Kỹ năng sống trong vùng lũ

Được thực hành ứng phó với lũ, các em tự tin trước sông nước mênh mang và trong mình hình thành tư duy sống thích ứng với lũ.  

Mùa lũ năm 2011 được ghi nhận là lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đã có gần 50 người chết vì lũ, trong đó chủ yếu là trẻ em dưới 16 tuổi. Con số thương tâm ấy buộc chúng ta phải nhìn nhận lại xem trẻ em vùng ĐBSCL được chăm sóc như thế nào và các em được dạy kỹ năng sống ra sao?

“Con vua- vua dấu, con chấu- chấu yêu”, khó có thể nói các bậc cha mẹ ở vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, nơi lũ lụt định kỳ lên xuống theo mùa thiếu quan tâm chăm sóc con em mình. Nhịp sống mùa lũ thật tất bật, cha mẹ bận việc đồng áng, lo gia cố đê bao chống lụt, gặt chạy lũ không phải lúc nào cũng để mắt tới con cái được.

Trẻ em hiếu động, ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ (Ảnh minh hoạ)

Trẻ em không nằm trong tầm kiểm soát của cha mẹ có biết bao rủi ro, nhất là trong mênh mông mùa nước nổi. Một cái lật mình khi ngủ có khi rơi thẳng từ võng xuống nước; một cái hụt chân khi chập chững men theo hiên nhà không có rào chắn; một cái sa sảy khi cùng chúng bạn vui đùa bên bờ kênh xáng... Người lớn cũng đã cố lường trước những rủi ro ấy. Các bậc cha mẹ cũng đã che chắn nhà cửa, dặn dò con trẻ không được rỡn chơi nơi mép nước. Nhưng trẻ em vốn hiếu động đâu chịu bị trói chân trói tay.

Trước những rủi ro ấy, xã Bình Thạnh huyện Hồng Ngự vùng rốn lũ của tỉnh Đồng Tháp, chính quyền địa phương có sáng kiến xây dựng điểm giữ trẻ tập trung mùa lũ. Khi mùa lũ về, trường mẫu giáo mầm non của xã lại mở các điểm giữ trẻ tập trung để người lớn yên tâm làm ăn. Điểm giữ trẻ tập trung mùa lũ không đòi hỏi đầu tư tốn kém. Được sự ủng hộ của chính quyền, trường mẫu giáo mầm non xã chọn ở mỗi cụm dân cư một ngôi nhà dân chắc chắn, nằm ở trung tâm cụm để việc đưa đón trẻ được an toàn, thuận tiện.

Điểm trông giữ trẻ mở từ sáng đến chiều muộn, nhận trông từ trẻ sơ sinh đến trẻ 5 tuổi. Chính quyền xã còn hỗ trợ gạo miễn phí cho các cháu. Tiền thức ăn thì gia đình tự lo. Gia đình nào khó khăn về tiền bạc có thể mang thức ăn chuẩn bị từ nhà đến cho con em mình. Các cô giáo mầm non đều biết bơi, đã qua tập huấn phòng chống đuối nước và sơ cứu trẻ bị đuối nước. Nhờ vậy mà các bậc phụ huynh rất yên tâm khi mang trẻ đến gửi. Mô hình này đã được tổ chức sau trận lũ lịch sử năm 2000 và từ đó đến nay phát huy tác dụng.

Không dừng lại ở bậc học mầm non, việc bảo đảm an toàn cho trẻ em trong mùa lũ ở xã Bình Thành, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp còn được triển khai ở bậc Tiểu học và Trung học cơ sở. Trước năm 2000, nền Trường Tiểu học Bình Thạnh bằng mặt đất ruộng, mùa lũ về có khi ngập sâu 3- 4 m nước. Vì thế sự học của các em thật vất vả, tuỳ năm lũ về sớm hay muộn, cao hay thấp mà học sinh nghỉ học mùa lũ.

Việc giãn thời gian học như vậy ảnh hưởng rất lớn tới việc tham gia các kỳ thi quốc gia. Xã đã huy động nguồn lực địa phương nâng cốt trường lên cao hơn mặt đê bao đảm bảo không bao giờ ngập nước. Từ đó việc học của các em không còn phụ thuộc vào thiên nhiên. Trường Tiểu học Bình Thạnh cũng trở thành điểm sơ tán dân trong các tình huống khẩn cấp.

Lo cơ sở vật chất để giảm thiểu rủi ro liên quan đến sông nước cho trẻ em mới chỉ là biện pháp thụ động. Điều quan trọng là trẻ em được học kỹ năng ứng phó với lũ và rộng hơn là kỹ năng sống trong vùng lũ. Ở trường Tiểu học Bình Thạnh, kiến thức về lũ được tích hợp trong các môn học địa lý, giáo dục công dân và giáo dục thể chất.

Trong các môn học ấy, các em biết được quy luật lũ ở địa phương mình và cả vùng châu thổ sông Cửu Long; được học cách lên kế hoạch ứng phó với thiên tai trước trong và sau lũ; và rất cụ thể là được học bơi- một kỹ năng thiết thực để có thể tự cứu mình và cứu bạn. Nhà trường cũng lên phương án ứng phó với thiên tai trước trong và sau lũ, tổ chức cho giáo viên và học sinh cùng diễn tập khi có tình huống khẩn cấp xẩy ra.

Thậm chí nhà trường cùng ban phụ huynh học sinh xác định những điểm xung yếu trong mùa lũ nơi có nhiều rủi ro cho học sinh trên đường từ nhà tới lớp và lên phương án khắc phục. Các em học sinh được khuyến cáo không nên một mình tới trường khi mùa lũ mà nên đi thành nhóm dăm ba em để có thể ứng cứu cho nhau.

Có kiến thức về lũ, được tham gia xây dựng kế hoạch ứng phó với thiên tai trong 3 giai đoạn trước, trong và sau lũ; được thực hành ứng phó với lũ, các em tự tin trước sông nước mênh mang và trong các em hình thành tư duy sống thích ứng với lũ.

Câu chuyện dạy trẻ em biết ứng phó với thiên tai, biết sống thích ứng với lũ ở Bình Thạnh huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp là kinh nghiệm đáng để các địa phương khác cùng tham khảo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên