Hướng đến nền giáo dục trung thực và lành mạnh

Xây dựng một nền giáo dục lành mạnh, trung thực cũng như khắc phục những khó khăn của ngành sẽ là ưu tiên trong năm học 2011-2012.

Năm học 2011-2912 là năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Nhân sự kiện này, phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phạm Vũ Luận để rõ hơn về quyết tâm, kế hoạch của ngành trong việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.

PV: Năm học 2011-2012 là năm khởi đầu Công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Xin Bộ trưởng cho biết kế hoạch và trọng tâm chỉ đạo của ngành trong năm học này?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ và một số phương hướng giải pháp lớn đối với ngành giáo dục- đào tạo, đó là phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, xã hội hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng nhu cầu về nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Năm học 2011-2012 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, chúng tôi phải làm đồng thời nhiều nhiệm vụ, trong đó có 2 nhiệm vụ.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Thứ nhất: Triển khai nhiệm vụ năm học mới với tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XI là phải tổ chức dạy tốt, học tốt, đổi mới quản lý giáo dục. Điểm mới năm nay là tiến hành giảm tải đồng thời ở tất cả các lớp học, các bậc học phổ thông nhằm tạo điều kiện cho học sinh học tập nhẹ nhàng hơn, thầy cô giáo triển khai việc giảng dạy chủ động hơn và có cơ hội đổi mới phương pháp giảng dạy.

Trên cơ sở phát huy kết quả, thành tựu giáo dục những năm học trước, từ việc triển khai các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ”, cuộc vận động “hai không”… chúng tôi sẽ tiếp tục bằng những công việc cụ thể, để tạo lập môi trường giáo dục lành mạnh, trong sáng, trung thực. Trên tinh thần từng thầy cô giáo, học sinh, từng nhà trường phải tự chỉnh đốn, để những tiêu cực và hạn chế yếu kém của ngành được giải quyết một cách mạnh mẽ. Trên cơ sở đó toàn ngành tự chỉnh đốn để đáp ứng yêu cầu mới, nhiệm vụ mới.

Thứ hai: Chúng tôi phải tích cực chuẩn bị các công việc cần thiết để nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới, học trong quá khứ của quá trình xây dựng và phát triển nền giáo dục cách mạng, nghiên cứu những vấn đề lý luận mới, chuẩn bị kế hoạch để tiến hành việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục sau 2015.

Trước mắt, Bộ GD-ĐT cùng với các cơ quan của Trung ương chuẩn bị các nội dung phục vụ Hội nghị Trung ương vào năm 2012 bàn chuyên đề và sẽ ra Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.

PV: “Xây dựng nền giáo dục trung thực, lành mạnh” là mục tiêu ưu tiên trong năm học này. Tuy nhiên, rào cản “bệnh thành tích”, “tiêu cực trong thi cử” vẫn còn rất lớn. Vậy ngành giáo dục đã có những giải pháp gì để thực hiện mục tiêu này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Cuộc vận động “hai không” (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) đã triển khai hơn 4 năm qua. Cho dù đã đạt được kết quả quan trọng, nhưng chúng ta không được chủ quan. Bởi thi cử gắn với đánh giá, kết quả, nên người học, người đi thi phải chịu sức ép.

Cùng với đó, từng nhà trường, thầy cô giáo có thể chưa làm hết trách nhiệm, có những buông lỏng, không có những biện pháp tích cực để kiểm soát. Vì bệnh thành tích và những biểu hiện không trung thực trong giảng dạy, học tập và thi cử luôn luôn có khả năng xuất hiện trở lại. Vì vậy, chúng tôi luôn tìm mọi giải pháp phối hợp với các lực lượng trong và ngoài nhà trường, để tạo môi trường giáo dục lành mạnh, trung thực.

Giải pháp đầu tiên ngành giáo dục tính đến liên quan đến nhận thức. Phải có nhận thức đúng đắn về quá trình dạy và học trong nhà trường. Một mặt, ban hành và triển khai thực hiện các chuẩn: “chuẩn đầu ra”, “chuẩn đầu vào”, chuẩn đối với học sinh, chuẩn đổi với thầy cô giáo, cán bộ quản lý.

Đánh giá theo “chuẩn” để biết mình đang đứng ở vị trí nào, nhưng đồng thời tạo điều kiện khuyến khích học sinh tự vượt chính mình, nhưng chú ý không gây sức ép, quá sức, quá căng thẳng cho các em.

Giải pháp thứ hai liên quan đến tổ chức quản lý. Phải làm sao tạo ra động lực cho cả thầy và trò (nhưng không quá sức) tôi luyện ý chí, ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm. Giải pháp này cần sự phối hợp của các bậc phụ huynh học sinh, xã hội với nhà trường.

Giải pháp thứ ba là có những thay đổi về công tác kiểm tra, đánh giá, thi cử. Làm sao để học sinh có ý thức tự giác trọng danh dự của bản thân, gia đình, quê hương mình và danh dự của nhà trường, từ đó tự giác không làm những điều không trung thực trong quá trình học tập và thi cử. Để làm việc được việc này, chúng tôi đang triển khai theo hướng: Củng cố cơ quan khảo thí và kiểm định của ngành; đổi mới hoạt động thi cử trong các nhà trường làm sao để việc thi cử đáp ứng được cả hai yêu cầu: Nghiêm túc, trung thực.

PV: Trong ba giải pháp mà Bộ trưởng vừa nêu, giải pháp về quản lý là một trong những khâu đang yếu của ngành giáo dục hiện nay?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Nhiều người suy luận rằng, quản lý là phải chặt, vì họ sợ khi buông ra, nó sẽ không đi không đúng hướng mình mong muốn.

Tôi quan niệm hơi khác, quản lý là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng phát triển bình thường theo định hướng, mục tiêu đã xác định. Người quản lý tốt, cơ quan quản lý giỏi là tạo ra môi trường, hành lang, động lực cho đối tượng quản lý cảm thấy được tự do khi hành động đúng.

Chúng tôi đang suy nghĩ để tìm giải pháp quản lý trên tinh thần tôn trọng học sinh, thầy cô giáo, nhà trường và đặt niềm tin vào họ, tạo động lực, môi trường, khuyến khích họ hoạt động theo mục tiêu xây dựng nền giáo dục theo chuẩn đã qui định.

Ở đây cũng xin được nói thêm, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 115 về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó phân cấp nhiều hơn cho các UBND các tỉnh, thành phố, cấp huyện, cấp xã… Chúng tôi sẽ cùng bàn bạc trao đổi với lãnh đạo các địa phương để tổ chức triển khai thật tốt nghị định này. Hy vọng, những hạn chế bất cập trong quản lý giáo dục hiện nay sẽ sớm được khắc phục.

PV: Để cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vậy đâu là yếu tố khó khăn nhất mà ngành giáo dục phải dồn sức giải quyết?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Có hai yếu tố quan trọng nhất. Thứ nhất: Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị giáo dục. Tổng thể trong cả nước, chúng ta vẫn thiếu những điều kiện tối thiểu để cho các nhà trường hoạt động, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo. Ở đó, nhiều lớp học phải mượn tạm đình chùa, nhiều lớp học dưới lán trại tạm bợ. Thầy cô giáo ở miền xuôi lên giảng dạy ở miền núi phải ở trọ nhà dân…

Kinh phí cho các hoạt động của các nhà trường thì hầu hết là để chi lương. Theo qui định 80% kinh phí chi lượng và 20% chi cho hoạt động giáo dục, nhưng ở nhiều trường, phần chi cho lương đã hơn 90%, thậm chí 93-95%, không còn kinh phí chi cho các hoạt động khác.

Thứ hai: Đội ngũ giáo viên trên phạm vi cả nước vẫn trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Đây là khó khăn quyết định nhất. Nếu chúng ta có đội ngũ thầy cô giáo tốt, thì mọi khó khăn, trở ngại có thể vượt qua. Đây là những điều khiến tôi trăn trở.

Để giải quyết khó khăn lớn về nhân lực, tôi cho rằng trước hết, ngành giáo dục và chính quyền địa phương sẽ phải chủ động chăm lo, xây dựng đội ngũ giáo viên, nghiên cứu đề xuất các chế độ chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Đồng thời để nâng cao chất lượng và đội ngũ giáo viên chúng ta cũng cần phải nói đến vai trò, trách nhiệm của hệ thống các trường, các khoa sư phạm. Hệ thống này phải đổi mới, không những để nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tham gia vào công tác đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên, giúp họ cập nhật kiến thức, kỹ năng….

PV: Nhân dịp năm học mới 2011-2012, Bộ trưởng có điều gì nhắn gửi với đội ngũ cán bộ giáo viên, học sinh, sinh viên trong cả nước?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi mong các thầy cô giáo, các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, để phát triển tiềm lực, khắc phục yếu kém góp phần cùng toàn ngành, toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, đưa sự nghiệp giáo duc có những bước phát triển mới, xứng đáng với lòng tin, sự quan tâm của Đảng và nhân dân.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên