiếng trống, tiếng người ra vào khấn vái, khiến học sinh, giáo viên không thể tập trung giảng dạy và học được” - một giáo viên than thở.

Hiện tại, Trường THCS Tứ Liên có 340 học sinh, với 10 lớp và 31 cán bộ giáo viên. Do học nhờ nên cơ sở vật chất khó khăn. Ngoài phòng họp chuyên môn rộng 20m2 và phòng hiệu trưởng được xây gá giữa hai dãy nhà như một “chòi canh” rộng chừng 10m2, tất cả các phòng ban khác đều được tận dụng triệt để từ hành lang. Ví dụ, phòng để đồ dùng học tập và phòng tài chính được ghép chung với nhau, rộng chừng 2m2; phòng thư viện của gần 400 học sinh, giáo viên cũng có diện tích khiêm tốn 2m2… Do tình trạng học nhờ trong đình kéo dài và chưa có hướng giải quyết, nên nhiều phụ huynh đã bỏ trường gần nhà để chấp nhận học trường trái tuyến, xa hơn, nhưng điều kiện trường lớp tốt hơn để phát triển khả năng của con. Chưa kể hiện tại, trường THCS Tứ Liên cũng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu người dân trong phường.

Tại trường Tiểu học Nhật Tân (quận Tây Hồ) vì không đủ lớp để thực hiện học 2 buổi/ngày nên cũng phải học nhờ Trường THCS Nhật Tân. Theo lãnh  đạo quận Tây Hồ, việc thực hiện chỉ tiêu học 2 buổi/ngày của quận hiện rất thấp và quận vẫn “nợ” về việc xóa phòng học cấp 4.

Điệp khúc “trắng trường”

Những năm gần đây, do sự bùng nổ dân số cơ học nên quỹ đất dành để xây dựng trường học ngày càng thiếu. Chỉ tính riêng 4 quận nội thành cũ là: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Ba Đình, hiện có tới 11 phường chưa có trường tiểu học, 29 phường chưa có trường THCS; bình quân số học sinh/lớp, số lớp/trường cao, nhưng số m2/học sinh lại rất thấp so với quy định. Trên địa bàn quận Đống Đa hiện có 3 phường là: Trung Liệt, Ngã Tư Sở, Phương Mai đang “trắng trường mầm non” trong khi các trường ở phường bên cạnh lại quá tải, không đáp ứng được nhu cầu thuộc địa bàn mình, nên hầu hết các cháu cũng không có cả cơ hội để học nhờ. “Hiện nay, mỗi phường cần ít nhất một trường mầm non. Từ nhiều năm nay phòng GD - ĐT quận đã tham mưu với chính quyền mở các trường, lớp tư thục có đủ điều kiện để mở lớp và chịu sự quản lý của phòng GD - ĐT quận. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh rất lo lắng về chất lượng nuôi dạy các cháu cùng học phí khá cao ở nhiều trường tư thục” - bà Phạm Thị Dung, Phó phòng GD - ĐT quận Đống Đa cho biết.

Trở lại trường THCS Tứ Liên, Phó hiệu trưởng Phạm Thị Huyền, cho biết: Nhà trường và nhân dân ở phường đã kiến nghị rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa có hướng để xây dựng trường. Nguyên nhân do trường nằm ở khu vực ngoài đê, nên muốn xây dựng thì lại bị vướng Luật Đê điều.

Thế nhưng, tại khu vực ngoài đê này, hiện có tới 4/5 nhà dân xây kiên cố và ngay trụ sở công an, UBND phường cũng nằm ở đó. Các cơ quan chức năng giải thích ra sao về việc này?./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên